Thị trường chuyển nhượng ĐH tư thục sôi động!
Chỉ trong bốn tháng đầu năm nay đã có ít nhất ba vụ chuyển nhượng đại học (ĐH), cao đẳng tư thục tại Việt Nam - tương đương số giao dịch chuyển nhượng loại này trong năm ngoái. Các thương vụ chuyển nhượng sôi động hàng ngàn tỷ đồng, có sự tham dự của các tập đoàn trong nước và cả quỹ đầu tư nước ngoài.
Nhà đầu tư lộ diện phút chót
Đầu tháng 4/2019, khi ĐH Văn Lang khai trương tòa nhà A để sinh viên có thể vào học, nhiều người mới biết một lượng lớn cổ phần của trường này đã được chuyển giao cho chủ mới: Ông Nguyễn Cao Trí - người sở hữu Capella Holdings và CTCP Đầu tư và Dịch vụ Khánh Hội (Khahomex).
Ông Nguyễn Cao Trí là nhân vật nổi tiếng, vì theo những đồn thổi của dư luận, ông chính là người ẩn danh mua lại hai tòa lâu đài của Khải Silk.
Quyết định đầu tư vào ĐH Văn Lang của ông Trí cũng đầy bí ẩn. Người bên ngoài hoàn toàn không biết gì về thông tin này. Đến khi đại hội cổ đông, ông Bùi Quang Độ, Chủ tịch HĐQT của trường không còn nắm giữ nhiều cổ phần nữa và người nắm nhiều cổ phần nhất tại trường không ai khác hơn là ông Nguyễn Cao Trí.
Sau ông Trí, đơn vị nắm nhiều cổ phần nhiều thứ hai là một công ty có trụ sở... tại Singapore. Chủ đầu tư công ty này lại là một quỹ đầu tư có vốn nước ngoài tại Việt Nam.
Sự xuất hiện của những quỹ đầu tư là minh chứng rõ rệt nhất cho thị trường làm ăn đầy triển vọng mới. Bởi, trước khi có quyết định nào, quỹ đầu tư phải thực hiện các phân tích, tính toán và dự báo triển vọng thành công một cách khoa học.
Sôi động nhưng kín tiếng
Trước thương vụ ĐH Văn Lang có hai vụ thay đổi chủ sở hữu có phần lặng lẽ. Ngày 23/3/2019, hãng lữ hành Vietravel tuyên bố sở hữu 66% cổ phần của trường Cao đẳng Quốc tế Kent. Tổng Giám đốc Nguyễn Quốc Kỳ cũng không giấu giếm mục đích của mình là “chú trọng đào tạo nguồn nhân lực du lịch” cho tập đoàn này.
Một thay đổi cực kỳ kín đáo khác là thương vụ chuyển nhượng Trường ĐH Thái Bình Dương ở Nha Trang, Khánh Hòa. Sau hàng loạt lùm xùm và tuyển sinh thất bại, trường này vừa có hội đồng quản trị mới. Bất ngờ nhất là tiến sĩ Bùi Trân Phượng, nguyên Hiệu trưởng ĐH Hoa Sen được bầu làm Chủ tịch HĐQT của trường. Ba Phó Chủ tịch HĐQT đều là những nhân sự từ Ngân hàng ACB. Một số thành viên khác của HĐQT cũng là những cái tên rất quen thuộc trước đó của ĐH Hoa Sen.
Chuyển nhượng ĐH Hoa Sen là thương vụ đình đám nhất trong năm 2018. Tập đoàn Nguyễn Hoàng bất ngờ trở thành chủ đầu tư sau khi có những bước thu gom cổ phần ngoạn mục. Sự thay đổi chủ đầu tư cũng được đánh giá “rất thành công”. Giá trị của vụ chuyển nhượng cũng rất lớn, bởi nếu định giá sơ bộ Hoa Sen đã có giá trị khoảng 2.000 tỷ đồng!
Vắng bóng nhà giáo dục
Khi chuyển sang tư thục, những nhà giáo dục khai sinh các ĐH dân lập hơn 20 năm trước dần rút khỏi vũ đài. PGS.TS Nguyễn Mạnh Hùng nhượng lại cổ phần của ĐH Quốc tế Hồng Bàng. Lực lượng giảng dạy của các trường ĐH Văn Hiến và ĐH Hùng Vương TP.HCM được chuyển giao cho các nhà đầu tư. Tiến sĩ Bùi Trân Phượng buộc phải rời ĐH Hoa Sen sau một cuộc chiến tương tàn. Còn lại là NGƯT Huỳnh Thế Cuộc vẫn đang điều hành ĐH Ngoại ngữ - Tin học TP.HCM (Huflit). Nhưng số phận của ĐH tư thục đang tạo được uy tín này sẽ ra sao trong vài năm nữa khi nhà giáo đã cao tuổi?
Sự có mặt của các nhà đầu tư đã làm nên diện mạo mới cho các ĐH tư thục. Tại tọa đàm “Giáo dục tư thục và định hướng phát triển giáo dục tư thục tại Việt Nam” vào đầu tháng 5/2019, PGS. TS Phan Thanh Bình, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên và Thiếu niên nhi đồng của Quốc hội nhận định: Hiện nay đã xuất hiện cụm từ “kinh doanh giáo dục” bởi xã hội đã thay đổi, không còn kỳ thị các trường tư thục như trước nữa!
Những cuộc chuyển nhượng bất ngờ ấy khiến các ĐH tư thục thay đổi, nhất là ở việc quản trị. Không mang nhiều cảm tính như trước, các trường ĐH mang dáng dấp một doanh nghiệp nhiều hơn. Chẳng hạn, khi Tập đoàn Hùng Hậu mua lại cổ phần của ĐH Văn Hiến, hàng loạt nhà giáo dục đã chấp nhận lùi lại phía sau. Và trường này bắt đầu quản trị hết sức khác biệt. Lần đầu tiên, một trường ĐH có 1 phó hiệu trưởng và ba giám đốc điều hành. Khái niệm giám đốc điều hành tưởng chỉ có ở doanh nghiệp, nay đã có mặt ở ĐH!
Cơ sở vật chất các trường sau chuyển nhượng cũng thay đổi chóng mặt. Ngay sau khi mua lại cổ phẩn của ĐH Quốc tế Hồng Bàng, Tập đoàn Nguyễn Hoàng đã ngay lập tức xây dựng tòa nhà 25 tầng thay thế tòa nhà lụp xụp lúc trước. ĐH Văn Lang cũng vừa có tòa nhà mới được đánh giá hiện đại và hoành tráng không kém gì một trường ĐH nước ngoài.
“Cơn sốt” này rồi sẽ đi đến đâu? Rất khó nói trước. Tiến sĩ kinh tế Nguyễn Quốc Toàn đánh giá: “Các thế hệ đầu sở hữu trường ĐH tư đã mệt rồi. Họ đã làm được như vậy là tốt rồi. Nếu có thể thì cũng nên nhường lại ‘mặt trận’ cho các nhà đầu tư mới có tiềm lực tài chính và khả năng quản trị hơn. Thế nhưng, điều tôi muốn nói và lo ngại là nguy cơ thế hệ nhà đầu tư mới nhìn giáo dục ĐH dưới lăng kính siêu lợi nhuận, rồi đầu tư vô tội vạ, dẫn đến kết cục hoặc là biến trường ĐH thành nơi bán bằng để thu hồi vốn nhanh”.
Vị tiến sĩ cũng nhắc lại câu chuyện của Educomp một thời nổi tiếng của Ấn Độ. Educomp đem hàng trăm triệu đô la đi mua các trường ĐH, phổ thông sau đó tuyên bố phá sản. “Nhà đầu tư cũ buông, nhà đầu tư mới nhảy vào theo cách chi phí trên trời này thì nhà đầu tư chuyên nghiệp sẽ không thể tham gia thị trường được và do đó giáo dục ĐH tư nhân sẽ không phát triển được” - tiến sĩ Nguyễn Quốc Toàn kết luận.
An Thư
-
Vì sao ngành chăm sóc sắc đẹp thu hút học sinh?
-
Sở GD&ĐT TP.HCM phản hồi về chất lượng bữa ăn bán trú
-
Đề xuất miễn học phí cho con nhà giáo: Chỉ nên ưu tiên cho người khó!
-
Sắp diễn ra kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia năm học 2024 - 2025
-
Thủ tướng yêu cầu chấn chỉnh hoạt động trường quốc tế Mỹ Việt Nam
-
Học sinh lớp 8 bị nhóm bạn cùng trường đánh hội đồng dã man