Thương mại toàn cầu tụt dốc, kinh tế thế giới suy yếu
Khi Tổng thống Trump tăng cường chiến tranh thương mại với Trung Quốc và khi công suất các nhà máy chậm lại ở các nước công nghiệp lớn thì thương mại thế giới nhanh chóng xấu đi, bộc lộ nguy cơ đe dọa sức khỏe của nền kinh tế toàn cầu.
Hầu hết các chuyên gia kinh tế cho rằng suy thoái toàn cầu sẽ không thể xảy ra, ngay cả khi tăng trưởng chậm lại. Tuy nhiên, những mối nguy hiểm đang gia tăng ngày một rõ ràng, đe dọa lây lan từ nhà máy đến các hộ gia đình ở nhiều nền kinh tế lớn. Hôm 1/10, Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) đã hạ dự báo tăng trưởng thương mại hàng hóa trong năm nay và năm tới.
Hoạt động thương mại hàng hóa thế giới hiện dự kiến sẽ chỉ tăng 1,2% trong năm 2019, so với ước tính đưa ra hồi tháng Tư vừa qua là 2,6%. WTO cảnh báo rằng việc tăng cường xung đột thương mại đã gây ra mối đe dọa trực tiếp đến việc làm và sinh kế, trong khi không khuyến khích các công ty mở rộng và đổi mới.
Báo cáo của WTO cho thấy hoạt động sản xuất của Mỹ đã chậm lại trong tháng 9, đánh dấu tháng giảm thứ hai liên tiếp. Chỉ số sản xuất của Viện Quản lý nguồn cung Hoa Kỳ (ISM) cũng thấp nhất kể từ tháng 6 năm 2009, tháng đánh dấu sự kết thúc chính thức của cuộc đại suy thoái.
Báo cáo của Viện ISM cho thấy chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) tháng 9 giảm về mức 47,8 điểm. Chỉ số này tiếp tục giảm sâu hơn sau khi đã sụt mạnh trong tháng 8, đồng thời thấp hơn nhiều so với mức dự báo 50,1 điểm mà giới phân tích đưa ra trước đó. Mức điểm dưới 50 cho thấy sự suy giảm của hoạt động sản xuất.
Sau báo cáo này, giá cổ phiếu giảm. Dòng tiền chuyển hướng chảy vào trái phiếu kho bạc, một nơi trú ẩn an toàn truyền thống, cho thấy các nhà đầu tư sẵn sàng chấp nhận lợi nhuận ít hơn để tránh rủi ro.
Giá dầu thô giảm, một dấu hiệu khác cho thấy tăng trưởng kinh tế toàn cầu suy yếu. Hoạt động thương mại ít hơn sẽ cần ít nhiên liệu hơn cho máy bay phản lực, thiết bị xây dựng, động cơ vận chuyển hàng hóa và các phần quan trọng khác của đời sống công nghiệp.
Mua vào đồng đô la, một kênh trú ẩn an toàn khác, đã nâng giá trị của đồng tiền này so với các loại tiền tệ khác. Đồng đô la mạnh hơn làm cho hàng hóa của Mỹ đắt hơn trên thị trường thế giới so với hàng hóa được sản xuất ở các nước khác.
Tổng thống Donald Trump từ lâu đã coi đồng đô la mạnh hơn là mối đe dọa đối với nền kinh tế Mỹ. Hôm thứ Ba, trên trang cá nhân Twitter, ông Trump đã chỉ trích nặng nề Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang (FED) Jerome H. Powell vì đã để đồng đô la mạnh và ông cũng cho rằng ngân hàng trung ương giữ lãi suất quá cao. Ông Trump cho rằng FED đã tăng lãi suất quá nhanh trong 2018 và không hạ lãi suất đủ mạnh trong 2019.
Khi Fed hạ lãi suất vào tháng trước, ông Powell nói rằng sự thay đổi đã kích thích dòng tiền đầu tư quay trở lại thị trường. Ông Powell đã úp mở rằng chính ông Trump mới có khả năng phục hồi nền kinh tế rằng ông ấy chỉ cần từ bỏ cuộc chiến thương mại của mình.
Cuộc chiến thương mại đã đe dọa nhiều nền kinh tế phụ thuộc vào xuất khẩu. Singapore hiện đang ký nhiều hợp đồng xuất khẩu. Nhật Bản, Hàn Quốc và Đài Loan (Trung Quốc) đều bán một lượng lớn hàng hóa sản xuất cho Trung Quốc. Họ đã bị giảm doanh số khi tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc chậm lại.
Meredith Crowley, một chuyên gia thương mại quốc tế tại Đại học Cambridge ở Anh cho biết, sự không chắc chắn về chính sách và việc thực thi các hạn chế thương mại thực sự đang bắt đầu tác động ở những nền kinh tế khác.
Chẳng hạn, Đức đã trở thành mối quan tâm hàng đầu ở châu Âu khi các đơn đặt hàng nhà máy của nước này sụt giảm, theo một cuộc khảo sát được công bố vào ngày 1/10 vừa qua. Rắc rối này xuất phát một phần từ việc các công ty Trung Quốc phải đối mặt với thuế xuất khẩu sang Mỹ đang thu hẹp việc mua máy móc do Đức sản xuất. Các công ty Đức cũng ngần ngại đầu tư trước các mối đe dọa của ông Trump, nhằm mở rộng cuộc chiến thương mại để bao gồm thuế quan đối với ô tô Đức được bán tại Mỹ.
Khi các công ty Đức sản xuất và xuất khẩu ít hơn, buộc phải cắt giảm việc làm. Điều đó có khả năng làm giảm chi tiêu của người tiêu dùng Đức, góp phần làm suy yếu các nền kinh tế châu Âu khác như Tây Ban Nha và Ý.
Báo cáo của WTO cũng cho thấy tăng trưởng xuất khẩu trong năm 2019 sẽ bị sụt giảm tại hầu hết mọi khu vực trên thế giới. Cụ thể, tăng trưởng xuất khẩu ở Bắc Phi dự báo sẽ là 1,5%, giảm 2,8 điểm so với năm ngoái. Tại châu Á và châu Âu, các mức tăng trưởng xuất khẩu dự báo sẽ lần lượt là 1,8% và 0,6%, tương ứng với mức giảm 2 điểm và 1 điểm.
“Các dấu hiệu cảnh báo ở đây cho thấy chiến tranh thương mại đang tàn phá nền kinh tế toàn cầu là đủ rõ ràng. Xung đột thương mại leo thang đã trở thành nguyên nhân khiến tăng trưởng kinh tế toàn cầu bị kéo tụt về mức “chưa từng có tiền lệ” kể từ sau cuộc đại suy thoái vào năm 2009” - ông Ian Shepherdson, chuyên gia kinh tế trưởng tại công ty kinh tế Pantheon Macroeconomics, nhận định.
Tổng Giám đốc WTO, ông Roberto Azevedo cho biết triển vọng thương mại toàn cầu không mấy tươi sáng là điều không ai mong muốn, nhưng cũng không phải là yếu tố gây bất ngờ. Trong khi đó, các xung đột thương mại đang làm gia tăng sự bất ổn và dẫn tới việc trì hoãn đầu tư cũng như kéo theo các cơ hội tạo công ăn việc làm bị sụt giảm. Để ngăn chặn sự xuống dốc của hoạt động thương mại, nhà lãnh đạo này cho rằng các nước thành viên phải tích cực giải quyết những mâu thuẫn thương mại, cũng như hợp tác để cải cách WTO.
Lê Phan
-
ADB tăng hạn mức tài trợ thương mại cho Eximbank lên 115 triệu USD
-
Eximbank giới thiệu giải pháp tài chính thông minh khi mua xe ô tô
-
Dòng tiền FDI chuyển hướng sang dự án khu công nghiệp, văn phòng
-
Gửi tiết kiệm kỳ hạn này, lãi cao bất ngờ
-
Eximbank bị kiểm tra, giám sát chặt chẽ hoạt động cấp tín dụng
-
Giá vàng biến động khó lường