Kinh nghiệm của một số nước về quản lý giao dịch thương mại điện tử hàng hóa XNK

Thứ hai, 09/09/2019, 10:33 AM

Dự thảo Đề án quản lý hoạt động thương mại điện tử đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu (XNK) đang được Bộ Tài chính (Tổng cục Hải quan) lấy ý kiến góp ý của các bộ, ngành, địa phương và cục hải quan các tỉnh, thành phố. Những đề xuất được đưa vào dự thảo xuất phát từ thực tế hoạt động thương mại điện tử đối với hàng hóa XNK tại Việt Nam, đồng thời dựa trên kinh nghiệm của các nước trên thế giới.

16

Theo đại diện Cục Giám sát quản lý về hải quan, để xây dựng dự thảo Đề án quản lý hoạt động thương mại điện tử, bên cạnh việc nghiên cứu tình hình, đặc thù tại Việt Nam, ban soạn thảo cũng đã nghiên cứu kinh nghiệm quản lý tại nhiều nước trên thế giới, qua đó, kiến nghị mô hình và giải pháp quản lý hoạt động thương mại điện tử đối với hàng hóa XNK tại Việt Nam.

Theo đánh giá của ban soạn thảo, sự phát triển mạnh mẽ của thương mại điện tử đã tạo nên thách thức trong hoạt động quản lý hải quan cả ở những quốc gia có nền kinh tế đã phát triển và đang phát triển. Cơ quan Hải quan ở mỗi quốc gia đều phải nghiên cứu và phát triển một cách tiếp cận mới để đảm bảo hoạt động quản lý hải quan và tạo thuận lợi cho việc giao thương. Về căn bản, hàng hóa tại biên giới sẽ chịu sự kiểm tra của cơ quan Hải quan khi có yêu cầu, dù hàng hóa có được mua bán thông qua giao dịch điện tử hay không. Tuy nhiên, một vài quốc gia phát triển có những chính sách hỗ trợ thông quan để tạo thuận lợi cho giao dịch điện tử và kiểm soát chặt chẽ hàng hóa giao dịch điện tử xuyên biên giới.

Chẳng hạn, tại Trung Quốc, hoạt động thương mại điện tử xuyên biên giới hoạt động theo hai hình thức: Nhập kho ngoại quan (hàng đến trước, đơn hàng đến sau) và NK mua hàng trực tiếp. Với phương thức nhập khẩu ngoại quan, một lượng hàng lớn được NK và lưu giữ tại khu vực được hải quan giám sát trong địa phận Trung Quốc (kho ngoại quan, cảng ngoại quan, trung tâm logictics). Hàng hóa này phải được Cục Thanh tra và quản lý chất lượng hàng hóa xuất-nhập phê duyệt (công nhận) về chất lượng sản phẩm đối với hàng hóa phải kiểm tra về chất lượng sản phẩm hàng hóa.

Sau khi khách hàng đặt hàng trên sàn thương mại điện tử, website thương mại điện tử bán hàng có kết nối, chia sẻ dữ liệu với hệ thống cơ quan Hải quan; sàn thương mại điện tử, website thương mại điện tử bán hàng sẽ tiến hành khai báo theo thời gian thực với cơ quan Hải quan các thông tin về đơn hàng, tình trạng thanh toán, việc vận chuyển hàng hóa, thực hiện thủ tục thông quan cho hàng hóa. Cơ quan Hải quan kiểm tra từng đơn hàng cụ thể, hàng hóa được thông quan và vận chuyển đến khách hàng.

Ưu điểm của phương thức này là thời gian giao hàng nhanh nhưng nhược điểm là các DN phải lưu giữ lượng hàng hóa lớn tại khu vực giám sát hải quan. Do vậy, chủng loại, số lượng hàng hóa thường nhỏ, chỉ tập trung vào một số mặt hàng đang được người tiêu dùng có nhu cầu sử dụng cao.

Với hình thức NK mua hàng trực tiếp, đơn hàng có trước, hàng được vận chuyển về Trung Quốc sau. Sau khi khách hàng đặt hàng tại các sàn thương mại điện tử, website thương mại điện tử có kết nối chia sẻ dữ liệu với cơ quan Hải quan về thông tin đơn hàng, tình trạng thanh toán, việc vận chuyển hàng hóa theo thời gian thực khi khách hàng mua hàng hóa. Hàng hóa được xuất hàng từ kho hàng tại nước ngoài và được vận chuyển đến khu vực riêng đối với hàng thương mại điện tử được kiểm soát bởi cơ quan Hải quan bằng dịch vụ chuyển phát nhanh. Sau khi hoàn tất thủ tục thông quan, giám sát kiểm định hàng hóa được đưa đến tay khách hàng. Hàng hóa thực hiện NK mua hàng trực tiếp phong phú về chủng loại hàng hóa, tuy nhiên, thời gian từ khi khách đặt hàng đến khi người mua nhận được hàng thường mất nhiều thời gian hơn, chi phí vận chuyển, kiểm định cho việc hàng hóa đến tay người mua cũng cao hơn.

Tại Indonesia, việc kiểm soát của cơ quan Hải quan đối với hàng hóa giao dịch qua thương mại điện tử được thực hiện theo hai cách: Đối với hàng hóa mua bán qua sàn giao dịch thương mại điện tử (như Lazada, Tokopedia) có trị giá dưới 1.500 USD, khi đó cơ quan Hải quan tiếp nhận tờ khai hải quan từ các DN bưu chính, thực hiện thu thuế thông qua nền tảng điện tử Marketplace. Đối với hàng hóa giao dịch thương mại điện tử gửi kho ngoại quan, không có định mức miễn thuế mà áp dụng mức thuế suất là 7,5% đối với hàng trị giá dưới 1.500 USD và trên 1.500 USD thì áp thuế MFN, đồng thời được chậm nộp thuế trong 3 năm.

Tại Hàn Quốc, hàng hóa giao dịch của phương thức điện tử chiếm tỷ trọng 70% trên tổng số hàng hóa chuyển phát nhanh tại Hàn Quốc. Do đó, Hàn Quốc đã có những chính sách hỗ trợ thông quan để tạo  thuận lợi cho giao dịch điện tử, như: Thành lập trung tâm lưu thông hàng hóa chuyển phát nhanh nhằm quản lý nhanh chóng và chặt chẽ khối lượng hàng hóa qua giao dịch điện tử đang có xu hướng gia tăng mỗi năm; tăng cường nhân lực quản lý thông quan hàng chuyển phát nhanh; vận hành thử nghiệm Cơ chế thông quan thông minh từ tháng 7/2017. Đây là cơ chế xử lý kiểm tra nhất quán bằng điện tử đối với các hàng hóa không có tính rủi ro trong số các hàng hóa giao dịch điện tử. Áp dụng cơ chế cho phép “miễn kiểm”, “miễn xác minh điều kiện” trong số những hàng hóa giao dịch điện tử có trị giá hàng hóa (giá trước thuế) dưới 2.000 USD. Bên cạnh đó, Hàn Quốc đang tiến hành cải thiện việc kiểm tra hàng NK thông qua thiết bị phân loại tự động, chọn lọc theo khu vực để kiểm tra. Đồng thời, hệ thống vận chuyển được cải thiện để sau khi hàng hóa được giải phóng, bưu điện sẽ tiếp nhận hàng và nhanh chóng chuyển qua khâu giao hàng nội địa.

Tại Nhật Bản, đối với hàng hóa được mua bán qua thương mại điện tử, Hải quan Nhật Bản vẫn tiến hành các quy trình kiểm tra, giám sát hải quan như đối với hàng hóa thông thường. Ngoài ra, gần đây nước này đã phát triển và tiến hành một hệ thống quản lý chọn lọc trước khi hàng đến đối với hàng hóa là bưu phẩm, hàng chuyển phát nhanh. Hiện tại đã có 5 quốc gia đồng ý cung cấp dữ liệu trước khi hàng đến cho Nhật Bản và Hải quan Nhật Bản tận dụng nguồn thông tin đó trong kiểm tra giám sát hàng hóa qua biên giới.

Liên quan đến việc xây dựng Đề án quản lý hoạt động thương mại điện tử đối với hàng hóa XNK, trong tháng 9/2019, Tổng cục Hải quan tổ chức một loạt hoạt động hội thảo, làm việc tập trung để lấy ý kiến của cộng đồng DN, bộ, ngành và chuyên gia về dự thảo Đề án quản lý hoạt động thương mại điện tử đối với hàng hóa XK, NK; dự thảo Quyết định phê duyệt Đề án; dự thảo Tờ trình Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án và dự thảo Nghị định quy định về quản lý hoạt động thương mại điện tử qua biên giới trong lĩnh vực hải quan. Liên quan đến vấn đề này, ngày 19/9, Báo Hải quan sẽ tổ chức buổi Tọa đàm: “Quản lý hải quan đối với hoạt động thương mại điện tử”.

N.Linh

Theo haiquanonline.com.vn