Tham gia BHYT, quyền lợi của học sinh, sinh viên ra sao?
Bảo hiểm xã hội Việt Nam (BHXH VN) vừa ban hành hướng dẫn thực hiện chính sách BHYT dành cho HS-SV trong năm 2018-2019.
Ngoài quy định mức và phương thức đóng, BHXH VN cũng quy định phạm vi quyền lợi hưởng chế độ khám chữa bệnh theo thẻ BHYT cho HS-SV.
HS, SV được hỗ trợ 30% phí đóng BHYT
Theo quy định của BHXH VN, HS-SV đang theo học tại các cơ sở giáo dục, nhà trường, trừ trường hợp đã tham gia BHYT theo các nhóm đối tượng khác, mức đóng BHYT bằng 4,5% mức lương cơ sở; Trong đó, ngân sách Nhà nước hỗ trợ 30% mức đóng, đối tượng đóng 70% còn lại. Định kỳ 3 tháng, 6 tháng hoặc 12 tháng, HS-SV đóng phí BHYT tại cơ sở giáo dục, nhà trường đang theo học.
Về phạm vi quyền lợi hưởng, HS-SV được chăm sóc sức khỏe ban đầu tại trường (sơ cấp cứu, xử trí ban đầu khi bị tai nạn thương tích, các bệnh thông thường trong thời gian học tập); Được khám chữa bệnh trong trường hợp tự tử, tự gây thương tích; khám chữa bệnh tổn thương về thể chất, tinh thần do hành vi vi phạm pháp luật của người đó gây ra.
Ngoài ra, HS-SV được thanh toán chi phí vận chuyển người bệnh từ tuyến huyện lên tuyến trên đối với HS-SV có mã thẻ BT, HN, DT, DK, XD và TS trong trường hợp cấp cứu hoặc khi đang điều trị nội trú phải chuyển tuyến chuyên môn kỹ thuật; HS-SV còn được thanh toán thuốc, hóa chất, vật tư y tế, dịch vụ kỹ thuật y tế theo tỷ lệ, điều kiện thanh toán do Bộ trưởng Bộ Y tế quy định.
Cụ thể, mức hưởng khám chữa bệnh theo thẻ BHYT đúng thủ tục quy định: Mức 100% chi phí KCB BHYT đối với HS-SV có mã thẻ BHYT là: BT, HN, DT, DK, XD, TS; khám chữa bệnh tại tuyến xã; Tổng chi phí của một lần khám chữa bệnh thấp hơn 15% mức lương cơ sở (hiện nay là 208.500 đồng);
HS-SV còn được hưởng 100% chi phí trong trường hợp có thời gian tham gia BHYT 5 năm liên tục trở lên, đồng thời có số tiền cùng chi trả chi phí khám chữa bệnh trong năm lớn hơn 6 tháng lương cơ sở (8.340.000 đồng) thì được cơ quan BHXH cấp giấy chứng nhận không cùng chi trả trong năm.
Mức 95% chi phí khám chữa bệnh khi HS-SV có mã thẻ BHYT là: TC, CN;
Mức 80% chi phí khám chữa bệnh đối với mã thẻ: HS, SV, TA, TQ, TY, TV.
Trường hợp cấp cứu: HS-SV được khám chữa bệnh tại bất kì cơ sở khám chữa bệnh nào. Tuy nhiên, trường hợp khám chữa bệnh không đúng tuyến, HS-SV hưởng 40% chi phí điều trị nội trú tại bệnh viện tuyến T.Ư; 60% chi phí điều trị nội trú tại bệnh viện tuyến tỉnh đến ngày 31/12/2020; 100% chi phí điều trị nội trú từ ngày 1/1/2021 trở đi trong phạm vi cả nước; 100% chi phí điều trị nội, ngoại trú tại các bệnh viện tuyến huyện.
Trường hợp đi khám chữa bệnh không xuất trình đầy đủ thủ tục, HS-SV được quỹ BHYT thanh toán trực tiếp tại cơ quan BHXH trong phạm vi và mức hưởng theo quy định.
Ngoài ra, BHXH VN cũng quy định trường hợp, HS-SV đi khám chữa bệnh tại cơ sở không ký hợp đồng, mức thanh toán cho một đợt khám chữa bệnh cụ thể: Điều trị ngoại trú ở cơ sở tuyến huyện và tương đương, mức thanh toán tối là 60 nghìn đồng. Điều trị nội trú ở tuyến huyện và tương đương là 500 nghìn đồng/đợt, ở cơ sở y tế tuyến tỉnh và tương đương là 1,2 triệu đồng/đợt và ở tuyến T.Ư là 3,6 triệu đồng/đợt.
HS-SV đăng ký Khám chữa bệnh BHYT ban đầu nơi phù hợp
Theo quy định của BHXH VN, HS-SV được đăng ký khám chữa bệnh ban đầu tại các cơ sở y tế tuyến xã, huyện và tương đương không phân biệt địa giới hành chính, phù hợp với nơi học tập, cư trú và khả năng đáp ứng của cơ sở y tế.
HS-SV thường trú, tạm trú có thời hạn trên địa bàn quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh mà không có cơ sở khám chữa bệnh tuyến xã, huyện hoặc các cơ sở đó không đáp ứng được việc khám chữa bệnh ban đầu thì được đăng ký khám chữa bệnh ban đầu tại các cơ sở y tế tuyến tỉnh, T.Ư sau khi có văn bản của giám đốc BHXH và giám đốc Sở Y tế tỉnh..
BHXH VN cũng lưu ý, mỗi HS-SV tham gia BHYT được cấp một mã số BHXH; dùng mã số BHXH để làm thủ tục tham gia và hưởng BHYT. HS-SV tham gia BHYT 5 năm liên tục trở lên được hưởng quyền lợi BHYT cao hơn. Học sinh đủ 6 tuổi và có ngày sinh trước 30/9 của năm nhập học thì thu và cấp thẻ BHYT có giá trị từ ngày 1/10 của năm đó; có ngày sinh sau 30/9 của năm nhập học thì thu và cấp thẻ BHYT có giá trị sau tháng sinh nhật. Trường hợp tham gia BHYT lần đầu hoặc tham gia không liên tục từ 3 tháng trở lên thẻ BHYT có giá trị sử dụng sau 30 ngày kể từ ngày đóng BHYT.
Vũ Vũ
-
Quy định về thông báo thực hiện hoạt động khuyến mại từ ngày 01/12/2024
-
Thông tư của Bộ Y tế quy định về sản phẩm sữa, thực phẩm chức năng cho trẻ dưới 6 tuổi phải kê khai giá
-
Bộ TT&TT đẩy mạnh định danh cuộc gọi để ngăn ngừa lừa đảo trên không gian mạng
-
Xử phạt Công ty Cổ phần ShopeePay 25 triệu đồng
-
Vì sao ngành chăm sóc sắc đẹp thu hút học sinh?
-
Giá vàng hôm nay, 12-11: Tiếp tục “bốc hơi” dữ dội