Thương hiệu vang bóng một thời: Cổ phiếu lao đao dưới mệnh giá, “vô hình” trên sàn

Thứ tư, 12/06/2019, 10:02 AM

Những thương hiệu vang bóng một thời như Diêm Thống Nhất, Giày Thượng Đình đang nỗ lực tìm lại “vầng hào quang” quá khứ. Một trong các biện pháp được đưa ra là niêm yết cổ phiếu trên thị trường chứng khoán để huy động vốn. Tuy nhiên, nỗ lực này cũng thất bại vì cổ phiếu hoặc lao đao dưới mệnh giá hoặc bị coi là “vô hình” trên sàn.

Nền kinh tế Việt Nam đã ghi dấu rất nhiều thương hiệu làm mưa làm gió một thời, nhưng hiện tại bị người tiêu dùng “thất sủng”. Đó là Diêm Thống Nhất, Giày Thượng Đình, Xà bông Cô Ba, Bông Bạch Tuyết.

Các công ty này đã cố gắng niêm yết trên thị trường chứng khoán nhằm huy động vốn, tài trợ cho các hoạt động sản xuất kinh doanh. Thế nhưng, những nỗ lực này không cho thấy hiệu quả đáng kể nào. Các cổ phiếu (CP) vang bóng một thời hoặc lao đao dưới mệnh giá, hoặc bị coi “vô hình” trên sàn chứng khoán.

Giày Thượng Đình chỉ còn là thương hiệu

Giày Thượng Đình chỉ còn là thương hiệu "vang bóng một thời" nên CP GTD chìm sâu dưới mệnh giá.

Lao đao dưới mệnh giá

Chào sàn từ ngày 23/6/2014, CP DTN của CTCP Diêm Thống Nhất chỉ ở trên mệnh giá được đúng 10 ngày. Tới phiên 7/7/2014, DTN giảm sàn xuống mức 7.200 đồng/CP. Kể từ đó đến nay, chuỗi ngày giao dịch dưới 10.000 đồng/CP của DTN diễn ra thường xuyên. Tới đầu tháng 6, thị giá phổ biến của DTN là 4.000 đồng/CP.

DTN bị nhà đầu tư quay lưng khi kết quả kinh doanh be bét. Lãi ròng hàng năm của công ty chỉ đạt trên dưới 2 tỷ đồng. Cổ tức hàng năm của công ty rất khiêm tốn. Năm 2018, cổ đông chỉ được trả 8%, tương đương lãi suất ngân hàng. Để có được con số nhỏ bé này, công ty đã phải rất nỗ lực cắt giảm chi phí, trong đó có thù lao cho ban lãnh đạo.

Năm 2018, các thành viên HĐQT và Ban Kiểm soát chỉ được trả tổng cộng 288 triệu đồng. Sang năm 2019, con số này thậm chí còn “lao dốc” xuống chỉ còn 188 triệu đồng. Còn thu nhập bình quân của người lao động là 9 triệu đồng/người/tháng.

Không có “thâm niên” như DTN nhưng CP GTD của CTCP Giày Thượng Đình cũng không phải tân binh trên sàn chứng khoán. Cho tới nay, GTD đã có 2,5 năm “sóng gió” trên sàn. Mặc dù chào sàn ở mức giá rất cao 44.000 đồng/CP nhưng cho tới nay, GTD “mặc định” ở mức 4.300 đồng/CP suốt thời gian dài. Nghĩa là vốn hóa thị trường Giày Thượng Đình đã “bốc hơi” tới 90%.

Kem Tràng Tiền vẫn là

Kem Tràng Tiền vẫn là "con cưng" của người Hà Nội nhưng doanh thu của nó không bằng một góc của Kido.

CP Kem Thủy Tạ có thị giá lên đến 77.000 đồng/CP nhưng nó vẫn là sự thất vọng của nhà đầu tư vì thanh khoản quá yếu ớt.

CP Kem Thủy Tạ có thị giá lên đến 77.000 đồng/CP nhưng nó vẫn là sự thất vọng của nhà đầu tư vì thanh khoản quá yếu ớt.

“Vô hình” trên sàn chứng khoán

Một số CP của các “thương hiệu vang bóng một thời” dù thoát khỏi cảnh “CP trà đá” nhưng lại rơi vào tình cảnh “vô hình” trên thị trường chứng khoán. “Vô hình” nghĩa là chẳng có nhà đầu tư nào muốn giao dịch CP. BBT, SCD là những ví dụ điển hình.

Cụ thể, BBT của Công ty CP Bông Bạch Tuyết đã ghi danh vào danh sách các CP đầu tiên giao dịch dưới mệnh giá và phải rời sàn chứng khoán. Vào ngày 12/6/2018, BBT đã trở lại sàn với mức giá sau khi tăng trần chỉ là 3.200 đồng/CP, BBT vẫn là sự thất vọng của nhà đầu tư.

Thế nhưng, một phép màu đã xảy ra, BBT đã có chuỗi 13 phiên tăng trần liên tiếp và leo lên mức 15.600 đồng/CP trong sự ngỡ ngàng của nhà đầu tư. Tới nay, BBT đạt tới 17.500 đồng/CP. Tuy nhiên, đây chưa hẳn là dấu hiệu tốt vì BBT dường như “vô hình” trong mắt nhà đầu tư.

Thanh khoản của BBT rất yếu. Trong nhiều phiên, không có bất cứ CP BBT nào được chuyển nhượng thành công. Vì vậy, khối lượng giao dịch trung bình trong 10 phiên gần đây nhất của BBT rất thấp, chỉ đạt chưa tới 600 CP. Thanh khoản yếu nên giá CP dù có cao cũng không có nhiều giá trị vì nhà đầu tư khó chốt lời.

Xét về thị giá, TTJ của CTCP Kem Thủy Tạ là niềm mơ ước của nhiều CP. Hiện tại, thị giá của TTJ lên đến 77.000 đồng/CP. Chính bản thân Kem Thủy Tạ phải thừa nhận công nghệ sa sút dẫn đến chất lượng kem giảm nhưng giá CP TTJ vẫn tăng phi mã. Đó là do thanh khoản quá yếu kém nên nếu muốn, nhà đầu tư có thể dễ dàng làm giá.

Giá TTJ tăng cao nhưng cầu CP không có nên trong rất nhiều phiên, không có nổi 1 CP TTJ nào được trao tay. Điều đó khiến cho khối lượng giao dịch khớp lệnh trong 10 phiên gần đây của TTJ chỉ là... 20 CP, một con số vô cùng thấp. Cổ đông TTJ rơi vào tình cảnh “chết đói trên mâm cỗ”. Dù sở hữu khối tài sản lớn nhưng họ không thể bán ra để chuyển “giấy” thành tiền được.

Nhưng BBT, TTJ còn may mắn hơn DTN và GTD vì có thị giá cao. Còn DTN và GTD vừa chịu cảnh thị giá thấp vừa chịu cảnh bị nhà đầu tư quay lưng. Khối lượng giao dịch khớp lệnh trung bình 10 phiên gần đây của 2 CP này chỉ là 123 CP và... 0 CP.

Có thể thấy, CP của các thương hiệu vang bóng một thời đang rất bết bát trên thị trường chứng khoán khi nhà đầu tư không mấy mặn mà với chúng.

Quang Hải

Theo nguoitieudung.com.vn

largeer