Tăng nội lực cho ngân hàng Việt: Cần vỗ bằng cả hai tay
Không chỉ Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cần tiếp tục phát huy việc điều hành chính sách tiền tệ linh hoạt, hiệu quả mà cả các ngân hàng thương mại cũng cần tích cực nâng cao nội lực, tạo lợi thế cạnh tranh riêng biệt để có thể tạo ra những ngân hàng Việt Nam mang tầm khu vực.
Đó chính là nội dung được các diễn giả trình bày, thảo luận tại Diễn đàn Toàn cảnh ngân hàng 2019 do Thời báo Kinh tế Sài Gòn đồng hành cùng Ngân hàng Nhà nước tổ chức tại Hà Nội ngày 8-5, với sự quan tâm tham dự của hơn 300 đại biểu đến từ các tổ chức tài chính, kinh tế.
Đóng góp lớn trong điều hành chính sách tiền tệ
Các chuyên gia có mặt tại diễn đàn đều thống nhất ý kiến về đóng góp lớn của NHNN trong việc điều hành chính sách tiền tệ (CSTT) linh hoạt, đảm bảo sự ổn định của thị trường tài chính trong năm 2018, năm được dự báo Việt Nam sẽ bị áp lực lớn từ những bất ổn của kinh tế thế giới.
Chuyên gia Cấn Văn Lực cho rằng hệ thống ngân hàng có hai điểm sáng đó là chính sách tỷ giá tương đối ổn định trong ba năm qua cũng như từ đầu năm đến nay; và dự trữ ngoại hối tăng tích cực trong thời gian qua, giúp nâng cao uy tín và khả năng chuyển đổi của đồng nội tệ trong tương lai.
Theo ông Nguyễn Tú Anh, Phó vụ trưởng Vụ CSTT (NHNN), trong năm ngoái căng thẳng trên thị trường tài chính toàn cầu làm cho dòng vốn “tháo chạy” ra khỏi hàng loạt thị trường mới nổi, nhưng Việt Nam vẫn có dòng vốn chảy vào đồng thời các tổ chức quốc tế lại nâng hạng tín nhiệm của Việt Nam.
Sở dĩ có điều đó, theo ông Tú Anh là do NHNN đã chủ động trong điều hành, điều chỉnh tăng tỷ giá trung tâm để mở rộng biên độ cho thị trường biến động. Điều này cho thấy NHNN nhận thức được nguy cơ và sẵn sàng điều chỉnh với các cú sốc... bằng các công cụ của mình. Đồng thời NHNN còn trấn an tâm lý của thị trường bằng cách đáp ứng đầy đủ các nhu cầu ngoại tệ hợp pháp, phát đi thông điệp NHNN có thể chủ động và đủ năng lực ứng phó.
Ông Võ Trí Thành, nguyên Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, cho rằng năm 2018, NHNN đã rất khéo léo giữa việc đáp ứng thanh khoản lẫn giữ cho lãi suất bình ổn trên thị trường. Dù có lúc lãi suất được điều hành tăng ở mức khá cao để bảo vệ tỷ giá nhưng vẫn không gây biến động lãi suất trên thị trường, đặc biệt là lãi suất cho vay, đây là một thành công lớn cho thấy khả năng ứng phó thông minh của NHNN.
Còn ba vấn đề cần giải quyết
Ông Thành cho rằng ba nhiệm vụ cơ bản của NHNN từ năm 2012 đến nay đều đang được thực hiện tốt và ghi nhận có sự tiến triển. Đó là điều hành CSTT ổn định, xử lý nợ xấu - đã tốt hơn nhờ Nghị quyết 42, và tái cấu trúc hệ thống ngân hàng tiến tới đáp ứng chuẩn Basel 2.
Tuy nhiên, còn ba vấn đề lớn mà NHNN cần chú ý để thực sự hỗ trợ sự phát triển của hệ thống tài chính. Thứ nhất, CSTT hiện tại có mục tiêu trung gian quá nhiều. “Cung tiền M2, tín dụng vừa quản theo khối lượng vừa có mục tiêu lãi suất; tỷ giá trong một chừng mực nhất định, dù đã linh hoạt hơn, vẫn là một công cụ chính sách”, ông Thành nói.
NHNN cần chuẩn bị cho tương lai trung hạn đó là buộc phải chuyển đổi bằng được sang CSTT theo lạm phát mục tiêu, có thể là lạm phát mục tiêu có điều chỉnh, và khi đó hệ thống tài chính phải được quản lý theo giá, mục tiêu trung gian phải là giá, hay nói cách khác là lãi suất. Đây là thách thức rất lớn của NHNN, cần sự nhìn nhận và cải thiện rất nghiêm túc.
Thứ hai, Việt Nam ngày càng mở cửa, do vậy trong 10 năm tới buộc phải đưa tiền đồng trở thành đồng tiền chuyển đổi một cách tương đối. Đây là mục tiêu được đặt ra từ 20 năm trước mà Việt Nam đã không thực hiện thành công. Việc này đang hạn chế cách thức thu hút vốn mới của Việt Nam khi gần đây nguồn vốn gián tiếp, vốn thông qua mua bán - sáp nhập doanh nghiệp (M&A) đang ngày càng chiếm tỷ trọng rất quan trọng trong đầu tư nước ngoài, việc thu hút vốn nước ngoài không còn thuần túy là vốn đầu tư trực tiếp (FDI) xây dựng công xưởng.
Vấn đề thứ ba Việt Nam vẫn đang chậm chân, theo ông Thành, đó là phát triển công nghệ tài chính (FinTech) và kinh tế số, trong đó có thanh toán không dùng tiền mặt. FinTech có những rủi ro nhưng cũng là một công cụ chống tín dụng đen, đảm bảo cam kết của Việt Nam trong việc thực hiện tài chính toàn diện, đảm bảo mọi người dân đều tiếp cận được dịch vụ tài chính với giá phải chăng nhất.
Ngân hàng cần tìm lợi thế cạnh tranh riêng
Ông Phạm Hồng Hải, Tổng giám đốc HSBC Việt Nam, cho rằng ngân hàng Việt Nam may mắn vì đang ở trong một thị trường có tiềm năng tăng trưởng tốt, bằng chứng là nhiều ngân hàng nước ngoài đang xếp hàng xin phép mở chi nhánh dù Việt Nam đã có sự góp mặt của hơn 100 ngân hàng rồi.
Hiện nay những ngân hàng có quy mô hoặc có chiến lược rõ ràng để đạt đến quy mô mang tầm khu vực không nhiều ở Việt Nam. Các ngân hàng đang khó khăn trong việc định vị, tìm chiến lược phát triển cho mình, đa phần các ngân hàng đi theo mô thức na ná giống nhau và chủ yếu theo chiến lược cạnh tranh về giá chứ không tạo sự khác biệt.
Ông Hải dẫn chứng câu chuyện của HSBC, trước đây quốc gia nào HSBC cũng phát triển cả mảng bán lẻ lẫn mảng doanh nghiệp, nhưng ngân hàng này đã nhận ra rằng ở một số quốc gia, HSBC không thể cạnh tranh được do không thể tận dụng được mạng lưới cạnh tranh toàn cầu. Do vậy, HSBC đã mạnh dạn bán một số mảng và tập trung vào những mảng tận dụng được thế mạnh mạng lưới toàn cầu cũng như phục vụ các khách hàng có nhu cầu liên quan đến mạng lưới toàn cầu.
“Tìm ra lợi thế cạnh tranh riêng của mình là câu hỏi đặt ra cho mỗi ngân hàng ở Việt Nam, mỗi ngân hàng cần tìm ra thế mạnh của mình và đưa ra chiến lược hoạt động dựa trên thế mạnh đó”, ông Hải nói.
Ngoài ra, ông Hải cho rằng mỗi ngân hàng cần giải quyết những vấn đề sau để có thể củng cố nội lực bản thân và phát triển trong tương lai. Thứ nhất, cần thực sự minh bạch hóa tài chính từ chi nhánh lên đến hội sở. Thứ hai, giải quyết mâu thuẫn về chủ sở hữu và ban điều hành; nếu ông chủ vẫn muốn sử dụng vốn để tài trợ cho doanh nghiệp của mình thì thực sự ngân hàng sẽ rất khó phát triển. Cuối cùng là vấn đề đa dạng hóa sản phẩm dịch vụ, nếu chỉ dựa vào những sản phẩm dịch vụ hiện nay thì rất khó phát triển hơn nữa.
“Đặc biệt, các ngân hàng cần quan tâm đến việc số hóa hoạt động ngân hàng, và có chiến lược đào tạo cho nhân viên tiếp cận với xu hướng mới để không bị đào thải khi quá trình số hóa diễn ra. Đó cũng là một thách thức không nhỏ cho những ngân hàng đang có mạng lưới rộng và nhân viên lên đến hàng chục ngàn người”, ông Hải nói.
Cùng quan điểm với ông Hải, bà Nguyễn Thị Hòa, Phó viện trưởng phụ trách Viện Chiến lược ngân hàng (NHNN), cũng cho rằng các ngân hàng cần có sự chuyển đổi mạnh mẽ mô hình kinh doanh của theo hướng từ “độc canh tín dụng” sang đa dạng hóa sản phẩm, dịch vụ ngân hàng phi tín dụng; nâng cao tính chuyên môn, chuyên nghiệp trong cung ứng sản phẩm, dịch vụ ngân hàng điện tử; gia tăng xuất khẩu dịch vụ tài chính; cơ cấu tín dụng tiếp tục theo hướng tập trung vào các lĩnh vực ưu tiên nhằm góp phần cơ cấu lại nền kinh tế; chú trọng phát triển các kênh cung ứng dịch vụ hiện đại, ứng dụng công nghệ số…
-
ADB tăng hạn mức tài trợ thương mại cho Eximbank lên 115 triệu USD
-
Eximbank giới thiệu giải pháp tài chính thông minh khi mua xe ô tô
-
Dòng tiền FDI chuyển hướng sang dự án khu công nghiệp, văn phòng
-
Gửi tiết kiệm kỳ hạn này, lãi cao bất ngờ
-
Eximbank bị kiểm tra, giám sát chặt chẽ hoạt động cấp tín dụng
-
Giá vàng biến động khó lường