Thí điểm mô hình chợ bán thực phẩm “sạch” ở Bến Thành và Hóc Môn

Thứ sáu, 05/01/2018, 20:19 PM

Tới đây, TP.HCM sẽ thí điểm mô hình chợ đảm bảo an toàn thực phẩm tại chợ Bến Thành và chợ đầu mối Hóc Môn.

UBND TP.HCM vừa phê duyệt dự án Mô hình chợ thí điểm bảo đảm an toàn thực phẩm tại TP.HCM giai đoạn 2016-2020. Theo đó, dự án sẽ được thực hiện đối với ngành hàng thịt heo của chợ Bến Thành (quận 1) và chợ đầu mối Hóc Môn (huyện Hóc Môn), sau đó mở rộng ra 12 chợ truyền thống. Việc triển khai mô hình này đối với tất cả chợ trên địa bàn TP sẽ được thực hiện sau năm 2020.

Việc chọn chợ Bến Thành và chợ đầu mối Hóc Môn làm hai nơi thí điểm mô hình chợ đảm bảo an toàn thực phẩm được dựa trên các tiêu chí: Nguồn thực phẩm kinh doanh ở chợ, điều kiện người trực tiếp kinh doanh, cơ sở vật chất kỹ thuật đảm bảo cũng như hoạt động kiểm tra phải chặt chẽ.

Ngoài ra, chợ Bến Thành có vị trí đắc địa, nằm ở trung tâm thành phố là biểu tượng đặc trưng của chợ truyền thống và là chợ loại 1 trong quy hoạch. Đây cũng là nơi luôn đông đúc du khách tham quan và người mua sắm với trên 10.000 lượt khách đến tham quan và mua sắm mỗi ngày.

Chợ Hóc Môn lại là nơi cung cấp lượng thịt heo lớn nhất thành phố chiếm 50-55% thị phần. Cơ sở vật chất của chợ khá tốt khi có các khu nhà lồng chuyên kinh doanh thịt heo.

Ông Lê Văn Tiển, Phó Giám đốc Công ty Quản lý chợ đầu mối Hóc Môn, cho rằng chợ đã thực hiện trên 90% các tiêu chí đối với ngành thịt heo. Cụ thể, 100% thương nhân khu thịt đã có chứng nhận đủ kiến thức an toàn thực phẩm, 100% hộ kinh doanh được cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm, 100% thương nhân chính khám sức khỏe định kỳ đúng quy định, cơ sở vật chất quầy sạp vững chắc, bảo đảm phù hợp với tính chất, quy chuẩn về kinh doanh ngành hàng thực phẩm. Về kinh doanh, thịt heo tươi khi nhập chợ được vận chuyển bằng xe bảo ôn chuyên dụng, có vòng niêm phong, vòng thông tin truy xuất nguồn gốc.

Nhìn lại ngành thực phẩm nước ta, vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm vẫn luôn là vấn đề nhức nhối từ trước đến nay. Không biết đã có bao nhiêu số lượng thịt heo bẩn được tiêu thụ và gây ra những hậu quả xấu về sức khỏe người dân. Việc thực hiện thí điểm mô hình chợ đảm bảo an toàn thực phẩm là một sự tiến bộ đáng mừng của ngành thực phẩm nói riêng.

Bà Phạm Khánh Phong Lan, Trưởng Ban Quản lý An toàn thực phẩm TP.HCM, ủng hộ dự án và cho rằng sẽ phối hợp thực hiện các nội dung được phân công. Hiện việc quản lý an toàn thực phẩm tại các chợ, ban vẫn đang thực hiện, như rà soát điều kiện kinh doanh để cấp giấy đủ điều kiện an toàn thực phẩm, tập huấn kiến thức an toàn thực phẩm, khám sức khỏe cho người kinh doanh, kiểm tra nguồn hàng.

Tuy nhiên bà Lan cũng nhìn nhận: "Thực tế ghi nhận điều kiện kinh doanh tại chợ còn kém nên cần thực hiện những dự án thí điểm như dự án của TP để nâng cấp, cải thiện. Tôi cho rằng bản thân chợ, tiểu thương tại chợ cũng phải tự đầu tư nâng cấp, kiểm soát nguồn thực phẩm để bảo đảm an toàn cho người tiêu dùng. Gần đây, kênh phân phối hiện đại phát triển mạnh, điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm tốt hơn. Do đó, nếu kênh phân phối truyền thống không thay đổi sẽ mất khách".

 Ngô Bảo Châm

Theo NTD

largeer