Thị trường xuất khẩu gạo "mở" thế nào sau Nghị định mới?

Chủ nhật, 07/10/2018, 11:54 AM

Việt Nam trở thành một trong những cường quốc xuất khẩu như hôm nay có sự đóng góp không nhỏ của Nghị định 109/2011/NĐ-CP về điều kiện kinh doanh, xuất khẩu gạo của Chính phủ. Tuy nhiên, kể từ ngày 1/10/2018, Nghị định 109/CP sẽ được thay thế bằng Nghị định 107/2018/NĐ-CP, sẽ tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho kinh doanh, xuất khẩu gạo của Việt Nam.

Cộng đồng doanh nghiệp xuất khẩu gạo vui mừng đón nhận Nghị định 107/CP vì nó tạo ra nhiều điều kiện thông thoáng hơn cho doanh nghiệp.

Cộng đồng doanh nghiệp xuất khẩu gạo vui mừng đón nhận Nghị định 107/CP vì nó tạo ra nhiều điều kiện thông thoáng hơn cho doanh nghiệp.

Nghị định 107/CP sẽ nới lỏng các điều kiện kinh doanh, xuất khẩu gạo so với Nghị định 109/CP trước đây, mở rộng và tạo điều kiện cho nhiều doanh nghiệp tham gia xuất khẩu gạo nên được nhiều người quan tâm đón nhận, và kỳ vọng nó sẽ là "làn gió" mới thúc đẩy ngành gạo xuất khẩu của Việt Nam phát triển mạnh mẽ hơn, ngay cả với người nông dân, các hợp tác xã hay doanh nghiệp.

"Mua có bạn bán có phường"

Ông Đỗ Hà Nam, Chủ tịch Intimex Group cho biết, cộng đồng doanh nghiệp xuất khẩu gạo rất vui khi đón nhận Nghị định 107/CP vì nó tạo ra nhiều điều kiện thông thoáng hơn cho doanh nghiệp. Tuy nhiên, nếu chỉ có Nghị định 107/CP thôi thì chưa đủ, mà muốn xuất khẩu thành công trước hết doanh nghiệp phải có tính chuyên nghiệp và tạo được uy tín trên thị trường thế giới; phải có hệ thống khách hàng thường xuyên. 

Nghị định 107/CP có hiệu lực sẽ giúp cho lĩnh vực xuất khẩu gạo được mở rộng hơn. Song, trong thương trường không đơn giản như chúng ta nghĩ, dù nhiều điều kiện kinh doanh được nới lỏng nhưng do tính chất của kinh doanh xuất khẩu gạo là "mua có bạn bán có phường" nên các doanh nghiệp xuất khẩu gạo phải có sự liên kết để tạo thành sức mạnh cạnh tranh. 

Thứ hai, sản xuất lúa gạo của Việt Nam phải theo hướng an toàn vệ sinh thực phẩm, nếu người tiêu dùng trong nước và nước ngoài tin tưởng vào sản phẩm họ sẽ mua. Thứ ba, xuất khẩu gạo cũng có độ rủi ro cao, về mặt tâm lý từ khi ngân hàng cho vay tiền cho đến lúc giao hàng cho người mua có rất nhiều vấn đề xảy ra cần phải xử lý.

Vẫn theo ông Hà, trong điều kiện còn nhiều khó khăn, Chính phủ nới lỏng được như vậy là tốt nhưng hoạt động kinh doanh, xuất khẩu gạo trong cơ chế thị trường thì chỉ những doanh nghiệp nào làm ăn đàng hoàng, bài bản thì sẽ tồn tại, còn với những doanh nghiệp "ăn xổi ở thì" sẽ bị chính thị trường đào thải.

Chấm dứt vai trò lịch sử của Nghị định 109/CP

Ông Nguyễn Ngọc Nam, Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), Tổng Giám đốc Tổng công ty cổ phần lương thực miền Nam cho biết, theo Nghị định 109/CP trước đây, khi doanh nghiệp ký hợp đồng phải đăng ký qua VFA, nhưng kể từ ngày 1/10/2018, khi Nghị định 107/CP có hiệu lực và thay thế Nghị định 109/CP thì doanh nghiệp không còn phải đăng ký hợp đồng qua VFA nữa.

"Từ sau ngày 1/10, các hợp đồng xuất khẩu gạo sẽ không có ai quản lý vì không cần đăng ký với VFA hay với Bộ Công Thương, doanh nghiệp chỉ cần làm tờ khai hải quan. Đến cuối tháng, các doanh nghiệp đầu mối xuất khẩu gạo có trách nhiệm báo cáo với Bộ Công Thương số lượng đã thực hiện, số lượng ký kết hợp đồng. Như vậy, Nghị định 107/CP đã tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp tự do kinh doanh xuất khẩu gạo", ông Nam chia sẻ.

Với độ "mở" của Nghị định 107/CP, người nông dân, hợp tác xã hay doanh nghiệp chỉ cần có vùng nguyên liệu vài chục ha và đầu tư vào đó giống lúa thơm, lúa chất lượng cao hay một giống lúa nào đó và tạo ra một sản phẩm riêng, có thể đóng bao và xuất khẩu cho các nhà bán lẻ ở các thị trường nước ngoài mà không cần giấy phép, không cần đăng ký kinh doanh. Như vậy, Nghị định 107/CP tạo điều kiện cho người sản xuất tự xuất khẩu sản phẩm của mình khi có đầu mối tiêu thụ.

Nếu nhìn giai đoạn năm 2010 trở về trước, khi đó có quá nhiều doanh nghiệp kinh doanh, xuất khẩu gạo; có những doanh nghiệp chỉ xuất khẩu ½ container gạo hoặc 500kg gạo cũng gọi là doanh nghiệp xuất khẩu gạo; cùng với đó là tình trạng tranh mua, tranh bán, ép giá nông dân. Tình trạng này kéo dài trong nhiều năm liền; và để lập lại trật tự trong ngành gạo, năm 2011, Bộ Công Thương đã kiến nghị Chính phủ ban hành Nghị định 109/CP.

Nghị định 109/CP ra đời đã góp phần ổn định giá lúa gạo nội địa, không còn cảnh tranh mua, tranh bán giữa các doanh nghiệp. Tuy nhiên, đến giai đoạn hiện nay, khi ngành lúa gạo của Việt Nam đã lớn mạnh thì vai trò lịch sử của Nghị định 109/CP cũng đã kết thúc; và việc thay thế nghị định này bằng Nghị định 107/CP mới đây là điều hoàn toàn cần thiết.

Nguyễn Huyền

Theo TBKTVN