Chứng khoán Mỹ “đỏ lửa” sau loạt dữ liệu kinh tế xấu

Thứ năm, 03/10/2019, 10:36 AM

Thị trường chứng khoán Mỹ ngày thứ Tư trải qua phiên giao dịch tồi tệ nhất gần 6 tuần, sau khi dữ liệu về thị trường việc làm và ngành sản xuất cho thấy thương chiến Mỹ-Trung gây tác động tiêu cực ngày càng lớn đến nền kinh tế lớn nhất thế giới.

 Một bảng điện tử trên sàn giao dịch chứng khoán NYSE ở New York, Mỹ, sau khi vừa đóng cửa phiên ngày 2/10 - Ảnh: Reuters.

Một bảng điện tử trên sàn giao dịch chứng khoán NYSE ở New York, Mỹ, sau khi vừa đóng cửa phiên ngày 2/10 - Ảnh: Reuters.

Theo tin từ Reuters, mối lo về vấn đề thương mại gia tăng sau khi Mỹ cùng ngày thông qua kế hoạch áp thuế quan lên 7,5 tỷ USD hàng hóa từ châu Âu nhằm trả đũa việc Washington cho là Liên minh châu Âu (EU) trợ cấp bất hợp pháp cho hãng chế tạo máy bay Airbus. Động thái này có nguy cơ châm ngòi cho một cuộc chiến thương mại "ăn miếng trả miếng" giữa hai bờ Đại Tây Dương.

Toàn bộ 11 nhóm cổ phiếu ngành chính thuộc chỉ số S&P 500 cùng chốt phiên trong sắc đỏ, dẫn đầu là hai nhóm năng lượng và tài chính sụt hơn 2% mỗi nhóm.

Báo cáo tình hình thị trường việc làm của công ty dịch vụ tuyển dụng ADP cho thấy bảng lương của khu vực phi nông nghiệp trong tháng 8 không tăng mạnh như dự báo. Theo báo cáo này, "các doanh nghiệp đã trở nên thận trọng hơn trong việc tuyển dụng", trong đó, các doanh nghiệp nhỏ "đặc biệt lưỡng lự".

Trước đó, báo cáo về tình trạng của ngành sản xuất Mỹ do Viện Quản lý nguồn cung (ISM) công bố hôm thứ Ba đã khiến giới đầu tư lo sợ, với chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) giảm xuống mức thấp nhất hơn một thập kỷ.

"Việc ngành sản xuất của Mỹ và toàn cầu suy giảm tồi tệ không phải là tin bất ngờ đối với bất kỳ ai. Nhưng mức độ giảm lớn đến nỗi báo cáo tiếp tục gây ảnh hưởng lên thị trường trong phiên giao dịch ngày hôm nay", chiến lược gia Gret Boutle thuộc BNP Paribas nhận xét.

Những số liệu kinh tế yếu kém gần đây đang làm lung lay niềm tin của nhà đầu tư ở Phố Wall vào sức khỏe nền kinh tế Mỹ, cho dù kinh tế Mỹ thời gian qua tỏ ra vững vàng trong bối cảnh kinh tế toàn cầu giảm tốc. Từ đầu năm tới nay, niềm tin vào kinh tế Mỹ là một trụ cột quan trọng nâng đỡ các chỉ số chứng khoán nước này.

"Nếu Trung Quốc mua ít hàng hóa Mỹ hơn, chúng ta sẽ phải sản xuất ít hơn vì có ít đơn hàng hơn. Dữ liệu ngành sản xuất cho thấy chúng ta không miễn nhiễm trước những ảnh hưởng tiêu cực của xung đột thương mại này. Thương chiến đang gây hại cho cả Mỹ lẫn Trung Quốc", chiến lược gia Sam Stovall thuộc CFRA Research nhận định.

Tâm điểm chú ý tiếp theo của chứng khoán Mỹ sẽ là báo cáo việc làm do Bộ Lao động nước này công bố vào ngày thứ Sáu. Dữ liệu quan trọng này sẽ giúp nhà đầu tư có một cái nhìn rõ nét hơn về tình trạng của nền kinh tế.

Với phiên giảm ngày thứ Tư, hai chỉ số S&P 500 và Dow Jones tuột khỏi ngưỡng trung bình 100 ngày lần đầu tiên trong khoảng 1 tháng. Nhiều nhà đầu tư xem đây như dấu hiệu cho thấy các chỉ số có khả năng giảm sâu hơn.

S&P 500 hiện thấp hơn khoảng 5% so với mức cao kỷ lục thiết lập hồi tháng 7, dù đã tiến rất sát mốc này vào thời điểm cách đây 2 tuần. Trong 12 tháng qua, chỉ số đã giảm khoảng 1%.

Lúc đóng cửa, Dow Jones giảm 1,86%, còn 26.078,62 điểm. S&P 500 sụt 1,79%, còn 2.887,61 điểm. Chỉ số Nasdaq trượt 1,79%, còn 2.887,61 điểm.

Cổ phiếu Ford giảm 3,3% sau khi hãng xe này công bố doanh số bán ô tô tại thị trường Mỹ giảm khoảng 5% trong quý 3 so với cùng kỳ năm ngoái. Cổ phiếu hãng xe General Motors (GM) sụt 4% do doanh số không đạt dự báo.

Trên sàn NYSE, số mã cổ phiếu giảm giá nhiều gấp 3,56 lần số mã tăng. Trên sàn Nasdaq, tỷ lệ tương ứng là 2,75 lần.

Có tổng cộng 8 tỷ cổ phiếu được chuyển nhượng thành công, so với mức bình quân 7,3 tỷ cổ phiếu mỗi phiên của 20 ngày giao dịch gần nhất.

Chỉ số VIX đo lường biến động của thị trường, đồng nghĩa với nỗi sợ hãi của nhà đầu tư, tăng 1,9 điểm phiên này, lên mức 20,47 điểm, mức cao nhất trong khoảng 1 tháng.

Bình Minh

Theo vneconomy.vn