Thách thức ô nhiễm từ chăn nuôi
Cả nước hiện có khoảng 12 triệu hộ chăn nuôi gần 400 triệu con gia súc, gia cầm. Tuy nhiên, có tới khoảng 40% chất thải chăn nuôi được xả thẳng ra môi trường mà không qua xử lý. Khoảng 60% còn lại dù đã được xử lý nhưng phần lớn chưa đạt quy chuẩn cho phép. Đây là những thách thức không nhỏ, gây ô nhiễm môi trường...
Chấp nhận sống cùng ô nhiễm
Ông Nguyễn Văn Thanh, chủ trang trại chăn nuôi lợn quy mô lớn ở huyện Ứng Hòa cho biết, được sự hỗ trợ của các sở Tài nguyên và Môi trường, NN&PTNT Hà Nội, gia đình đã xây dựng hệ thống xử lý chất thải chăn nuôi với kinh phí gần 30 tỷ đồng. Tương tự, trang trại chăn nuôi của Hợp tác xã Chăn nuôi Hoàng Long (huyện Thanh Oai) đầu tư hơn 10 tỷ đồng để xử lý chất thải chăn nuôi theo quy định. Tuy nhiên, đây chỉ là số ít trong hàng nghìn trang trại chăn nuôi trên địa bàn TP Hà Nội xây dựng được hệ thống xử lý đạt chuẩn, còn đa phần vẫn xả thải ra môi trường.
Ô nhiễm môi trường trong chăn nuôi lâu nay vẫn luôn là vấn đề nóng ở khu vực có tổng đàn vật nuôi lớn như: Phú Xuyên, Chương Mỹ, Ứng Hòa, Sóc Sơn… Thôn Bá Dương Nội, xã Hồng Hà, huyện Đan Phượng, từ lâu nổi tiếng với nghề làm đậu phụ và nấu rượu. Tại đây, đa số các hộ gia đình đều tận dụng nguyên liệu dư thừa trong sản xuất để chăn nuôi lợn. Do chăn nuôi trong khu dân cư nên chất thải xả chung với hệ thống thoát nước của thôn gây ô nhiễm. Ông Phạm Đình Ngọc, xã Hồng Hà cho biết, dù nhận thức được việc xả thải gây ô nhiễm môi trường nhưng vì chăn nuôi là nguồn thu quan trọng của gia đình nên đành chịu cảnh sống chung với ô nhiễm. Tương tự, gia đình ông Đặng Văn Mỳ, thôn Lưu Xá, xã Phú Túc (huyện Phú Xuyên) thường xuyên nuôi từ 30 đến 50 con lợn nhưng chỉ thu gom được phần chất thải rắn, còn chất thải lỏng đều xả chung với hệ thống thoát nước của xóm.
Tại Hội thảo “Quản lý bảo vệ môi trường chăn nuôi, xử lý chất thải chăn nuôi - thực trạng và giải pháp” do Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường tổ chức mới đây, nhiều ý kiến cho rằng, sự bùng nổ về số lượng trang trại chăn nuôi với quy mô đàn lớn, trong khi công tác kiểm soát ô nhiễm chưa đồng bộ đã dẫn đến tình trạng ô nhiễm môi trường gia tăng. Ông Hoàng Văn Thức, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) cho biết: Cả nước có khoảng 12 triệu hộ gia đình có hoạt động chăn nuôi và 23.500 trang trại chăn nuôi tập trung; có khoảng 40% chất thải không qua xử lý thải ra môi trường, còn lại được xử lý nhưng chưa đạt quy chuẩn cho phép. Tại TP Hà Nội, hiện chỉ có 14,3% trang trại thực hiện báo cáo đánh giá tác động môi trường và 3,2% chưa áp dụng các biện pháp xử lý chất thải.
Siết chặt quản lý
Trong khi ô nhiễm môi trường đang ngày càng nghiêm trọng thì các quy định pháp luật liên quan đến quản lý chất thải, nước thải từ hoạt động chăn nuôi còn thiếu và bất cập. Đơn cử, các tiêu chuẩn kỹ thuật mới chỉ được ban hành cho các công trình khí sinh học quy mô nhỏ mà chưa có tiêu chuẩn đối với trang trại tương ứng từ 200 đến 4.000 con lợn; chủ doanh nghiệp vẫn phải tự nghiên cứu và lắp đặt công trình...
Về quy định trong văn bản pháp luật là đối với các trang trại nuôi lợn, Sở NN&PTNT quản lý số lượng đàn, các quy định về quy mô trang trại theo số lượng đầu lợn (trang trại quy mô hơn 100 con lợn), trong khi Sở Tài nguyên và Môi trường quản lý theo quy mô trang trại. Theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường năm 2014, các trang trại có diện tích hơn 1.000m2 phải lập báo cáo đánh giá tác động môi trường và đề án bảo vệ môi trường chi tiết.
Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Huy Đăng cho rằng, ô nhiễm môi trường trong chăn nuôi có nguyên nhân do phát triển chăn nuôi chưa thực hiện đầy đủ các quy định về bảo vệ môi trường; các công trình xử lý chất thải ở trang trại không được đầu tư xây dựng đạt chuẩn trước khi đưa vào hoạt động... Đối với các hộ gia đình, hầu hết diện tích chật chội nên khó xây dựng được hệ thống xử lý chất thải. Trong khi đó, việc đầu tư hệ thống xử lý nước thải lại tốn kém nên nhiều hộ chăn nuôi nhỏ lẻ không mặn mà đầu tư. Do đó, cần sớm có luật về chăn nuôi theo hướng chăn nuôi là một ngành có điều kiện, người chăn nuôi phải bảo đảm môi trường dù là quy mô trang trại hay nông hộ. Nếu không đáp ứng được thì có chế tài xử phạt cũng như yêu cầu ngừng hoạt động.
Hiện, Chính phủ đã giao cho bộ, ngành có liên quan xây dựng dự án luật chăn nuôi và trồng trọt để trình Quốc hội cho ý kiến lần đầu trong kỳ họp tới vào tháng 5-2018. Nếu luật chăn nuôi được phê duyệt, đi vào cuộc sống sẽ góp phần quan trọng trong việc khắc phục ô nhiễm môi trường trong chăn nuôi.
Mai Thanh
-
Quy định về thông báo thực hiện hoạt động khuyến mại từ ngày 01/12/2024
-
Thông tư của Bộ Y tế quy định về sản phẩm sữa, thực phẩm chức năng cho trẻ dưới 6 tuổi phải kê khai giá
-
Bộ TT&TT đẩy mạnh định danh cuộc gọi để ngăn ngừa lừa đảo trên không gian mạng
-
Xử phạt Công ty Cổ phần ShopeePay 25 triệu đồng
-
Vì sao ngành chăm sóc sắc đẹp thu hút học sinh?
-
Giá vàng hôm nay, 12-11: Tiếp tục “bốc hơi” dữ dội