Thực hư giá cổ phiếu ngân hàng tăng siêu tốc trên thị trường OTC

Thứ hai, 20/11/2017, 10:43 AM

Chỉ số VN-Index đang nóng lên từng ngày nhờ những gương mặt tiêu biểu như Vinamilk hay Vincom Retail. Riêng trên thị trường OTC, cổ phiếu ngân hàng còn nóng hơn với nhiều mã tăng lên mức không tưởng.

Trên thị trường OTC, cổ phiếu ngân hàng nóng hơn với nhiều mã tăng lên mức không tưởng.

Trên thị trường OTC, cổ phiếu ngân hàng nóng hơn với nhiều mã tăng lên mức không tưởng.

Cổ phiếu ngân hàng nhảy múa

Trong những ngày giữa tháng 11/2017, sàn HoSE nổi sóng. Cổ phiếu VRE của Vincom Retail và VNM của Vinamilk giúp vốn hóa thị trường liên tục lập các kỷ lục mới. Còn ông Phạm Nhật Vượng, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Vingroup xuất hiện nhiều trên các phương tiện thông tin truyền thông nhờ khối tài sản khủng tăng vọt lên 3,7 tỷ USD (theo thống kê của Forbes).

Sức nóng này trên thị trường chính thống khiến dư luận không để ý tới những cơn sốt khác trên thị trường chứng khoán. Chỉ những nhà đầu tư chuyên theo dõi mảng OTC mới nhận thấy những diễn biến lạ của cổ phiếu ngành ngân hàng. Gần đây, cổ phiếu vua một thời lấy lại sức nóng, có mã tăng lên mức không tưởng.

Cụ thể, cổ phiếu TCB của Ngân hàng Thương mại Cổ phần Kỹ thương Việt Nam (Techcombank) được chào mua ở mức 58.000 đồng/CP. Vietstock xác nhận giao dịch thành công gần đây nhất của TCB diễn ra hồi tháng 9 năm nay với mức giá 41.500 đồng/CP. Bên cạnh đó, có nhiều lệnh chào mua TCB với mức giá từ 48.000 đồng/cp tới 56.000 đồng/cp.

Với 58.000 đồng/cp, TCB đã có đà tăng không tưởng trong thời gian qua. Năm 2015, nhà đầu tư chứng kiến những đợt bán tháo để thoái vốn khỏi Ngân hàng Techcombank của nhiều tổ chức. Tới giữa năm 2016, sau khi có tin TCB sắp lên sàn, cổ phiếu TCB bứt phá lên khoảng 16.000 đồng/cp. Như vậy, sau hơn 1,5 năm, TCB tăng 42.000 đồng/cp, tương ứng 263%.

Cổ phiếu HDBank của Ngân hàng Thương mại Cổ phần Phát triển TP.HCM (HDBank) cũng tăng nóng. HDBank được xác nhận có mức giá giao dịch gần đây nhất là 39.500 đồng/cp. Trong khi đó, có những lệnh chào mua lên tới hơn 40.000 đồng/cp, gần bằng thị giá VCB của Vietcombank.

Trong nhiều năm liền, cổ phiếu TPBank của Ngân hàng Thương mại Cổ phần Tiên Phong (TPBank) được biết đến là cổ phiếu ế ẩm. Mobifone nhiều lần tổ chức phiên đấu giá TPBank với mức giá dự kiến chỉ cao hơn mệnh giá một chút. Thế nhưng, nhà đầu tư vẫn không mặn mà. Tuy nhiên hiện nay, TPBank đã tăng gần gấp 3 lần lên khoảng 29.500 đồng/cp.

Một số mã cũng tăng đáng kể có thể kể đến như PGBank (14.000 đồng/cp), OCB (13.300 đồng/cp), SGBANK (12.800 đồng/cp). Cá biệt là cổ phiếu VPB. Mặc dù đã niêm yết trên HoSE nhưng cổ phiếu VPB vẫn được chào mua trên OTC với mức giá lên tới 46.000 đồng/cp. Trong khi đó, chốt phiên giao dịch 15/11, VPB dừng ở mức 39.300 đồng/cp, thấp hơn mức giá trên thị trường OTC 6.700 đồng/cp.

Nóng thật hay ảo?

Thị trường chứng khoán Việt Nam đã ghi nhận nhiều đợt làm giá “kinh điển” ở OTC. Vì vậy, khi chứng kiến những con số kể trên, nhà đầu tư vẫn đặt câu hỏi liệu đây là nóng thật hay nóng ảo của cổ phiếu ngân hàng trên thị trường OTC.

Phóng viên đã liên hệ với người môi giới chơi trội, người sẵn sàng chi 46.000 đồng/cp để mua VPB cho dù việc mua VPB trên HoSE với mức giá 39.300 đồng/cp dễ như trở bàn tay. Nữ môi giới này cho biết chị sẽ chỉ trả 36.000 đồng/cp để gom VPB. Lý giải cho con số 46.000 đồng/cp, chị cho biết có thể chị viết… nhầm.

“Chị mua rẻ hơn trên sàn 3.000 đồng/cp vì hiện tại, chị chỉ gom được hàng chưa lưu ký. Nhiều người vì một lý do nào đó gặp rắc rối không lưu ký được nên cổ phiếu vẫn chưa thể niêm yết” - người môi giới này cho hay.

Trong khi đó, người môi giới đặt mua TCB với giá 58.000 đồng lại khẳng định: “Giá TCB bây giờ là 56.000 đồng/cp em ạ. Chị chỉ mua được ở giá đó thôi. Trên thị trường người ta rao bán đầy ở mức 56.000 đồng/cp kìa”. Sau đó, vì lý do đang đi trên đường, người môi giới nói sẽ gọi lại sau.

Khảo sát giá cổ phiếu ngân hàng trên thị trường OTC cho thấy mặc dù giá chào mua được “neo” ở mức rất cao nhưng giá chào bán lại thấp hơn. Ví dụ, mức giá chào mua cao nhất của TCB là 58.000 đồng/cp nhưng giá chào bán chỉ là 47.000 đồng/cp, chênh lệch tới 11.000 đồng/cp. Giá chào mua cao nhất của TPBank là 29.500 đồng/cp nhưng giá chào bán thấp nhất chỉ 20.000 đồng/cp.

Nghịch lý này đã diễn ra khi VPB chuẩn bị niêm yết trên HoSE. Khi đó, VPB chào sàn ở mức 39.000 đồng/cp nhưng trên thị trường OTC có lệnh mua 44.000 đồng/cp. Khi phóng viên liên hệ, người đặt bán khẳng định đã gom đủ cổ phiếu và không có nhu cầu mua thêm nữa.

Giải thích cho hiện tượng này, anh Lê Huy, một môi giới chứng khoán, cho biết: “Đây là tình trạng diễn ra phổ biến trên OTC. Đa phần là do môi giới thực hiện. Họ thường đặt mua ở mức giá cao trên nhiều diễn đàn. Tần suất mức giá cao xuất hiện càng nhiều, càng khiến cho các thành viên tin vào việc cổ phiếu đó đang tăng giá. Nhiều đội lái bình thường chỉ đăng thông tin rồi để đó và khẳng định mua đủ rồi nếu người bán gọi tới. Còn trình độ cao hơn, nhiều môi giới kết hợp thành đội, tự mua bán cổ phiếu của mình để cổ phiếu đó có giao dịch thật. Cách làm này thuyết phục nhà đầu tư hơn. Giao dịch thành công càng nhiều, mức độ tin cậy càng cao, nhờ đó cổ phiếu từ tăng ảo trở thành tăng thật. Họ hay áp dụng cách làm này cho các mã sắp lên sàn nơi có thanh khoản tốt hơn”.

Vì vậy, anh Huy khuyến cáo nhà đầu tư khi thấy bất cứ mã cổ phiếu nào tăng nóng, cần phải kiểm tra kỹ thông tin, thậm chí phải cầm điện thoại lên để tìm hiểu cả bên bán lẫn bên mua. Nếu không cẩn thận, khách hàng sẽ trở thành nạn nhân của trò làm giá.

Theo Bảo Linh-NTD

ntd

largeer