Thắp sáng tương lai với dự án Giáo dục văn hóa nghệ thuật trong thời đại số
Lễ tổng kết dự án “Giáo dục văn hóa nghệ thuật trong thời đại số” tổ chức tại Trung tâm Văn hóa Hàn Quốc bao gồm việc báo cáo kết quả thực hiện dự án và trưng bày những tác phẩm nghệ thuật thị giác của các học sinh Lào Cai.
Dự án do Viện Phát triển Giáo dục văn hóa nghệ thuật của Hàn Quốc hỗ trợ, được tiến hành trong khoảng 10 ngày trực tiếp tại địa phương. Các giáo viên Hàn Quốc đã sang Việt Nam hướng dẫn, giúp cho các bạn học sinh Lào Cai có cơ hội tiếp cận về công nghệ để thực hành. Sau đó trong khoảng 1 tháng tiếp theo sẽ tiến hành đào tạo từ xa thông qua video call nhằm hỗ trợ các bạn có thể tìm hiểu, làm bài kĩ hơn.
Với những tác phẩm nghệ thuật này, triển lãm muốn giới thiệu đến công chúng về “Trí tuệ nhân tạo”. Khu trải nghiệm giảng dạy văn hóa bằng công nghệ kỹ thuật số bao gồm 3 phần: Thứ nhất là giới thiệu các phần mềm làm nhạc đơn giản và dễ sử dụng dựa trên công nghệ trí tuệ nhân tạo. Tiếp đó là vẽ tranh “ảo trong thật” bằng cách sử dụng phần mềm Quiver Masks chụp ảnh để tạo nên các hình ảnh giống thực tế. Cuối cùng là khu giới thiêu về kính VR bằng giấy do Google tài trợ, khi cho điện thoại có chứa những video vào chiếc kính thì sẽ cảm thấy những điều trong video đó như đang hiện hữu trước mắt.
Khi các giáo viên Hàn Quốc được giới thiệu đến giảng dạy tại một trường không chuyên ở Lào Cai, đa số họ đều lo lắng vì có thể các học sinh tại đây không quá chuyên tâm tới việc học. Tuy nhiên, kết quả thu được lại rất đáng mừng bởi các học sinh đều tích cực đón nhận những gì được truyền dạy, và có thể tự sáng tác những tác phẩm về thiết kế công nghiệp hoặc mỹ thuật.
Chia sẻ về ý nghĩa của dự án này, ông Park IlJun – Chủ tịch Center for Digital Literacy (CDL) nói: “Không phải chỉ ở riêng Việt Nam mà bất kì đất nước nào trên thế giới, khi nói về những người làm công tác văn hóa nghệ thuật thì luôn luôn khó khăn về mặt kinh tế, bởi vì đó không phải là việc có thể kiếm ra được nhiều tiền. Tuy nhiên, thông qua dự án lần này chúng tôi có thể tạo ra được một tư tưởng hướng nghiệp mới cho các em học sinh. Từ các tác phẩm mỹ thuật thuần túy và mỹ thuật ứng dụng có thể tạo ra những sản phẩm thiết yếu cho đời sống. Từ các kiến thức văn hóa nghệ thuật các em học được có thể tạo ra những giá trị về kinh tế trong xã hội.
Điều này giúp cho người ta có thể cải thiện được những định kiến cũng như các suy nghĩ về định hướng nghề nghiệp văn hóa nghệ thuật. Ngay cả những tác phẩm nghệ thuật của các em học sinh đã được rất nhiều người Hàn Quốc quan tâm và hỏi mua. Điều đó chứng tỏ đây hoàn toàn là một ngành giáo dục đào tạo có giá trị trong tương lai”.
Khi được hỏi về cảm xúc khi tham gia dự án, em Bùi Thị Minh Hạnh (học sinh Trung tâm Kỹ thuật tổng hợp – hướng nghiệp dạy nghề và giáo dục thường xuyên tỉnh Lào Cai) chia sẻ: “Em cảm thấy rất vui bởi thực sự những công nghệ này chưa phổ biến tại Việt Nam. Dự án giúp chúng em biết được thêm nhiều điều, trải nghiệm được thêm nhiều thứ mới, từ đó muốn tìm hiểu nhiều hơn trong thời đại công nghệ số này”.
Ngân Hà - Minh Hằng
-
Thông tư của Bộ Y tế quy định về sản phẩm sữa, thực phẩm chức năng cho trẻ dưới 6 tuổi phải kê khai giá
-
Bộ TT&TT đẩy mạnh định danh cuộc gọi để ngăn ngừa lừa đảo trên không gian mạng
-
Xử phạt Công ty Cổ phần ShopeePay 25 triệu đồng
-
Vì sao ngành chăm sóc sắc đẹp thu hút học sinh?
-
Giá vàng hôm nay, 12-11: Tiếp tục “bốc hơi” dữ dội
-
Bão Toraji giật cấp 12 vào Biển Đông, trở thành bão số 8