Tiền Trung Quốc xuống “đáy”, hàng Việt Nam gặp áp lực
Cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung ngày càng căng thẳng hơn sau khi Trung Quốc hạ giá đồng nhân dân tệ xuống mức thấp nhất cả thập kỷ. Động thái này được đánh giá là sẽ ảnh hưởng tới nền kinh tế Việt Nam. Trong đó, đáng chú ý nhất là hàng Việt sẽ gặp áp lực cạnh tranh từ hàng hóa Trung Quốc và kể cả Mỹ.
Tỷ giá biến động
Trong ngày 5/8, nền kinh tế thế giới rung động khi đồng nhân dân tệ bất ngờ giảm mạnh 1,3% so với USD, đánh dấu lần đầu tiên vượt ngưỡng 7 CNY/USD kể từ năm 2009. Tới nay, xu hướng giảm giá của đồng nhân dân tệ vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Động thái này được cho là sẽ châm ngòi cho cuộc chiến tranh tiền tệ.
Nền kinh tế Việt Nam có mối liên kết khá sâu rộng với Trung Quốc và Mỹ nên tiền đồng khó có thể nằm ngoài “cuộc chiến” này.
TS. Lê Đăng Doanh, chuyên gia kinh tế nhận định đồng nhân dân tệ phá giá đã khiến đồng won của Hàn Quốc và đồng rupee của Ấn Độ mất giá. Điều đó chứng tỏ việc Trung Quốc giảm giá nhân dân tệ có ảnh hưởng đến thế giới nên tiền đồng khó tránh khỏi việc bị ảnh hưởng.
Tuy nhiên, theo ông Doanh, ảnh hưởng sẽ không quá lớn như nhiều người tưởng. Dù vậy, ông Doanh vẫn đề nghị Ngân hàng Nhà nước và Chính phủ điều chỉnh tiền đồng một cách hợp lý nhất, tránh có sự xáo trộn quá lớn để tạo điều kiện cho doanh nghiệp trong nước tiếp tục cạnh tranh được.
Tương tự, Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cũng cho rằng rủi ro tỷ giá vẫn còn đó do áp lực đến từ đồng nhân dân tệ. Tuy nhiên, VDSC nhận định với triển vọng giải ngân FDI khả quan, dự trữ ngoại hối gia tăng, đạt 68 tỷ USD, Ngân hàng Nhà nước vẫn có đủ không gian kiểm soát tỷ giá.
Tiền đồng sẽ bị ảnh hưởng nhưng ảnh hưởng không quá lớn cũng là ý kiến mà TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính ngân hàng đưa ra. Theo dự báo của ông Hiếu, có thể trong năm 2019, tỷ giá sẽ biến động khoảng 3%. Đây là mức biến động hợp lý và được dự báo trước.
Áp lực lên hàng hóa Việt
Khi cuộc chiến tranh tiền tệ manh nha nổ ra, tỷ giá được tin là sẽ nhạy cảm và chịu tổn thương nhiều nhất. Thế nhưng, với chúng ta, tiền đồng đang tỏ rõ sự vững vàng của mình. Chính hàng hóa Việt mới phải gánh chịu nhiều áp lực.
TS. Lê Đăng Doanh nhận định Trung Quốc là nền kinh tế lớn thứ 2 trên thế giới, có hàng hóa xuất nhập khẩu rất lớn. Việt Nam nằm ngay bên cạnh, có biên giới rất dài với Trung Quốc nên việc đồng nhân dân tệ giảm giá tác động đến Việt Nam rất lớn, tác động cụ thể ở đây là hàng hóa Việt.
“Nếu đồng nhân dân tệ phá giá thì hàng hóa Trung Quốc sẽ rẻ đi, sẽ tràn vào Việt Nam nhiều hơn. Đấy là thách thức lớn với năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp Việt. Sức ép với doanh nghiệp là duy trì được thị phần của mình trên thị trường nội địa và tiếp tục cạnh tranh trên thị trường quốc tế, nơi đang có sự cạnh tranh vô cùng khốc liệt. Doanh nghiệp Việt cần nỗ lực để có thể trụ vững, để có thể chiến thắng trong cuộc đấu tranh này” - ông Doanh bình luận.
Mặt khác, theo TS. Lê Đăng Doanh, việc Trung Quốc phá giá nhân dân tệ và ngưng không nhập hàng nông sản Mỹ đã đẩy cuộc chiến thương mại Mỹ Trung lên tầm cao mới. Nghĩa là Việt Nam không chỉ với cạnh tranh với hàng Trung Quốc mà còn đối mặt với lượng hàng hóa của Mỹ, đặc biệt là các mặt hàng nông sản lẽ ra được xuất sang Trung Quốc thì nay chuyển hướng tới Việt Nam.
Nhưng vẫn còn đó mối nguy lớn hơn. Ông Doanh cho rằng Việt Nam cần phải theo dõi tình trạng doanh nghiệp Việt mua hàng của Trung Quốc rồi xuất khẩu sang Mỹ. Nếu điều đó xảy ra, Việt Nam sẽ đối mặt với khó khăn rất lớn. Nếu phát hiện, Mỹ sẽ ra đòn trừng phạt, phạt bằng thuế. Mà doanh nghiệp Việt rất khó tìm được thị trường có thể thay thế được thị trường Mỹ.
Bảo Linh
-
ADB tăng hạn mức tài trợ thương mại cho Eximbank lên 115 triệu USD
-
Eximbank giới thiệu giải pháp tài chính thông minh khi mua xe ô tô
-
Dòng tiền FDI chuyển hướng sang dự án khu công nghiệp, văn phòng
-
Gửi tiết kiệm kỳ hạn này, lãi cao bất ngờ
-
Eximbank bị kiểm tra, giám sát chặt chẽ hoạt động cấp tín dụng
-
Giá vàng biến động khó lường