Thế giới chậm lại khi kinh tế Trung Quốc giảm tăng trưởng?
Tỷ lệ tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc sẽ giảm còn 1,7% trong những năm 2030 nếu không cải cách và giải quyết sự phân bổ nguồn lực bất hợp lý. Bản báo cáo do Ngân hàng Thế giới (WB) và chính phủ Trung Quốc công bố tuần rồi khuyến cáo. Kinh tế thế giới cũng phát triển chậm lại vì sự trì trệ này.
“Sau gần 40 năm phát triển nhanh chóng, nền kinh tế Trung Quốc đã bước vào giai đoạn mới với tỷ lệ tăng trưởng thấp hơn” - dòng mở đầu của bản báo cáo mang tên “Innovative China” viết.
Động lực tăng trưởng cạn
Ghi nhận tình trạng các động cơ tăng trưởng trước đây của kinh tế Trung Quốc mất hết động lực, báo cáo “Trung Quốc đổi mới” cho rằng Trung Quốc không thể tiếp tục dựa trên lực lượng lao động ngày càng tăng, mở rộng hoạt động sản xuất, nguồn dân di cư từ nông thôn ra thành thị, tăng cường xuất khẩu và mở cửa cho nguồn vốn nước ngoài.
Thay vào đó, Trung Quốc cần tập trung vào “sự tăng trưởng năng suất liên tục”. Các tác giả báo cáo khuyến cáo rằng hệ quả của việc không thể đáp ứng các yêu cầu mới của thực tại sẽ vô cùng nghiêm trọng.
Tỷ lệ tăng trưởng tổng sản phẩm trong nước (GDP) vốn đạt 6,6% trong năm 2018 sẽ giảm còn 4% trong những năm 2020 và 1,7% trong những năm 2030 nếu cải cách được thực hiện rất khiêm tốn, ít ỏi.
Nểu cải cách mạnh mẽ hơn, tỷ lệ tăng trưởng hằng năm có thể đạt 5,1% trong những năm 2020 và 2,9% trong những năm 2030. Với chính sách cải cách táo bạo hơn, tỷ lệ tăng trưởng đạt trung bình 5,1% trong những năm 2020 và 4,1% trong những năm 2030. Tỷ lệ này đã được giảm so với dự báo năm 2012 của WB: Trường hợp khả quan nhất tỷ lệ tăng trưởng của Trung Quốc có thể đạt 5,9% trong giai đoạn 2021-2025 và 5% trong giai đoạn 2026-2030.
Năng suất chỉ bằng 50% các nước phát triển
Theo Nikkei Asian Review, bản báo cáo mới cũng ghi nhận hiệu suất của nền kinh tế Trung Quốc - được đo bằng việc sử dụng hiệu quả nguồn vốn và lực lượng lao động - chỉ bằng một nửa so với các nước phát triển. Tăng trưởng trong lĩnh vực này đã giảm sau khủng hoảng kinh tế toàn cầu cách đây một thập niên.
Để tăng năng suất, bản báo cáo đề nghị “cải cách thị trường tài chính, lao động và đất đai”.
Báo cáo còn gợi ý Trung Quốc nên cải tổ hệ thống quản lý hộ khẩu vốn dùng để hạn chế người di cư đến các thành phố lớn sử dụng dịch vụ công. Các nhà nghiên cứu cũng nói rằng cần “bảo đảm cạnh tranh công bằng” giữa doanh nghiệp nhà nước và khu vực tư nhân. Không chỉ khuyến khích sáng tạo, Trung Quốc cần đẩy mạnh áp dụng công nghệ tiên tiến trong phát triển kinh tế.
Báo cáo lần này là kết quả của chương trình hợp tác nghiên cứu trong hai năm giữa WB và Trung tâm Nghiên cứu Phát triển thuộc Quốc vụ viện Trung Quốc. Đây cũng là phần tiếp theo của bản báo cáo “China 2030” công bố năm 2012.
Nhấn mạnh rằng nguồn lực công chỉ dành cho “hàng hóa và dịch vụ công” như chi tiêu quốc phòng và xã hội, bản báo cáo năm 2012 từng đề nghị Trung Quốc nên thu hẹp khu vực nhà nước bằng các bước như giảm dần cổ phần của chính phủ.
Ngược lại, trong báo cáo mới nhất của WB thì cho rằng các công ty nhà nước là “cốt lõi của việc cùng tồn tại giữa nhà nước và thị trường”, “sẽ giữ vai trò quan trọng trong nền kinh tế Trung Quốc”.
Một trong các tác giả của bản báo cáo nhận định rằng thật khó để bàn đến vấn đề thu hẹp khu vực nhà nước khi lãnh đạo Trung Quốc nhắc đi nhắc lại rằng mục tiêu chính là thúc đẩy nguồn vốn nhà nước “mạnh mẽ hơn, nhiều hơn và hiệu quả hơn”.
Cả thế giới sẽ chậm lại
Bên cạnh WB, JPMorgan cũng đưa ra dự báo tăng trường của Trung Quốc sẽ giảm còn 5,8% trong năm tới và giảm còn khoảng 4,5% trước năm 2030. Tuần trước, bà Joyce Chang - người đứng đầu nghiên cứu toàn cầu của JPMorgan - phát biểu rằng: “Chúng tôi cho rằng trong 10 năm tới, tăng trưởng của Trung Quốc sẽ giảm còn 4,5%”. Bà cũng nói rằng đây là dự báo lạc quan.
“Khi Trung Quốc tăng trưởng chậm lại, phần còn lại của thế giới cũng chậm theo, đặc biệt ở các thị trường mới nổi” - bà Chang nhận định. Bà dự đoán rằng mỗi phần trăm sụt giảm của nền kinh tế Trung Quốc sẽ lấy đi hơn 1 điểm tăng trưởng của khu vực Mỹ Latin, 0,6 điểm của châu Âu và 0,2 điểm của Hoa Kỳ.
Về khả năng “Nhật Bản hóa nền kinh tê Trung Quốc” khi nguồn vốn từ Nhật Bản đổ vào quá nhiều, bà Chang tỏ ra lo ngại về tỷ lệ nợ và khó khăn trong việc thực hiện các gói kích thích nền kinh tế. Hơn nữa, “chúng tôi không nhận ra bất cứ dấu hiệu nào cho thấy các kế hoạch kích thích nền kinh tế thật sự hiệu quả” - bà nhận định.
Phan Huấn - Ricky hồ
-
ADB tăng hạn mức tài trợ thương mại cho Eximbank lên 115 triệu USD
-
Eximbank giới thiệu giải pháp tài chính thông minh khi mua xe ô tô
-
Dòng tiền FDI chuyển hướng sang dự án khu công nghiệp, văn phòng
-
Gửi tiết kiệm kỳ hạn này, lãi cao bất ngờ
-
Eximbank bị kiểm tra, giám sát chặt chẽ hoạt động cấp tín dụng
-
Giá vàng biến động khó lường