Thông lệ quốc tế là... thông lệ nào?

Thứ ba, 24/04/2018, 14:54 PM

Trong dự thảo tờ trình gửi Chính phủ về đề nghị xây dựng dự án Luật Thuế tài sản, Bộ Tài chính đưa ra nhiều luận điểm lý giải sự cần thiết của luật này. Bộ đặc biệt nhấn mạnh tới tính phù hợp với thông lệ và kinh nghiệm quốc tế. Vậy liệu các nội dung mà bộ đưa ra có hoàn toàn phù hợp với thông lệ quốc tế?

Theo đề xuất, tàu bay, du thuyền sẽ bị đánh thuế tài sản. Ảnh: T.L

Theo đề xuất, tàu bay, du thuyền sẽ bị đánh thuế tài sản. Ảnh: T.L

Ngưỡng chịu thuế và cách xác định giá trị tài sản chịu thuế

Theo dự thảo tờ trình do Bộ Tài chính công bố, nhà và công trình trên đất có giá trị trên 700 triệu đồng hoặc 1 tỉ đồng, ô tô có giá trị từ 1,5 tỉ đồng trở lên, tàu bay, du thuyền... sẽ bị đánh thuế. Tuy nhiên, dự thảo không nói rõ là liệu các nguồn vay nợ để hình thành tài sản có được loại trừ khỏi giá trị tài sản hay không để xác định giá trị chịu thuế. Phần khấu hao có được loại trừ khỏi giá trị tài sản khi xác định mức chịu thuế hay không? Theo thông lệ quốc tế, toàn bộ các khoản nợ (liablities) để hình thành tài sản được loại trừ khi xác định giá trị tài sản chịu thuế.

Hãy thử hình dung một người mua căn hộ giá 2,3 tỉ đồng, trong đó chủ căn hộ chỉ có khoảng 700 triệu, phần 1,6 tỉ còn lại có được từ việc vay vốn cầm cố từ ngân hàng với thời hạn 30 năm. Thông lệ quốc tế khẳng định rõ là phần 1,6 tỉ đồng này không thể được coi là giá trị tài sản chịu thuế. Một chiếc ô tô giá trị lúc mua khoảng 1,5 tỉ đồng, sau 10 năm giá trị sau khấu hao chỉ còn 700 triệu đồng. Vậy chủ sở hữu chiếc ô tô đó, theo thông lệ quốc tế, cũng không chịu thuế tài sản.

Bộ Tài chính không giải thích rõ về các giả định để đưa ra con số tăng thu ngân sách là 22.700 tỉ đồng nếu áp dụng ngưỡng không chịu thuế 1 tỉ đồng hoặc khoảng 23.300 tỉ đồng nếu áp dụng ngưỡng không chịu thuế 700 triệu đồng. Nhưng dường như Bộ Tài chính đã không áp dụng thông lệ quốc tế nói trên khi tính toán phần tăng thu ngân sách này. Và nếu áp dụng thông lệ quốc tế nói trên, chắc hẳn con số mà Bộ Tài chính đưa ra không thể chính xác vì hiện giờ, việc xác định trong tổng số giá trị nhà và tài sản trên đất đó, phần giá trị được tài trợ bằng các khoản vay ngân hàng bao nhiêu và giá trị còn lại sau khấu hao bao nhiêu, đặc biệt đối với các chung cư, là... không thể. 

Thuế tài sản đang bị... từ bỏ tại một số nước

Các thông lệ hoặc kinh nghiệm quốc tế được Bộ Tài chính sử dụng để bảo vệ cho đề xuất của mình đã bỏ qua một thông lệ thực tế là nhiều quốc gia đã từ bỏ, không áp dụng thuế tài sản trong những năm gần đây. Ví dụ, Áo và Đan Mạch (1995), Phần Lan (2006), Luxembourg (2006) và Thụy Điển (2007). Đức từng áp dụng sắc thuế liên bang về tài sản nhưng năm 1995, sắc thuế này bị xác định là vi hiến và bị từ bỏ vào năm 1999.  Năm 2004, Viện Doanh nghiệp  (Institut de l’enterprise) đã tiến hành một nghiên cứu về lý do tại sao nhiều quốc gia châu Âu từ bỏ áp dụng thuế tài sản. Các quốc gia từ bỏ không tiếp tục hoặc không áp dụng sắc thuế này là vì nó làm đẩy nhanh quá trình nguồn vốn đầu tư tháo chạy khỏi một quốc gia, không khuyến khích nhà đầu tư mới, chi phí tuân thủ thực hiện và thu thuế cao, làm lệch lạc quá trình phân bổ nguồn lực trong nền kinh tế và đây không phải là sắc thuế hiệu quả để đóng góp cho sự công bằng xã hội(1).

Theo Washington Post, tại Pháp, quốc gia gần như duy nhất tại châu Âu vẫn duy trì sắc thuế này, thuế tài sản được nhìn nhận là hình thức “trừng phạt” những người thành công trong kinh doanh. Theo Eric Pichet của trường KEDGE Business School, từ khi thuế tài sản được áp dụng tại Pháp vào năm 1988, tổng số nguồn vốn tháo chạy khỏi nước này đã lên tới 200 tỉ euro, lũy kế đến năm 2006. Sắc thuế này đã làm giảm tốc độ tăng trưởng GDP khoảng 0,2 điểm phần trăm mỗi năm, tương đương với khoảng 3,5 tỉ euro - xấp xỉ bằng đúng số tiền mà nó đóng góp cho ngân khố quốc gia(2).

Xu hướng gần đây cho thấy khi đưa ra một đề xuất chính sách mới, các ban soạn thảo thường viện dẫn các thông lệ quốc tế hay kinh nghiệm quốc tế  để bảo vệ cho đề xuất chính sách của mình. Tuy nhiên, việc viện dẫn này thường không đầy đủ, hoặc chỉ viện dẫn những ví dụ có lợi cho đề xuất chính sách. Thông lệ quốc tế cần được trích dẫn đầy đủ!

(1) Xem thêm tại: http://www.hluthafar.is/assets/files/ExecSummaryHeckly.pdf

(2) Xem thêm tại: https://papers.ssrn.com/sol3/papers.cfm?abstract_id=1268381 

Lê Duy Bình

Theo Thesaigontimes

largeer