Đăng nhập Đăng ký

hoặc

Vui lòng nhập thông tin cá nhân

Đặt lại mật khẩu

Nhập email của bạn để lấy lại mật khẩu

Email không đúng

Thói quen nghe điện thoại trong im lặng của Gen Z gây tranh cãi

Thứ tư, 23/07/2025 08:42 (GMT+7)

Nhiều bạn trẻ thuộc Gen Z chờ người gọi bắt đầu cuộc trò chuyện khiến những người lớn tuổi hơn khó chịu vì cách hành xử của họ.

Gen Z đang khiến các thế hệ lớn tuổi tức giận vì những hành vi bị cho là thiếu lễ độ từ cách ăn uống kém tinh tế đến việc từ chối chào hỏi khách hàng. Giờ đây, “Thế hệ lười” lại tiếp tục bị chỉ trích vì một lỗi xã giao mới đó là không nói “alo” khi nghe điện thoại.

Hành vi lạnh nhạt qua điện thoại này được nêu bật bởi một chuyên viên tuyển dụng, người đã chia sẻ trên mạng xã hội X đầu tháng này: “Tôi nhận thấy nhiều bạn Gen Z nghe điện thoại mà không nói gì cả. Họ chỉ để tôi nghe tiếng thở và tiếng ồn xung quanh, rồi chờ tôi lên tiếng trước", người này cho biết.

Lý do nhiều Gen Z im lặng khi nghe điện thoại là vì hiện nay có quá nhiều cuộc gọi lừa đảo. Ảnh: Shotmedia – stock.adobe.com

Điều đáng nói là đây không phải một cuộc gọi ngẫu nhiên mà là cuộc hẹn đã được sắp xếp từ trước vào đúng thời gian mà người nhận lựa chọn. Họ cũng biết người gọi là ai.

Lỗi giao tiếp này không chỉ mang tính nhận xét chủ quan của một người. Một cuộc khảo sát của YouGov tại Anh vào năm ngoái cho thấy, cứ bốn người trẻ từ 18–24 tuổi thì có một người cho rằng việc nghe điện thoại mà không chào hỏi là chấp nhận được.

Với những thế hệ lớn hơn, hành vi này bị xem là cực kỳ bất lịch sự. Chỉ 27% người trong độ tuổi 25–34 cho rằng điều đó có thể chấp nhận được. Con số này giảm còn 14% ở nhóm trên 45 tuổi.

“Chúng ta đều nói ‘alo’ khi nhấc máy. Giống như khi bạn mở cửa nhà vậy. Không chỉ là phép lịch sự. Trong trường hợp nghe điện thoại, câu chào còn để xác nhận rằng bạn đã có mặt và tiếp nhận cuộc gọi. Người ở đầu dây bên kia đâu nhìn thấy bạn nên lời chào chính là dấu hiệu cho thấy bạn đang lắng nghe”, một người dùng mạng thuộc thế hệ millennial bức xúc.

Theo cây bút Pilita Clark của Financial Times, các nhà tuyển dụng coi kỹ năng giao tiếp qua điện thoại yếu kém là một trong nhiều lý do khiến Gen Z gặp khó khăn trong môi trường công sở. Tình trạng này tệ đến mức Mary Jane Copps – người sáng lập một công ty tư vấn truyền thông tại Canada mang tên “The Phone Lady” cho biết, nhiều doanh nghiệp sẵn sàng chi tới 3.100USD để đào tạo kỹ năng nghe điện thoại cho thế hệ không quen nghe điện thoại.

Các chuyên gia cho rằng việc Gen Z thường im lặng khi nghe điện thoại bắt nguồn từ thực tế rằng họ không lớn lên cùng điện thoại bàn như thế hệ Gen X và millennial đi trước. Ảnh: Milan Lipowski – stock.adobe.com

Vậy tại sao lại có sự im lặng này? Clark cho rằng không giống các thế hệ trước, Gen Z vốn ưa nhắn tin hơn gọi điện, cảm thấy việc nghe gọi khiến họ lo lắng vì không lớn lên cùng điện thoại bàn.

Do đó, họ không được học phép tắc giao tiếp qua điện thoại từ cha mẹ như các thế hệ Gen X hay millennial.

“Họ không muốn bắt đầu cuộc trò chuyện rồi mới phát hiện ra đó là cuộc gọi tự động hoặc lừa đảo. Thay vào đó, họ chờ xem ai gọi rồi mới quyết định phản hồi”, Clark nhận định.

Sự thận trọng này có thể hiểu được trong bối cảnh các vụ lừa đảo mạo danh bằng AI ngày càng gia tăng, khi kẻ gian sử dụng đoạn ghi âm giọng nói để giả mạo và lừa đảo người thân nạn nhân.

Nhiều người Gen Z cũng thừa nhận điều này. Một người dùng mạng viết: “Tôi chờ im lặng vì hiện nay có quá nhiều cuộc gọi rác và bọn lừa đảo thường đợi nghe giọng người thật”.

Một lý do khác có vẻ mâu thuẫn là một số người Gen Z lại cho rằng… gọi điện mới là hành vi bất lịch sự.

Copps kể lại một học viên tại buổi đào tạo của mình từng nói: “Nếu ai đó tự dưng gọi điện cho tôi, điều đó cho thấy họ coi thời gian của họ quan trọng hơn thời gian của tôi. Tôi sẽ không nói chuyện với họ”.

Băng Tâm
Nguồn: sohuutritue.net.vn