Năm 2020 - Sức nóng từ ngọn lửa chống tham nhũng
Năm 2020, hàng loạt quan chức và cựu quan chức bị xử lý hình sự vì những sai phạm nghiêm trọng như cựu Chủ tich UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung, cựu Phó Bí thư Thành ủy TPHCM Tất Thành Cang, cựu Đô đốc Nguyễn Văn Hiến...
Ông Nguyễn Đức Chung liên quan nhiều vụ án
Ông Nguyễn Đức Chung là Giám đốc Công an TP Hà Nội trước khi được bầu giữ chức Chủ tịch UBND TP Hà Nội vào tháng 12/2015. Năm 2019, cảnh sát khởi tố vụ án buôn lậu, rửa tiền, vi phạm quy định đấu thầu xảy ra tại Cty Nhật Cường. Ông Nguyễn Đức Chung và vợ bị xác định là người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan trong vụ án này. Ông Chung sau đó móc nối cán bộ điều tra nhằm thu thập tài liệu liên quan vụ án. Sự việc bị phát giác, ông Nguyễn Đức Chung bị đình chỉ chức Chủ tịch UBND TP Hà Nội vào tháng 8/2020 và chịu khởi tố, bắt giam. Ngày 11/12, ông Chung bị phạt 5 năm tù về tội chiếm đoạt tài liệu mật và 6 ngày sau bị khai trừ ra khỏi Đảng. Liên quan vụ án Nhật Cường đã có 28 người bị khởi tố gồm nhiều cán bộ Thành ủy, Sở Kế hoạch và Đầu tư TP Hà Nội.
Khởi tố cựu Bộ trưởng, Thứ trưởng Bộ Công thương
Tháng 7, cơ quan điều tra khởi tố ông Vũ Huy Hoàng, cựu Bộ trưởng Bộ Công Thương để điều tra sai phạm trong vụ mua bán đất công tại TPHCM. Ông Hoàng và 9 đồng phạm sẽ hầu tòa vào ngày 7/1/2021 tại Hà Nội. Trong vụ án này, bị can Hồ Thị Kim Thoa, nguyên Thứ trưởng Bộ Công Thương đã bỏ trốn và bị truy nã quốc tế.
Phía truy tố cho rằng, ông Hoàng cùng các lãnh đạo Bộ Công thương có sai phạm trong việc cho Tổng Cty Sabeco liên doanh với tư nhân để thực hiện dự án xây dựng trên khu đất công sản số 2-4-6 Hai Bà Trưng (TPHCM). Khu đất hơn 6.000m2 này sau đó bị liên doanh của Sabeco bán, gây thiệt hại cho nhà nước hơn 2.700 tỷ đồng.
Thượng tá Út “trọc” kéo Đô đốc vào lao lý
Đô đốc Nguyễn Văn Hiến nguyên là Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Tư lệnh Quân chủng Hải quân (QCHQ) và bị chính Tòa án Quân sự QCHQ phạt 4 năm tù về tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”. Cựu thứ trưởng sau đó xin hưởng án treo nhưng Tòa quân sự Trung ương bác bỏ, chỉ giảm cho 6 tháng tù vì lý do “phạm tội nhưng không vụ lợi”. Trong vụ án này, ông Hiến bị xác định đã thiếu kiểm tra, đôn đốc khiến công ty riêng của cựu thượng tá Đinh Ngọc Hệ (còn gọi Út “trọc”) chiếm đoạt một khu đất quốc phòng tại TPHCM.
Không chỉ khiến Đô đốc Nguyễn Văn Hiến vướng lao lý, ngày 22/12, Út “trọc” còn bị phạt tù chung thân vì hành vi lừa đảo tại dự án Cao tốc Trung Lương và cũng “kéo theo” loạt quan chức lĩnh án. Trong đó, các ông Đinh La Thăng (nguyên Bộ trưởng Bộ GTVT), Nguyễn Hồng Trường, nguyên Thứ trưởng Bộ GTVT.
Khởi tố ông Tất Thành Cang
Ngày 16/12, ông Tất Thành Cang, nguyên Phó bí thư thường trực Thành ủy TPHCM bị khởi tố để điều tra việc thất thoát hàng trăm tỷ đồng tại Cty CP phát triển Nam Sài Gòn (Sadeco). Ông Cang là người có chức vụ cao nhất trong 19 người bị xử lý hình sự trong vụ án, họ bị khởi tố về các tội “Vi phạm quy định trong quản lý tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí” hoặc “Tham ô tài sản”. Hiện tại, cảnh sát đang tập trung điều tra để sớm đề nghị viện kiểm sát truy tố ông Cang và đồng phạm.
Thông tin ban đầu cho thấy, Sadeco có vốn góp của các cổ đông Nhà nước gồm Cty IPC. Bên cạnh đó, Sadeco có cổ đông chiến lược là Cty Nguyễn Kim. Năm 2015, Sadeco tái cơ cấu và IPC được yêu cầu giữ 44% cổ phần tại đây. Tuy nhiên, ông Tất Thành Cang cho phép IPC giảm tỷ lệ sở hữu xuống 28% thông qua việc phát hành cổ phiếu cho Cty Nguyễn Kim dù không thông qua đấu giá.
Gang thép Thái Nguyên và loạt quan chức liên đới
Dự án mở rộng sản xuất Cty Gang thép Thái Nguyên (TISCO) giai đoạn 2 được triển khai từ năm 2007 với đơn vị trúng thầu là Tập đoàn Khoa học công nghệ và thương mại luyện kim Trung Quốc (MCC). Tuy nhiên, MCC chỉ thi công trong 11 tháng đã tự ý dừng hợp đồng, rút người về nước đồng thời yêu cầu TISCO kéo dài thời gian thực hiện hợp đồng và tăng chi phí đầu tư. Đến năm 2013, mức đầu tư dự án được tăng từ 3.800 tỷ đồng lên 8.100 tỷ đồng nhưng đến nay, nhà thầu Trung Quốc vẫn chưa thi công.
Cơ quan điều tra xác định, hết năm 2018, TISCO đã đầu tư cho dự án hơn 4.400 tỷ đồng, trong đó vốn vay ngân hàng là 3.000 tỷ đồng. Đến nay, dự án đã quá thời hạn được phê duyệt 10 năm nhưng vẫn chưa hoàn thành. Thiệt hại trong vụ án là 830 tỷ đồng, là tiền lãi TISCO phải trả cho các ngân hàng do dự án chậm tiến độ. Tháng 12/2020, cơ quan điều tra đã ra kết luận, đề nghị truy tố 14 bị can trong vụ án về các tội “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí” và “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”. Liên quan dự án, một số quan chức đã bị xử lý kỷ luật trong đó có ông Hoàng Trung Hải, nguyên Bí thư Thành ủy TP Hà Nội.
GIA BÌNH
-
Quy định về thông báo thực hiện hoạt động khuyến mại từ ngày 01/12/2024
-
Thông tư của Bộ Y tế quy định về sản phẩm sữa, thực phẩm chức năng cho trẻ dưới 6 tuổi phải kê khai giá
-
Bộ TT&TT đẩy mạnh định danh cuộc gọi để ngăn ngừa lừa đảo trên không gian mạng
-
Xử phạt Công ty Cổ phần ShopeePay 25 triệu đồng
-
Vì sao ngành chăm sóc sắc đẹp thu hút học sinh?
-
Giá vàng hôm nay, 12-11: Tiếp tục “bốc hơi” dữ dội