Tìm lời giải cho bài toán logistics?
Phát triển nền kinh tế hiện nay trọng tâm là sản xuất hàng hóa. Một trong những khâu trọng yếu là logistics. Tuy nhiên, hiện nay dịch vụ logistics nói chung và hạ tầng để phục vụ ngành này ở nước ta vẫn còn là bài toán cần tìm lời giải.
Theo TS. Trần Du Lịch, hiện nay phần lớn lợi nhuận của ngành logistics Việt Nam đều rơi vào tay của các doanh nghiệp nước ngoài trong khi đây là lĩnh vực mang lại nhiều lợi ích và cơ hội cho nước ta.
Chỉ rõ điểm nghẽn của ngành, TS. Trần Du Lịch nhấn mạnh logistics là phải xây liên kết đồng bộ hệ thống cảng, vận chuyển, kho bãi, ICD... và hệ thống giao thông, cơ sở hạ tầng sẽ là nền tảng kết nối, hỗ trợ tốt cho ngành. Tuy nhiên, hiện nay cơ sở hạ tầng và giao thông đặc biệt là tại vùng kinh tế trọng điểm phía Nam còn quá yếu, khó lòng phát triển logistics đúng bản chất.
“Theo quy hoạch từ năm 2013 giao thông kết nối vùng Đông Nam bộ đến 2025 phải có 500km đường cao tốc nhưng đến nay đã là năm 2019 nhưng chỉ mới hơn 90km và hầu hết hệ thống đều tắc nghẽn” - ông Trần Du Lịch chia sẻ bức xúc về hệ thống giao thông tại vùng kinh tế phía Nam.
Đáng nói hơn nữa, khi các doanh nghiệp trong và ngoài nước muốn tham gia đầu tư hợp tác để nâng cao chất lượng cơ sở hạ tầng, giao thông vận tải nhằm phục vụ cho logistics thì lại vướng các chính sách, thể chế. Cụ thể hiện nay vẫn chưa có luật về công tư đối tác cho các hình thức BOT, BT, PPP...
Phải xây dựng luật công tư đối tác vì không có luật bảo đảm an toàn sẽ không tư nhân nào dám đầu tư. Bởi khi có chuyện xảy ra phải được luật bảo đảm quyền lợi và nghĩa vụ cho cả 2 bên trong quá trình hợp tác.
Theo thống kê của Hiệp hội Logistics Việt Nam, hiện nay cả nước có 4.000 doanh nghiệp cung cấp dịch vụ logistics. Trong đó năng lực doanh nghiệp logistics thuần Việt đã cải thiện được nhiều so với trước. Cụ thể, 80% khai thác cảng, kho bãi, 90% vận tải, nội địa đường bộ do các doanh nghiệp nội thực hiện.
Tuy nhiên, lĩnh vực vận tải đường biển, hàng không quốc tế là 2 lĩnh vực mang lại nguồn lợi nhuận cao nhất lại rơi vào tay các doanh nghiệp ngoại.
Theo ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công thương, hiện nay khối lượng vận chuyển hàng hóa qua phương thức vận tải hàng không còn nhỏ nhưng giá trị vận chuyển chiếm đến 25% tổng trị giá xuất khẩu Việt Nam. Và doanh nghiệp Việt Nam chưa có máy bay vận chuyển chuyên dụng nên hầu hết là do các công ty nước ngoài đảm nhiệm.
Mặt khác, chi phí cao cũng là điểm khiến các doanh nghiệp chưa mặn mà với việc đầu tư vào lĩnh vực logistics. Bởi theo ông Lê Duy Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội Logistics Việt Nam, năm 2018 tỷ lệ chi phí logistis Việt Nam chiếm 16,8%, tỷ lệ này khá cao so với các nước trong khu vực Đông Nam Á. Dù theo công bố xếp hạng 2 năm 1 lần của Ngân hàng Thế giới (World Bank) vào năm 2018 thì xếp hạng logictis của Việt Nam đã tăng lên hạng 39/164 (so với vị trí 64 của 2 năm trước).
Một khó khăn nữa mà ngành đang phải đối mặt là việc thiếu hụt nguồn nhân lực có trình độ chuyên môn. Theo dự báo của hiệp hội nguồn nhân lực logistics đến năm 2025 sẽ thiếu khoảng 200.000 nhân sự cho chuỗi cung ứng.
Các chuyên gia đề nghị cần sớm quy hoạch, xây dựng và nâng cấp cơ sở hạ tầng, giao thông thông suốt nhằm phục vụ cho việc phát triển cơ bản của ngành logistics.
Nhà nước cần tạo cơ chế thông thoáng và xây dựng các luật, quy định rõ ràng nhằm thu hút đầu tư trong và ngoài nước.
Quan trọng nhất vẫn là kết hợp đào tạo nguồn nhân lực quản trị ngành và có trình độ chuyên môn cao để vận hành và ứng dụng các thành tựu kỹ thuật, công nghệ tiên tiến vào quá trình sản xuất, kinh doanh.
Huỳnh Quang Bình
-
ADB tăng hạn mức tài trợ thương mại cho Eximbank lên 115 triệu USD
-
Eximbank giới thiệu giải pháp tài chính thông minh khi mua xe ô tô
-
Dòng tiền FDI chuyển hướng sang dự án khu công nghiệp, văn phòng
-
Gửi tiết kiệm kỳ hạn này, lãi cao bất ngờ
-
Eximbank bị kiểm tra, giám sát chặt chẽ hoạt động cấp tín dụng
-
Giá vàng biến động khó lường