Kinh tế thế giới ảm đạm bởi cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung Quốc
Không còn là những lời cảnh báo, chỉ trích bình thường, cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung giờ “nóng” đến mức hai bên không hề e ngại khi tung ra những lời lẽ đe dọa nhằm vào nhau.
Tuyên bố với các phóng viên tại Nhà Trắng, Tổng thống Mỹ Donald Trump cáo buộc “Trung Quốc đã xé toạc nước Mỹ trong 25 năm, thậm chí lâu hơn thế”. Chính vì thế, ông cho rằng “đã đến lúc phải làm dù mọi chuyện có lợi hay gây hại cho đất nước trong thời gian ngắn” và ông chính là “người được định mệnh an bài” để đấu với Trung Quốc về thương mại.
Trên Twitter, ông Donald Trump khẳng định sẽ nâng thuế từ 25% lên 30% nhằm vào số hàng hóa trị giá 250 tỷ USD của Trung Quốc từ ngày 1-10 tới. Bên cạnh đó, Mỹ cũng sẽ nâng mức thuế từ 10% lên 15% nhằm vào số hàng hóa Trung Quốc trị giá 300 tỷ USD từ ngày 1-9. Ông Donald Trump cũng kêu gọi các doanh nghiệp Mỹ dừng các hoạt động sản xuất tại Trung Quốc để chuyển về nước hoặc tính sang các phương án khác.
Bắc Kinh cũng tỏ ra chẳng vừa. Bộ Thương mại Trung Quốc ngay lập tức ra tuyên bố phản đối mạnh mẽ quyết định của Mỹ, coi việc tăng thuế với số hàng hóa xuất khẩu Trung Quốc trị giá 550 tỷ USD là “hành động sai lầm”, đồng thời cảnh báo các hậu quả mà Washington sẽ phải gánh chịu.
Không những thế, những bất đồng về chính sách kinh tế, tiền tệ hay công nghệ giữa Mỹ và Trung Quốc giờ chuyển thành cuộc “so găng” tay đôi, mang tính cá nhân và giữ thể diện giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Trước đây, ông Donad Trump thường nhắc đến ông Tập là “người bạn của tôi”, đồng thời ca ngợi mối quan hệ cá nhân với ông Tập là “rất bền vững”. Nhưng nay tình thân đó đã không còn, khi ông Donald Trump ám chỉ ông Tập là “địch thủ”. Tất cả những điều đó cho thấy mối quan hệ giữa Tổng thống Mỹ với Chủ tịch Trung Quốc đang ở mức vô cùng thấp.
Trong bối cảnh cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung đang rơi vào vòng xoáy vượt khỏi tầm kiểm soát, kinh tế toàn cầu bị đe dọa nghiêm trọng. Phát biểu tại buổi họp báo trong khuôn khổ Hội nghị G7 vừa diễn ra ở Biarritz, Pháp, Chủ tịch Hội đồng EU Donald Tusk cảnh báo rằng, căng thẳng thương mại giữa Mỹ với Trung Quốc có thể khiến thế giới rơi vào suy thoái.
Đi vào các con số cụ thể, một báo cáo của Bloomberg Economics ước tính bất ổn về thương mại có thể hạ thấp tổng sản phẩm quốc nội (GDP) toàn cầu tới 0,6% trong năm 2021 so với viễn cảnh không thương chiến. Theo ước tính của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), tỷ lệ này tương đương với 585 tỷ USD bị cắt bớt khỏi 97 nghìn tỷ USD của GDP thế giới.
Hiện tại, 9 nền kinh tế lớn, trong đó có Anh, Đức, Nga, Singapore và Brazil, đang tiến đến bờ vực suy thoái. Các chuyên gia lo ngại Mỹ cũng sẽ sớm theo đà này. 34% số các chuyên gia kinh tế mà Hiệp hội Kinh tế thương mại quốc gia hỏi ý kiến cho rằng kinh tế Mỹ đang chậm lại và sẽ trượt vào suy thoái năm 2021.
Trên thực tế, những tín hiệu của cơn suy thoái với Mỹ cũng đã xuất hiện, khi thị trường chứng khoán Mỹ lao dốc trong phiên giao dịch ngày 23-8 trước tác động tâm lý từ những đòn trả đũa thuế quan giữa Mỹ và Trung Quốc. Chốt phiên giao dịch, chỉ số công nghiệp Dow Jones giảm 600 điểm, tương đương 2,4%, xuống còn 25.629,90 điểm. Trong khi đó, chỉ số S&P 500 giảm 2,6% xuống còn 2.847,11 điểm, chỉ số công nghệ Nasdaq giảm 3% xuống còn 7.751,11 điểm.
Về phía Trung Quốc, cuộc thương chiến thực sự là đòn giáng lên kinh tế nước này mà bằng chứng là tốc độ tăng trưởng của sản lượng công nghiệp Trung Quốc xuống thấp nhất trong 17 năm qua. Theo các nhà phân tích, thiệt hại của Trung Quốc sẽ lớn hơn Mỹ. Trong khi sản lượng kinh tế Mỹ dự kiến giảm 0,6%, thì GDP của Trung Quốc dự kiến thu nhỏ 1%.
Trước mắt, Trung Quốc không còn mặt hàng nhập khẩu nào từ Mỹ để đánh thuế nữa. Còn về lâu dài, có những lời cảnh báo rằng, Trung Quốc đang phải chống đỡ toàn bộ gánh nặng bằng cách giảm giá, hạ giá trị đồng nội tệ, và theo cách này họ đang làm mất chuỗi cung ứng cho toàn thế giới và để chuỗi này rơi trở lại vào tay Mỹ.
Không biết mọi chuyện sẽ đi đến đâu nhưng các vụ “ăn miếng trả miếng giữa” Mỹ và Trung Quốc đang đe dọa viễn cảnh nền kinh tế thế giới.
Hoàng Sơn
-
ADB tăng hạn mức tài trợ thương mại cho Eximbank lên 115 triệu USD
-
Eximbank giới thiệu giải pháp tài chính thông minh khi mua xe ô tô
-
Dòng tiền FDI chuyển hướng sang dự án khu công nghiệp, văn phòng
-
Gửi tiết kiệm kỳ hạn này, lãi cao bất ngờ
-
Eximbank bị kiểm tra, giám sát chặt chẽ hoạt động cấp tín dụng
-
Giá vàng biến động khó lường