Thâu tóm Metro, Big C... tỷ phú Thái vẫn không làm chủ được thị trường bán lẻ Việt

Thứ tư, 10/10/2018, 20:27 PM

Mặc dù chi tiền tấn để thâu tóm hàng loạt ông lớn như Big C, Metro...nhưng cho đến thời điểm này, tỷ phú Thái chẳng những không thể làm chủ được thị trường bán lẻ Việt mà thậm chí còn thua lỗ nặng. Thị trường bán lẻ đang dần về tay doanh nghiệp trong nước.

Metro Việt Nam trước khi bị thâu tóm và đổi tên.

Metro Việt Nam trước khi bị thâu tóm và đổi tên.

Ồn ào thâu tóm

Sức hấp dẫn của thị trường bán lẻ Việt Nam đã lộ diện từ hàng chục năm trước. Nhiều ông lớn thế giới như Metro, Big C nhanh chóng đặt chân tới Việt Nam với những trung tâm mua sắm chưa từng có. Trong khi Big C lựa chọn phân phối trực tiếp tới người tiêu dùng thì Metro lại bán buôn.

Với lợi thế giá rẻ, dù Metro “hạn chế” người tiêu dùng bằng cách chỉ tiếp khách có thẻ thành viên nhưng siêu thị của Metro ở Phạm Văn Đồng (Hà Nội) luôn chật kín bất kể ngày hay đêm. Tình trạng tấp nập diễn ra tương tự ở Big C.

Cách đây gần 10 năm, dù thị trường có sự hiện diện của Fivimart, Lottemart, Citimart… nhưng Big C và Metro vẫn là 2 địa điểm được người tiêu dùng lựa chọn nhiều nhất. Với nhiều gia đình trẻ, Big C và Metro không chỉ là nơi mua sắm mà còn là địa điểm vui chơi, thư giãn mỗi cuối tuần.

Nhìn thấy rõ vị thế của Metro và Big C, các tỷ phú Thái nhanh chóng thâu tóm những “anh cả” ngành bán lẻ Việt. Cơ hội đã đến khi vào cuối năm 2015, Tập đoàn Casino rao bán Big C Việt Nam. Ngay lập tức, nhiều tỷ phú Thái và cả doanh nghiệp Việt như Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại TP.HCM (Saigon Co.op) tham gia “cuộc chiến” thâu tóm.

Sau bao tranh cãi, cuối cùng, thương vụ mua lại hệ thống Big C đã kết thúc. Central Group của tỷ phú Thái Lan Charoen Sirivadhanabhakdi giành thắng lợi với mức giá 920 triệu EUR (tương đương 1,05 tỷ USD).

Trước đó, hồi đầu năm 2015, Power Buy, đơn vị thành viên của Central Group đã nhanh chân mua 49% cổ phần của siêu thị điện máy Nguyễn Kim. Trước khi thâu tóm các doanh nghiệp bán lẻ trên thị trường Việt, gia tộc giàu nhất Thái Lan đã kịp đưa hệ thống Robins tới Hà Nội và TP.HCM.

Metro cũng không thoát khỏi tầm ngắm của tỷ phú Thái Lan. Ngày 7/1/2016, Tập đoàn bán lẻ Metro AG của Đức đã có thông báo hoàn tất bán Công ty Metro Cash & Carry Việt Nam cho Tập đoàn TCC Holdings của Thái Lan. Thương vụ này trị giá giá 655 triệu EUR.

Big C không còn giữ được vị thế “đồng anh cả” cùng Metro.

Big C không còn giữ được vị thế “đồng anh cả” cùng Metro.

Ồn ào xuống dốc

Vừa tự xây dựng các chuỗi bán lẻ cho riêng mình, vừa chi tiền tấn thâu tóm những “anh cả” của ngành, chắc hẳn, mục tiêu của tỷ phú Thái Lan chính là làm chủ thị trường bán lẻ Việt Nam. Thế nhưng, mọi việc lại không đơn giản như suy tính của cả TCC Holdings và Central Group.

Sau 2 năm Big C Việt Nam và Metro Việt Nam đổi chủ (Metro thậm chí còn đổi tên và chẳng mấy ai nhớ nổi tên mới của Metro là MM Mega Market) thì 2 đại siêu thị này đua nhau xuống dốc. Trong khi Big C sụt giảm cả doanh thu và lợi nhuận, Metro lại ngập trong thua lỗ.

Các báo cáo cho thấy, đa số siêu thị trong chuỗi của Big C đều kinh doanh sụt giảm. Trong đó, đáng kể nhất là Big C Thăng Long - chuỗi siêu thị lớn nhất của hệ thống Big C. Trong 2 năm gần đây, doanh thu của Big C Thăng Long chỉ đạt 2.700 tỷ đồng, giảm mạnh so với mức “đỉnh” 3.500 tỷ đồng được lập hồi năm 2012.

Cùng với sự sụt giảm doanh thu, lợi nhuận của Big C Thăng Long cũng giảm mạnh từ 211 tỷ đồng năm 2015 xuống còn 131 tỷ đồng năm 2016. Sang năm 2017, chỉ tiêu này đã lấy lại được đà tăng khi đạt 193 tỷ đồng nhưng vẫn thấp hơn so với năm 2015.

Trong khi đó, Metro thậm chí còn bết bát hơn. Trước khi về tay người Thái Lan, Metro đã dính nghi án chuyển giá, trốn thuế vì thua lỗ triền miên. Vì vậy, Metro được kỳ vọng sẽ đổi vận nếu “đổi quốc tịch” sang Thái Lan. Thế nhưng, Metro ngày càng xuống dốc.

Cuối năm 2016, doanh thu của Metro chỉ đạt 11.700 tỷ đồng, giảm 20% so với thời điểm trước khi được chuyển giao. Trong năm 2016, MM Mega Market (tên mới của Metro) báo lỗ 110 tỷ đồng, tương đương mức lỗ hàng năm của Metro trong giai đoạn trước đó.

Vinmart phủ kín thị trường bằng siêu thị Vinmart…

Vinmart phủ kín thị trường bằng siêu thị Vinmart…

Thị trường thuộc về Vinmart

Metro, Big C - “những cánh chim đầu đàn” từng được kỳ vọng sẽ thâu tóm thị trường bán lẻ Việt Nam đang ngày càng đuối sức trước các chuỗi sinh sau đẻ muộn như AEON, Vinmart, Lottemart… Chỉ sau 3 năm hoạt động, AEON đã thoát lỗ, nhanh chóng tìm kiếm được lợi nhuận. Trong năm 2017, AEON đạt doanh thu 5.136 tỷ đồng, tăng 32%, lợi nhuận trước thuế đạt 234 tỷ đồng, gấp 4,3 lần năm trước đó.

AEON đã có bước tiến rất lớn thế nhưng những thành tựu vượt trội trên thị trường bán lẻ lại thuộc về Vinmart. Vinmart chọn mô hình tương đối giống AEON. Đó là kết hợp giữa các siêu thị lớn và cửa hàng tiện ích. Nếu AEON có các trung tâm mua sắm lớn và hệ thống Ministop mua lại từ Trung Nguyên thì Vingroup tự mình phát triển các siêu thị Vinmart lớn và cửa hàng tiện ích Vinmart+.

Hiện tại, chẳng có hệ thống bán lẻ nào có sự hiện diện rộng lớn như Vinmart+. Tổng số cửa hàng tiện ích Vinmart+ đang sắp tiến tới con số 1.000. Chỉ ở 1 khu phố, có thể có tới 3-4 cửa hàng Vinmart+. Vinmart+ không những cạnh tranh với các siêu thị mà còn cạnh tranh với các chợ cóc, chợ tạm.

Chưa có con số thống kê chính xác nhưng dựa vào hệ thống rộng khắp của Vinmart+ như vậy, có thể thấy Vinmart đóng góp doanh thu và lợi nhuận không nhỏ cho CTCP Vincom Retail. Hiện tại, cổ phiếu VRE của Vincom Retail đang niêm yết tại Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HOSE) với mức vốn hóa thị trường gần đạt 77.000 tỷ đồng.

BẢO LINH

Theo NTD