Thiếu tướng, PGS.TS. Lê Văn Cương: Giám sát chặt, quan chức sẽ không dám vi phạm

Thứ sáu, 25/06/2021, 11:18 AM

Trao đổi với phóng viên báo Tiền Phong, Thiếu tướng, PGS.TS Lê Văn Cương, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược (Bộ Công an) cho rằng, tham nhũng là “căn bệnh” cố hữu của mọi Nhà nước. Do vậy, cần xây dựng một cơ chế giám sát quyền lực hiệu quả, bởi quyền lực không được giám sát sẽ dẫn đến tha hóa.

Cựu Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Tình báo (Bộ Công an) Nguyễn Duy Linh bị đề nghị truy tố vì vụ hối lộ từ Vũ “nhôm”. Trong ảnh là Vũ “nhôm” (x) bị xét xử tại một phiên tòa.

Cựu Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Tình báo (Bộ Công an) Nguyễn Duy Linh bị đề nghị truy tố vì vụ hối lộ từ Vũ “nhôm”. Trong ảnh là Vũ “nhôm” (x) bị xét xử tại một phiên tòa.

Vừa qua, Bộ Chính trị đã đề nghị kỷ luật ông Trần Văn Nam, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương. Hay mới đây ông Nguyễn Duy Linh, cựu Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Tình báo bị đề nghị truy tố tội nhận hối lộ của Phan Văn Anh Vũ (Vũ “nhôm”). Theo ông, thực tế này nói lên điều gì?

Rất rõ ràng, việc này chứng tỏ Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã đi vào cuộc sống. Đúng như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định, chống tham nhũng không chùng xuống, mà sẽ tiếp tục làm mạnh mẽ, quyết liệt. Qua những vụ việc này cho thấy cuộc đấu tranh chống tham nhũng tiếp tục được tiến hành ở mọi cấp độ, không có vùng cấm, không có ngoại lệ nào cả.

Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương Trần Văn Nam không đủ tư cách làm đại biểu Quốc hội thì liệu có còn đủ tiêu chuẩn làm Ủy viên Trung ương? Tôi nghĩ sớm hay muộn ông ấy cũng sẽ bị xem xét xử lý kỷ luật.

Đây là những tín hiệu tích cực, góp phần củng cố thêm niềm tin, khi Nghị quyết Đại hội XIII đã thực sự đi vào cuộc sống. Nhưng cũng đúng như Tổng Bí thư từng nói, cuộc chiến chống tham nhũng còn phức tạp, cam go, kéo dài và không hề đơn giản. Về khoa học, tham nhũng là “căn bệnh” cố hữu của mọi Nhà nước. Chỗ nào có Nhà nước, chỗ đó có nguy cơ tham nhũng, có chăng chỉ khác ở quy mô và tính chất, mức độ thôi.

Nhiều ý kiến cho rằng, để phòng, chống tham nhũng cần phải kiểm soát được quyền lực, không để quyền lực tha hóa, lũng đoạn?

Đúng như vậy. Song song với việc đấu tranh chống tham nhũng, tôi đề nghị Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư cần chỉ đạo quyết liệt hơn các cơ quan nghiên cứu, xây dựng cơ chế giám sát quyền lực. Bởi về nguyên tắc, quyền lực không được giám sát sẽ dẫn đến tha hóa. Nhiệm kỳ trước, chúng ta đã làm rất tốt cuộc chiến chống tham nhũng. Đây chính là điểm sáng trong nhiệm kỳ XII của Đảng.

Nhưng điều quan trọng hơn, cơ bản hơn, lâu dài hơn là phải phòng ngừa tham nhũng. Điều này cần được làm mạnh mẽ, bài bản hơn nữa. Vấn đề trung tâm của phòng, chống tham nhũng là giám sát quyền lực. Như ở Singapore, một cán bộ quan chức đang làm việc trong bộ máy Nhà nước được bốn cơ quan theo dõi, “chăm sóc”. Quan chức không thể tham nhũng được, vì mọi hành vi của họ đều được giám sát chặt chẽ.

Còn chúng ta vẫn có nhiều sơ hở, lỏng lẻo. Những vi phạm của ông Trần Văn Nam, Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương đã diễn ra từ trước đó, nhưng tại sao vẫn đưa vào Trung ương? Trách nhiệm kiểm tra, giám sát có vấn đề không? Tôi tin, nếu làm tốt hơn, ông Nam đã bị xử lý trước Đại hội rồi. Hay như ở TP HCM, Đà Nẵng, các sai phạm của cán bộ như vậy, giám sát quyền lực có vấn đề không? Chính vì vậy, chúng ta cần xây dựng một cơ chế kiểm soát, giám sát quyền lực chặt chẽ hơn nữa.

Vậy theo ông, phải đổi mới giám sát quyền lực theo hướng nào?

Như chúng ta thấy, từ khi Kiểm toán Nhà nước chuyển về Quốc hội, cơ quan này hoạt động hiệu quả hơn nhiều. Thay đổi cơ chế là khác ngay. Khi Kiểm toán chuyển sang Quốc hội thì vai trò, vị thế khác hẳn. Tài sản Nhà nước có ở đâu, cơ quan kiểm toán có mặt ở đấy.

Đặc biệt, từ Đại hội XII, Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng được chuyển về bên Đảng do Tổng Bí thư trực tiếp làm Trưởng Ban chỉ đạo, mọi chuyện khác hẳn, công cuộc phòng, chống tham nhũng đã phát huy hiệu quả hơn rất nhiều.

Với tư cách của một người nghiên cứu, theo tôi cũng cần xem xét lại hệ thống thanh tra của chúng ta hiện nay. Đơn cử trong một tỉnh, thanh tra muốn làm gì, phải xin ý kiến ông Chủ tịch UBND tỉnh chứ? Như vậy thì khó đảm bảo độc lập, khách quan được.

Tôi cũng đề nghị cần sớm thành lập một Ủy ban Giám sát Quyền lực Quốc gia, do một Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Quốc hội làm Chủ nhiệm. Với vai trò ấy, khi xuống làm việc, buộc lòng người đứng đầu địa phương đó phải tuân thủ, chấp hành. Đó là một thực tế, vì thế cần phải tạo ra một cơ chế mới hiệu quả hơn, thực chất hơn trong giám sát quyền lực.

Cảm ơn ông!

 THÀNH NAM

Theo tienphong