Thời của mua sắm online đã đến!
Khi mà việc sở hữu một thiết bị có kết nối mạng internet đã trở nên quá phổ biến, cộng với sự ra đời của hàng loạt các trang mua sắm trực tuyến đã khiến cho khái niệm về mua sắm online, thương mại điện tử trở nên quen thuộc với người tiêu dùng Việt, nhất là bộ phận người tiêu dùng thế hệ 8x trở lại ở các thành phố lớn như Hà Nội và TP.HCM.
Những con số biết nói
Lazada, Tiki, Shopee, Sendo, Adayroi…là những website thương mại điện tử quen thuộc, không còn mấy xa lạ với người tiêu dùng Việt, nhất là với người tiêu dùng thế hệ 8x, 9x. Không chỉ thế, với tính tương tác cao, kết nối rộng khắp... việc mua bán trên các trang mạng xã hội như Facebook, Zalo cũng đang rất phát triển.
Ngoài ra, việc tích hợp chức năng mua bán online trên trang web riêng gần như đã được tất cả các doanh nghiệp bán lẻ ứng dụng. Tất cả đã góp phần hình thành nên một xu hướng tiêu dùng mới - mua sắm online.
Một nghiên cứu thông qua việc ghi nhận ý kiến của khoảng 1.000 người tại Hà Nội và TP.HCM của CBRE Việt Nam cho thấy, có đến 25% số người được hỏi cho biết sẽ giảm tần suất mua sắm tại cửa hàng, gần 50% tiết lộ sẽ mua sắm trực tuyến thường xuyên hơn trong tương lai.
Tương tự, kết quả cuộc khảo sát Hàng Việt Nam Chất lượng cao (HVNCLC) do Hiệp hội Doanh nghiệp HVNCLC tiến hành vào năm 2017 cho thấy việc mua sắm online chỉ chiếm 0,9%; tuy nhiên, kết quả khảo sát trong năm 2018 đã chỉ ra rằng, việc mua sắm online của người tiêu dùng Việt đã tăng gấp 3 lần, tức chiếm 2,7%.
Còn theo khảo sát của Hiệp hội Thương mại Điện tử Việt Nam (VECOM), tốc độ tăng trưởng năm 2017 so với năm trước ước tính trên 25%. Trong đó, ở lĩnh vực bán lẻ trực tuyến, thông tin từ hàng ngàn website thương mại điện tử cho thấy tỷ lệ tăng trưởng doanh thu năm 2017 tăng 35%. Khảo sát gián tiếp qua một số doanh nghiệp chuyển phát hàng đầu cho thấy tốc độ tăng trưởng doanh thu từ dịch vụ chuyển phát từ 62-200%.
Còn với lĩnh vực thanh toán, theo thông tin từ CTCP Thanh toán quốc gia Việt Nam (NAPAS), năm 2017 tăng trưởng số lượng giao dịch trực tuyến thẻ nội địa tăng khoảng 50% so với 2016 trong khi giá trị giao dịch tăng trưởng tới 75%.
Mặc dù chưa có một thống kê chính thức, nhưng số liệu từ những cuộc khảo sát của các tổ chức uy tín cũng đã phần nào giúp chúng ta phác họa nên bức tranh sáng của xu hướng mua - bán online tại Việt Nam trong những năm qua.
Đâu là lý do?
Từ những số liệu kể trên, chúng ta có thể thấy mua bán online tại Việt Nam đã có sự bùng nổ mạnh mẽ trong gần 10 năm vừa qua. Vậy đâu là nguyên nhân tạo nên sự phát triển của loại hình mua sắm này, nhất là khi người tiêu dùng Việt đã quen với hình thức mua sắm tận nơi, cùng tâm lý “nhìn tận mắt, sờ tận tay” của mình.
Như đã biết, khoảng 20 năm trước, chúng ta bắt đầu cung cấp dịch vụ internet công cộng, mở ra giai đoạn hình thành thương mại điện tử. Song, do thiếu môi trường pháp lý, thương mại điện tử đã hình thành với quy mô rất nhỏ và số lượng người tham gia thấp.
Mãi đến năm 2006, Nghị định Thương mại điện tử cùng Luật Giao dịch điện tử ra đời, đánh dấu giai đoạn phổ cập thương mại điện tử kéo dài trong 10 năm (2006-2015).
Và đây chính là cột mốc đánh dấu sự bùng nổ của thương mại điện tử tại Việt Nam. Bởi, một khi đã có khung pháp lý rõ ràng, tâm lý e dè trong mua sắm của người tiêu dùng được gỡ bỏ khi những lo ngại trước đó về độ an toàn của giao dịch, chính sách đổi trả hàng…sẽ được giải quyết một cách triệt để.
Tiếp đó, không thể không kể đến những ưu việt của loại hình này. Việc mua sắm online sẽ giúp người tiêu dùng có được sự tham khảo, chọn lựa kỹ càng hơn so với khi ra mua sắm trực tiếp tại chợ hay cửa hàng. Bởi chỉ cần một thiết bị nối mạng là chúng ta có thể tìm hiểu chi tiết sản phẩm, so sánh về giá… mà không bị giới hạn bởi thời gian và không gian.
Kết quả khảo sát HVNCLC 2018 cũng chỉ ra, kênh thông tin online ngày càng được nhiều người tiếp cận và chọn làm kênh tham khảo thông tin chính khi lựa chọn sản phẩm, đặc biệt là ở khu vực thành thị. 23% người tiêu dùng lựa chọn các kênh online để tham khảo thông tin trước khi quyết định mua sản phẩm, tăng 5% so với năm 2017. Trong đó, website công ty có tỷ lệ tham khảo tăng gấp đôi, từ 3,3% lên 6,7%.
Được biết, với nhịp sống nhộn nhịp, xô bồ, tắc đường, kẹt xe, trộm cướp… như ở các đô thị lớn hiện nay thì hình thức này ngày càng được quan tâm. Với mua sắm online, bạn chỉ cần ngồi nhà chọn món đồ yêu thích, và chỉ 15-20 phút sau là sẽ có nhân viên mang đến tận nơi. Quá an toàn và tiết kiệm thời gian đúng không nào!
Tuy nhiên, ngoài những doanh nghiệp làm ăn chân chính thì cũng có nhiều người đã lợi dụng hình thức kinh doanh online để thu lợi bất chính, khiến người tiêu dùng dở khóc, dở cười.
Và để tránh gặp phải những rủi ro trên, người tiêu dùng cần phải hết sức lưu ý khi lựa chọn hình thức mua sắm này. Mua hàng tại những địa chỉ uy tín, có hóa đơn, chứng từ, chính sách bảo hành đầy đủ; không nên tham rẻ mà mua hàng ở những trang web lạ, mập mờ thông tin. Mặt khác, nhiều người có kinh nghiệm cũng chia sẻ rằng phải hết sức cẩn thận khi mua sắm trên các trang mạng xã hội, việc mua phải hàng không giống quảng cáo là chuyện bình thường, “một đi không đổi lại”…
Ngoài những “rủi ro” không đáng có ở trên thì theo các chuyên gia và doanh nghiệp, năm 2019 tiếp tục sẽ là một năm tăng trưởng mạnh mẽ nữa của hình thức mua sắm online.
Thanh Minh
-
Tạm giữ 35 tấn đường kính không hóa đơn chứng từ hợp pháp kèm theo
-
Đình chỉ lưu hành, thu hồi 3 loại mỹ phẩm không đảm bảo chất lượng
-
Tạm giữ trên 25 tấn vải may mặc do Trung Quốc sản xuất
-
Tiền Giang: Xử phạt cơ sở kinh doanh thực phẩm giả tại huyện Gò Công Tây
-
Thu giữ hàng trăm áo phao không rõ nguồn gốc
-
Truy quét hàng giả cuối năm