Nhiều hàng hóa của Việt Nam được người tiêu dùng Thái Lan ưa chuộng
Hiện có nhiều sản phẩm, hàng hóa của Thái Lan vượt trội và cạnh tranh gay gắt ngay tại thị trường nội địa của Việt Nam. Tuy nhiên, vẫn có không ít lượng hàng hóa sản phẩm của Việt Nam được người tiêu dùng Thái Lan ưa chuộng và lựa chọn. Đây vừa là cơ hội cạnh tranh lành mạnh vừa đẩy mạnh giao thương giữa hai nước.
Nhiều sản phẩm Việt được ưa chuộng trên đất Thái
Ông Nich Reitmeier, Giám đốc thu mua khu thực phẩm, ẩm thực quốc tế và thức uống có cồn của Tập đoàn bán lẻ hàng đầu Thái Lan Central Group, cho biết những sản phẩm của Việt Nam tạo hứng thú với người Thái nhiều nhất có thể kể đến như: Cà phê hòa tan, thanh long, hạt điều, hoa quả tươi... Người Thái thích cà phê hòa tan bởi tính tiện dụng và chất lượng cà phê khá tốt của Việt Nam. Tuy nhiên, khẩu vị của người Thái sẽ ngọt và không đậm vị cà phê như cách uống của người Việt. Đây là điểm mà các doanh nghiệp xuất khẩu cà phê hòa tan sang Thái cần chú ý.
“Khi người Thái nếm thử thực phẩm Việt tại những hội chợ, triển lãm tại Thái Lan đều nhận định độ ngon và chất lượng không thua kém, thậm chí có nhiều sản phẩm còn chất lượng hơn hàng Thái” - ông Nich nhấn mạnh.
Tại Việt Nam, Central Group hiện có khoảng 40.000 nhà cung ứng, trong đó hơn 90% là hàng Việt Nam. Tuy nhiên, tại Thái Lan, mới có khoảng 50 sản phẩm hàng hóa Việt Nam có mặt trong các siêu thị thuộc Central Group, chủ yếu là cà phê và trái cây sấy.
Theo ông Nguyễn Tuấn, Phó Tổng Giám đốc Trung tâm xúc tiến thương mại TP.HCM, Thái Lan là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam trong khối ASEAN với tổng giá trị thương mại đạt 10 tỷ USD năm 2018. Riêng quý 1/2019, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Thái Lan đạt 1,39 tỷ USD tăng 5,9% so với cùng kỳ 2018. Tuy nhiên con số này chưa xứng với tiềm năng của 2 nước”.
Tiêu chuẩn nào cho hàng Việt vào Thái?
Để đưa được hàng hóa vào các siêu thị, hệ thống bán lẻ của Thái Lan, hàng hóa Việt Nam phải đạt những tiêu chuẩn, quy chuẩn chung mà Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Thái Lan (FDA Thái) đặt ra.
Cụ thể, với những sản phẩm thực phẩm phải đạt các chuẩn HACCP, ISO hoặc các chuẩn do các trung tâm, đơn vị kiểm định uy tín mà Thái Lan chấp nhận.
Đặc biệt, ở Thái Lan không chấp nhận hàng hóa không nêu rõ thành phần nguyên liệu trên bao bì sản phẩm.
Cơ quan FDA Thái Lan khá kỹ tính với các dòng sản phẩm như sữa, sữa chua, thức uống có cồn, có ga. Với những dòng sản phẩm này muốn nhập vào Thái Lan thì phải đưa hàng mẫu sang kiểm định tại cơ quan FDA Thái và được thông báo khi đạt chuẩn. Những tiêu chuẩn này nếu doanh nghiệp đạt được thậm chí có thể xuất sang các thị trường khó tính như châu Âu, Nhật Bản bởi tiêu chuẩn là gần giống nhau.
“Ở Thái không chấp nhận việc bí mật, bí quyết gia truyền. Tất cả thành phần, nguyên liệu kể cả các phụ gia cũng phải công bố rõ ràng trên từng sản phẩm” - ông Nich Reitmeier cho hay.
Một điều lưu ý với các doanh nghiệp Việt muốn đưa hàng hóa vào thị trường Thái là phải xin được giấy chứng nhận xuất xứ (C/O) form D để được hưởng ưu đãi thuế suất 0%. Bởi đây là C/O ưu đãi mà 2 nước ký kết trong FTA ASEAN. Nếu doanh nghiệp không có C/O form D này sẽ phải chịu 10% thuế khi hàng hóa vào Thái. Thời gian xem xét cấp chứng nhận của các cơ quan Thái Lan là từ 3-6 tháng với các sản phẩm thông thường, với một số sản phẩm đặc biệt như thực phẩm dành cho trẻ em có thể kéo dài tới 2 năm.
Bên cạnh các yêu cầu về chất lượng, người Thái rất chú trọng về bao bì nhãn mác. Phản hồi từ người tiêu dùng Thái cho thấy, hiện nay nhiều sản phẩm Việt Nam chất lượng khá tốt nhưng bao bì chưa thu hút. Điều này cũng gây khó khăn trong việc người dùng tiếp cận với sản phẩm.
Ngọc Kim
-
Ngân hàng phải thông báo cho khách hàng khi xảy ra sự cố lộ, lọt dữ liệu
-
Eximbank ra mắt gói ưu đãi tín dụng đặc biết dành cho doanh nghiệp xuất nhập khẩu
-
ADB tăng hạn mức tài trợ thương mại cho Eximbank lên 115 triệu USD
-
Eximbank giới thiệu giải pháp tài chính thông minh khi mua xe ô tô
-
Dòng tiền FDI chuyển hướng sang dự án khu công nghiệp, văn phòng
-
Gửi tiết kiệm kỳ hạn này, lãi cao bất ngờ