Mượn dự án thủy điện để tận thu khoáng sản
Doanh nghiệp thi công gần 10 năm chưa xong dự án thủy điện công suất không lớn nhưng lại băm nát sông suối để trục lợi.
Trốn thuế, trốn phí
Dự án thủy điện A Lin B1 có công suất 46MW, được cấp phép lần đầu năm 2008 tại hai xã Hồng Vân, Hồng Trung (H.A Lưới) và xã Phong Xuân (H.Phong Điền), tỉnh Thừa Thiên - Huế.
Dự án do Công ty cổ phần Thủy điện Trường Phú, đóng trụ sở trên đường Phạm Văn Đồng, TP.Huế, làm chủ đầu tư, ký hợp đồng thuê bốn nhà thầu, trong đó có Tổng công ty Xây dựng Thủy lợi 4 (TP.HCM), viết tắt là TL4 và Công ty cổ phần Xây dựng 43 (TP.HCM), viết tắt là Công ty 43. Thực chất, TL4 cũng là cổ đông của Công ty 43, đến tháng 6/2019 mới rao bán nguyên lô cổ phần tại Công ty 43.
Để thực hiện dự án, UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế đã cấp phép, gia hạn việc khai thác cát, sỏi xây dựng công trình đến tháng 7/2019 ở vị trí cụ thể cho chủ đầu tư, sau đó doanh nghiệp này giao mỏ lại cho TL4. Tháng 12/2018, một doanh nghiệp đã bị bắt quả tang khai thác cát, sỏi trái phép ngoài vùng mỏ cấp, bị UBND H.A Lưới xử phạt 40 triệu đồng.
Từ điều tra, phát hiện của báo chí về nạn trộm cát hoành hành bên công trình thủy điện A Lin B1, UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế đã chỉ đạo thanh tra liên ngành và kết luận nhiều sai phạm.
Theo đó, tính đến tháng 10/2019, TL4 đã khai thác, sử dụng 59.813m3, nhưng chưa kê khai nộp thuế tài nguyên, phí môi trường đối với 30.000m3 cát, sỏi đã khai thác, tận thu; không đăng ký khu vực, công suất, khối lượng, phương pháp, thiết bị và kế hoạch khai thác đối với 28.000m3 cát, sỏi tận thu khi thi công đào móng đập và dựng đắp đập. Còn Công ty 43 đã khai thác cát, sỏi trái phép tại khu vực lòng hồ A Lin B1 với khối lượng khoáng sản đã khai thác là 13.700m3 nhưng không thực hiện nghĩa vụ tài chính.
Ngoài ra, hai nhà thầu khác của dự án này cũng được UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế xác định “thiếu trách nhiệm trong việc xác minh nguồn gốc khoáng sản” khi đã mua, sử dụng hàng trăm khối cát, sạn có nguồn gốc khai thác trái phép từ Doanh nghiệp tư nhân Vật liệu xây dựng Hùng Sen (H.A Lưới). UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế cũng buộc chủ đầu tư là Công ty Trường Phú kê khai nộp thuế tài nguyên, phí môi trường đối với 15.113m3 cát, sỏi đã khai thác (năm 2018-2019).
Quản lý lỏng lẻo, cấp phép sai
Sau khi báo chí đăng tải nạn “sa tặc” ở dự án thủy điện trên, đích thân ông Phan Thiên Định - Phó chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế - đi kiểm tra và đã ghi nhận thực trạng này. Ông Định sau đó đã phê bình công tác quản lý lỏng lẻo của chính quyền, ban ngành liên quan.
Kết luận thanh tra của UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế cũng cho thấy, trong 3 năm 2015, 2016, 2017, UBND H.A Lưới đã ban hành ít nhất bốn công văn chấp thuận cho doanh nghiệp khai thác hoặc tận thu cát, sỏi vượt thẩm quyền (theo Luật Khoáng sản).
TL4 và Công ty 43 đã dựa vào các công văn sai trái này để khai thác hoặc “tận thu” cát, sỏi tại khu vực lòng hồ, hạ lưu cụm công trình đầu mối A Lin 3 với tổng khối lượng khoảng 77.000m3 cát, sỏi.
Trong số này, hai doanh nghiệp có nộp hơn 158 triệu đồng thuế tài nguyên, phí môi trường, nhưng có trên 4.000m3 cát, sỏi khai thác vượt mức được cấp phép.
UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế lý giải về sai phạm của UBND H.A Lưới là “do nóng vội trong việc tạo điều kiện thuận lợi cho chủ đầu tư đối với dự án trọng điểm trên địa bàn huyện, nhận thức về Luật Khoáng sản còn hạn chế, nên công tác thực hiện có những sai sót”.
Không bắt khắc phục hậu quả
Đáng chú ý, sau khi báo chí đăng tải, tháng 8/2019, khi đoàn kiểm tra liên ngành của tỉnh Thừa Thiên - Huế vào cuộc, môi trường xung quanh thủy điện A Lin B1 đã bị biến dạng.
Có khu vực do bị chặn dòng thi công nên ngập nước, khiến đoàn thanh tra gặp nhiều khó khăn khi tính toán khối lượng khoáng sản, xử lý sai phạm. Ngay cả tại khu vực mỏ cát sỏi được UBND tỉnh cấp để phục vụ công trình, dù xác định bị khai thác vượt diện tích cho phép hơn 26.500m2 nhưng đoàn không tính toán được khối lượng để xử lý.
Điều này khiến UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế, khi kết luận thanh tra, cũng chỉ dựa vào sổ sách, hợp đồng, quyết toán của doanh nghiệp để tính toán, xác định mức độ sai phạm chứ không có bằng chứng thực tế, cũng không thu giữ được tang vật, phương tiện vi phạm. Thậm chí, một số hành vi vi phạm hành chính của doanh nghiệp cũng quá thời hiệu theo Luật Xử lý vi phạm hành chính.
Liên quan đến các hành vi khai thác cát, sỏi trái phép nói trên, mới đây, UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế đã ban hành kết luận thanh tra, giao Công an tỉnh xác minh, xử lý vi phạm đối với tổ chức, cá nhân khai thác cát, sỏi trái phép quanh dự án thủy điện A Lin B1; giao Thanh tra tỉnh chủ trì, phối hợp các sở liên quan tham mưu UBND tỉnh thu hồi giá trị hưởng lợi từ khai thác khoáng sản trái phép của Công ty 43 theo quy định của pháp luật.
Đặc biệt, UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế đã quyết định xử phạt TL4 120 triệu đồng, Công ty 43 90 triệu đồng. Tuy nhiên, quyết định của UBND tỉnh không áp dụng biện pháp xử phạt bổ sung là buộc các đơn vị sai phạm khắc phục hậu quả, hoàn thổ, cải tạo môi trường... Điều này dễ tạo tiền lệ xấu khi doanh nghiệp lợi dụng làm kinh tế để trục lợi, tàn phá môi trường, biến vi phạm thành “chuyện đã rồi”.
Nhật Tín
-
Quy định về thông báo thực hiện hoạt động khuyến mại từ ngày 01/12/2024
-
Thông tư của Bộ Y tế quy định về sản phẩm sữa, thực phẩm chức năng cho trẻ dưới 6 tuổi phải kê khai giá
-
Bộ TT&TT đẩy mạnh định danh cuộc gọi để ngăn ngừa lừa đảo trên không gian mạng
-
Xử phạt Công ty Cổ phần ShopeePay 25 triệu đồng
-
Vì sao ngành chăm sóc sắc đẹp thu hút học sinh?
-
Giá vàng hôm nay, 12-11: Tiếp tục “bốc hơi” dữ dội