Thủ tướng yêu cầu thúc đẩy giải ngân gói tín dụng 120 nghìn tỷ đồng
Sáng 6/12, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 11/2023. Phiên họp sẽ tập trung thảo luận nhiều nội dung quan trọng, như: Tình hình kinh tế - xã hội, giải ngân vốn đầu tư công, triển khai ba chương trình mục tiêu quốc gia.
Phát biểu khai mạc phiên họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ: Trong 11 tháng qua, các mục tiêu đề ra cơ bản được thực hiện tốt. Trong đó, kinh tế vĩ mô tiếp tục giữ được sự ổn định, lạm phát được kiểm soát, kinh tế tăng trưởng trên tất cả các lĩnh vực... Thu ngân sách Nhà nước đến nay đã đạt 95% dự toán, mặc dù vẫn giảm thuế kịp thời.
Bên cạnh kết quả đạt được, Thủ tướng Chính phủ cũng chỉ ra việc tiếp cận tín dụng, thị trường bất động sản vẫn khó khăn, gói tín dụng 120.000 tỷ đồng phát triển nhà ở xã hội cần phải thúc đẩy…
Nhấn mạnh chỉ còn hơn 20 ngày nữa là sẽ kết thúc năm 2023, người đứng đầu Chính phủ yêu cầu trong tháng 12, cần phấn đấu đạt kết quả cao nhất. Các bộ, ngành, địa phương bám sát tình hình thực tiễn, cầu thị lắng nghe, đặt lợi ích quốc gia, dân tộc lên trên hết, trước hết để hành động.
Cùng với đó, phải luôn sẵn sàng ứng phó những cú sốc bên ngoài; phát huy dân chủ, tinh thần chủ động, năng động, sáng tạo; phấn đấu, quyết tâm cao nhất, nỗ lực lớn nhất để kết quả năm 2023 phải tốt hơn năm 2022.
Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, hoạt động sản xuất, kinh doanh thời gian qua tiếp tục chuyển biến tích cực. Khách du lịch đến Việt Nam 11 tháng đạt 11,2 triệu lượt người, gấp 3,8 lần cùng kỳ năm trước. Chỉ số sản xuất công nghiệp tháng sau tốt hơn tháng trước, nhiều địa bàn công nghiệp trọng điểm tiếp tục phục hồi hoặc duy trì đà tăng tích cực.
Trong 11 tháng có trên 201,5 nghìn doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường... Giải ngân đầu tư công 11 tháng ước đạt 65,1% kế hoạch, cao hơn 6,8% cùng kỳ, số tuyệt đối cao hơn gần 123 ngàn tỷ đồng.
Về nhiệm vụ thời gian tới, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề nghị tiếp tục triển khai quyết liệt, chủ động, đồng bộ, sát với thực tế các chính sách, giải pháp cả ngắn hạn, dài hạn; tranh thủ thời gian, tận dụng mọi cơ hội để tạo bứt phá trên cả 3 động lực tăng trưởng là đầu tư, tiêu dùng và xuất khẩu; thúc đẩy các động lực mới về kinh tế xanh, tăng trưởng xanh, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn... nhằm phục hồi tăng trưởng nhanh và bền vững.
-
Thông tư của Bộ Y tế quy định về sản phẩm sữa, thực phẩm chức năng cho trẻ dưới 6 tuổi phải kê khai giá
-
Bộ TT&TT đẩy mạnh định danh cuộc gọi để ngăn ngừa lừa đảo trên không gian mạng
-
Xử phạt Công ty Cổ phần ShopeePay 25 triệu đồng
-
Vì sao ngành chăm sóc sắc đẹp thu hút học sinh?
-
Giá vàng hôm nay, 12-11: Tiếp tục “bốc hơi” dữ dội
-
Bão Toraji giật cấp 12 vào Biển Đông, trở thành bão số 8