Tìm kiếm nạn nhân Thủy điện Rào Trăng 3: Khó khăn chồng chất
Chiều 21/11, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên -Huế đã ký công văn gửi Bộ Công thương và Bộ Tài nguyên - Môi trường đề nghị thu hồi 2 giấy phép quan trọng đối với thủy điện Thượng Nhật (xã Thượng Nhật, huyện Nam Đông, tỉnh Thừa Thiên-Huế).
Doanh nghiệp không chấp hành lệnh của tỉnh
Theo đó, UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế đề nghị Bộ Công thương chỉ đạo Cục Điều tiết điện lực xem xét thu hồi Giấy phép hoạt động điện lực trong lĩnh vực hoạt động phát điện của Công ty cổ phần Đầu tư thủy điện miền Trung Việt Nam (chủ đầu tư thủy điện Thượng Nhật). Đề nghị Bộ TNMT chỉ đạo Cục Quản lý Tài nguyên nước xem xét tước quyền sử dụng giấy phép hoặc thu hồi Giấy phép khai thác, sử dụng nước mặt đã cấp cho thủy điện Thượng Nhật.
Cùng với việc đề nghị thu hồi giấy phép, UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế cũng đề nghị Cục Kỹ thuật An toàn và Môi trường (Bộ Công thương) xem xét xử phạt hành vi vi phạm hành chính đối với Công ty CP đầu tư thủy điện miền Trung Việt Nam.
Theo UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế, dự án thủy điện Thượng Nhật được UBND tỉnh cho phép tích nước hồ chứa giai đoạn 1 vào ngày 6/1/2020 đến cao trình mực nước dâng bình thường là 116m, thời hạn 90 ngày để thực hiện kiểm tra thấm, chạy thử, thí nghiệm hiệu chỉnh, hoàn thiện các hạng mục phía hạ lưu của nhà máy thủy điện…
Hết thời gian này, sau khi kiểm tra, UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế đã có công văn chưa cho tích nước vận hành chính thức Nhà máy thủy điện Thượng Nhật, yêu cầu chủ đầu tư khắc phục các điều kiện để tích nước. Tuy nhiên, đến nay, dự án vẫn chưa hoàn thành khắc phục các vấn đề tồn tại, chưa đủ điều kiện để xem xét cho tích nước.
Đáng chú ý, theo UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế, trong mùa lũ năm 2020, Công ty cổ phần đầu tư thủy điện miền Trung Việt Nam không nghiêm túc chấp hành chỉ đạo công tác ứng phó thiên tai, không tuân thủ quy trình vận hành hồ chứa và không tuân thủ theo lệnh điều hành vận hành hồ chứa của UBND tỉnh.
Riêng với thẩm quyền của mình, UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế cũng đang chờ giải trình của chủ đầu tư, củng cố hồ sơ để xử phạt 500 triệu đồng đối với những vi phạm mà Sở Tài nguyên - Môi trường tỉnh đã lập đối với chủ đầu tư thủy điện Thượng Nhật.
Như vậy, có thể thấy tình hình các nhà máy thủy điện ở Thừa Thiên-Huế là có vấn đề, đặc biệt là đối với các huyện miền núi Phong Điền, A Lưới và Nam Đông. Trước đó, ngày 12/10, tai họa khủng khiếp đã ập xuống Nhà máy thủy điện Rào Trăng 3.
Tìm kiếm nạn nhân: Vô vàn khó khăn!
Tìm kiếm nạn nhân trong vụ Thủy điện Rào Trăng 3 là vô cùng gian nan. Suốt từ ngày 13/10 đến nay, công việc khẩn trương nhưng đã nhiều lần buộc phải gián đoạn do thời tiết xấu, lực lượng tìm kiếm cứu hộ không thể tiếp cận hiện trường, đang tìm kiếm thì nước sông dâng cao.
Cho đến ngày 21/11, các lực lượng quân đội, công an, biên phòng và dân quân địa phương đã hoàn tất công tác ngăn đập, nắn dòng để hôm qua, ngày 22/11 chuyển sang giai đoạn tìm kiếm các nạn nhân mất tích dưới lòng suối. Để có thể nắn dòng chảy của sông, người ta đã phải đắp rọ đá, tăng cường thêm một số máy múc đất đá.
Và, để có thể tiến hành công việc, Thủy điện A Lin B1 (huyện A Lưới) đã phải đóng hoàn toàn cửa van, đồng thời tạm ngừng phát điện nhằm giảm lưu lượng nước, tránh gây khó khăn, nguy hiểm trong việc tìm kiếm nạn nhân mất tích ở thủy điện Rào Trăng 3. Theo hệ thống “chuỗi” thủy điện bậc thang thượng nguồn Sông Bồ, Thủy điện A Lin B1, A Lin B2 từ A Lưới xả nước chảy về Phong Điền, nơi có thủy điện Rào Trăng 3 và Rào Trăng 4.
Trong ngày 22/11, đã có 200 người tham gia tìm kiếm các nạn nhân mất tích ở thủy điện Rào Trăng 3. Trước đó, lúc cao điểm, 1.000 người đã được huy động để tìm kiếm.
Việc tìm kiếm những nạn nhân mất tích còn lại trong vụ sạt lở tại Thủy điện Sông Trăng 3 đang rất gấp rút, với hy vọng hôm nay, ngày 23/11, sẽ có thêm kết quả. Tuy nhiên, bên cạnh việc tìm kiếm rất đau lòng này thì vấn đề phát triển thủy điện nhỏ cần phải được đặt ra một cách nghiêm túc.
Nên hay không nên phát triển thủy điện nhỏ?
Từ vụ tai nạn khủng khiếp ở Thủy điện Rào Trăng 3, đã có nhiều ý kiến về thủy điện nhỏ (trước đó cũng đã có một số ý kiến cảnh báo nhưng chưa được chú ý). Trong đó nổi lên một số vấn đề. Thứ nhất, có cần thiết xây dựng nhiều thủy điện nhỏ ở vùng núi cao hay không? Thứ hai, thủy điện nhỏ có phá rừng tự nhiên hay không? Thứ ba, thủy điện nhỏ xả lũ có gây ngập lụt vùng hạ du hay không?
Thủy điện là năng lượng tái tạo, năng lượng sạch từng được nhiều quốc gia phát triển. Tuy nhiên, tới nay, thế giới chú trọng đến điện gió, điện mặt trời hơn là thủy điện. Vì rằng, để có được một nhà máy thủy điện (dù công suất nhỏ) thì cũng phải đánh đổi bằng một diện tích rừng lớn, mà lại là rừng nguyên sinh, rừng phòng hộ đầu nguồn.
Từ đó đưa đến tác động xấu về môi trường tự nhiên ảnh hưởng tới cả một vùng rộng lớn. Thủy điện nhỏ tuy không trực tiếp gây ngập lụt khi xả lũ nhưng cũng dồn một lượng lớn nước đúng vào mùa mưa bão, khiến cho ngập lụt thêm trầm trọng.
Tại nghị trường Quốc hội, kỳ họp thứ 10 Quốc hội khóa XIV mới đây, nhiều vị ĐBQH đã mạnh mẽ chất vấn Bộ trưởng các bộ: Tài nguyên - Môi trường, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công thương về vấn đề này. Trong đó, đại biểu Ksor H’bơ Khăp đã thẳng thắn đặt vấn đề với Bộ trưởng Tài nguyên - Môi trường: Bộ trưởng cho biết “có hay không” ủng hộ phát triển thủy điện nhỏ?
Chỉ là “có” hay “không”, nhưng câu trả lời thật khó khăn!
Đỗ Ngọc Quang
-
Quy định về thông báo thực hiện hoạt động khuyến mại từ ngày 01/12/2024
-
Thông tư của Bộ Y tế quy định về sản phẩm sữa, thực phẩm chức năng cho trẻ dưới 6 tuổi phải kê khai giá
-
Bộ TT&TT đẩy mạnh định danh cuộc gọi để ngăn ngừa lừa đảo trên không gian mạng
-
Xử phạt Công ty Cổ phần ShopeePay 25 triệu đồng
-
Vì sao ngành chăm sóc sắc đẹp thu hút học sinh?
-
Giá vàng hôm nay, 12-11: Tiếp tục “bốc hơi” dữ dội