Tìm hiểu Thái Lan qua ba quyển tiểu thuyết   

Thứ tư, 18/07/2018, 11:00 AM

Thái Lan hiện nay đang là điểm đến yêu thích của khách du lịch Việt Nam. Do đó, nhu cầu tìm hiểu về văn hoá, lịch sử Thái Lan ngày càng cao. Có rất nhiều cách khác nhau để tìm hiểu như đọc sách về văn hoá, lịch sử; tra cứu trên Internet, đi thực tế trải nghiệm…có một cách vừa lạ lại vừa quen đó là tìm hiểu văn hoá thông qua văn học.

Nghiệt duyên, Đằng sau bức tranh, Chai thời gian là những tác phẩm văn học hiện đại hiếm hoi của Thái Lan được dịch sang tiếng Việt. Đọc những tác phẩm này, ngoài việc tìm hiểu về văn học Thái người đọc còn có cơ hội khám phá thêm về đời sống, lịch sử và văn hoá Thái Lan.

Nghiệt duyên

Quyển tiểu thuyết tình cảm lãng mạn của tác giả Thommanyanti có sức ảnh hưởng rất mạnh mẽ trong đời sống văn hoá của người Thái. Nghiệt duyên là cuốn sách bán chạy suốt 45 năm qua của văn học Thái Lan và nhiều lần được chuyển thể thành phim truyền hình lẫn điện ảnh.

Chủ đề chính của quyển sách tuy nói về tình yêu giữa cô gái Thái – Angsumalin và chàng sĩ quan người Nhật – Kobori, bằng chính bối cảnh và tình tiết của câu chuyện đã giúp người đọc nắm bắt được lịch sử của Thái Lan trong giai đoạn trước và trong thế chiến thứ hai. Phe phát xít Đức, Ý, Nhật đang trong giai đoạn lớn mạnh và bành trướng thuộc địa, để bảo vệ nền độc lập Chính phủ đã quyết định để quân Nhật đóng quân sản xuất vũ khí trên đất Thái và cuộc đấu tranh của chính người Thái phản đối quân Nhật trên đất nước của mình. 

Ngoài ra, Nghiệt duyên cũng khắc hoạ một bức tranh sinh động về đời sống văn hoá của người Thái: việc họp chợ và trao đổi hàng hoá, đời sống của một người nông dân với việc trồng trọt cây ăn trái (cây chuối và cây dừa), món ăn dân dã gắn liền với những người dân sống cùng sông nước là tôm nướng chấm nước mắm pha ớt và quyển sách này còn giới thiệu các nghi thức trong lễ cưới của người Thái.

Đằng sau bức tranh

Tác giả Sri Boorapha đã viết nên câu chuyện tình yêu giữa một người thanh niên và một người phụ nữ đã có chồng là Nopporn và công nương Kirati. Nopporn là du học sinh người Thái tại Nhật và trong một kỳ nghỉ hè hầu tước Atikanbodi đưa người vợ mới cưới của mình là công nương Kirita sang Nhật để nghỉ tuần trăng mật. Tại nước Nhật, ngài hầu tước đã giao cho Nopporn nhiệm vụ đưa công nương đi đến nhiều nơi để khám phá. Trong thời gian đó, hai người đã có nhiều cơ hội để trải lòng và họ rất quý nhau. Kết thúc kỳ nghỉ, công nương về nước,  Nopporn thì vẫn tiếp tục ở lại học tập thêm sáu năm nữa và hai người vẫn thỉnh thoảng gửi thư thăm hỏi nhau.

Khi Nopporn về nước thì ngài hầu tước đã qua đời và công nương thì đang sống một mình trong ngôi dinh thự rộng lớn. Tuy rất quý nhau nhưng họ không đến với nhau mà xem nhau là tri kỷ. Công nương muốn giữ nguyên vẹn lòng mình dành cho người chồng quá cố, Nopporn thì kết hôn theo sự sắp xếp của cha mình từ nhiều năm trước để ông không buồn lòng. Ngày lễ thành hôn của Nopporn cũng là ngày công nương lâm vào bạo bệnh và nàng đã tặng lại cho Nopporn bức tranh mà nàng đã vẽ sau chuyến đi Nhật, bảy ngày sau thì công nương qua đời.

Cuốn tiểu thuyết này tuy không có quá nhiều chi tiết mô tả về cuộc sống của người dân nước Thái nhưng nội dung của câu chuyện buồn này đã phản ánh phần nào tư tưởng về hôn nhân của người dân Thái. Có thể thấy, quan niệm hôn nhân truyền thống người Thái có nét tương đồng với Việt Nam và một số nước khác cùng hệ tư tưởng phương Đông: hôn nhân được đặt dưới sự sắp xếp của cha mẹ, người vợ nên giữ đức hạnh với người chồng đã qua đời của mình và người đàn ông không nên có quan hệ tình cảm với người phụ nữ hơn mình nhiều tuổi.

Chai thời gian

Được xem là tác phẩm yêu thích nhất của thanh thiếu niên Thái Lan do Prabhassorn Sevikul viết từ thập niên 70, Chai thời gian là cuốn tiểu thuyết tuyệt vời dành cho lứa tuổi học sinh, sinh viên. Trong đó, có tình yêu, có ước mơ của tuổi mới lớn. Những biến động của thời cuộc đã làm cho những người trẻ đứng trước những ngã rẽ và cuối cùng họ đã chọn bước tiếp trên con đường mà mình đã chọn dù có sự mất mát và chia ly.

Tuy được viết cách đây khá lâu nhưng khi đọc quyển tiểu thuyết này, người đọc vẫn dễ dàng tìm thấy mình trong đó. Chai thời gian là bài ca tuổi trẻ của thanh thiếu niên Thái Lan, phản ánh đời sống sinh hoạt của học sinh, sinh viên. Họ cũng như những thiếu niên ngày nay, sau giờ học vẫn tập trung la cà hàng quán, chơi thể thao nhất là đá bóng và có đôi khi là ngồi vào một quán cà phê thả lòng mình để nghe một bản nhạc.

Ba quyển tiểu thuyết Nghiệt duyên, Đằng sau bức tranh, Chai thời gian đã được dịch sang tiếng Việt cách đây vài năm, nhưng số lượng đọc giả biết đến lại không nhiều. Việc tìm hiểu văn học, văn hoá Thái Lan vẫn còn là một điều khá mới mẻ trong khi Thái Lan lại là nước hàng xóm thân thiết của Việt Nam. Trong thời đại hội nhập, nhất là khi Việt Nam và Thái Lan cùng tham gia cộng đồng Asean thì việc tìm hiểu văn hoá của các nước thành viên là một điều hết sức cần thiết và phù hợp.

Hiểu Thiên
Ảnh: Tổng hợp

Theo NTD

largeer