Tài xế GrabBike liên tục bị cướp, vì sao?
Liên tiếp xảy ra các vụ tài xế Grab bị tấn công, thậm chí sát hại để cướp tài sản trong thời gian qua khiến dư luận không khỏi lo lắng
Nhiều người chưa hết bàng hoàng sau vụ tài xế GrabBike Lê Nhật Hào, đang là sinh viên, bị sát hại tại khu đất trống gần giao lộ đường số 16 - Song Hành (xã Phong Phú, huyện Bình Chánh, TP.HCM) hôm 19/10 thì đến rạng sáng 21/10, một tài xế Grab khác lại bị tấn công dã man ở huyện Hóc Môn. Trước đó, tại tỉnh Bình Dương tối 30/7, một tài xế Grab khác là anh Nguyễn Đức Sơn (34 tuổi, quê Thanh Hóa), khi chở khách cũng bị sát hại để cướp xe máy hiệu Yamaha Exciter.
Sau nhiều trường hợp tài xế Grab bị tấn công để cướp tài sản cho thấy điểm chung của những vụ này là xảy ra ở khu vực vùng ven TP, đường vắng và tài xế có những tài sản đắt tiền như sử dụng điện thoại, xe cao cấp… Trong khi đó, trên ứng dụng của Grab cũng có sẵn các tính năng lựa chọn chuyến đi bằng những loại xe "sang", vì vậy càng khiến tài xế dễ trở thành "con mồi" cho những đối tượng cướp giật. Hầu hết những tài xế GrabBike là sinh viên hoặc những người chạy xe bán thời gian, kỹ năng phòng vệ hạn chế nên nguy cơ rủi ro bị cướp giật trên đường rất lớn.
Theo anh Chiến, một tài xế GrabBike, với chính sách của Grab đang áp dụng hiện nay, để nhận thưởng và được đánh giá cao, các tài xế phải hạn chế tối đa việc hủy chuyến. Để khuyến khích tài xế chạy nhiều hơn, Grab đưa ra chính sách thưởng cho tài xế GrabBike (gần đây khoảng 300.000 đồng/ngày) với điều kiện tài xế có tỉ lệ nhận cuốc trên 80% và thang sao đạt từ 4,8 trở lên. Tuy nhiên, chỉ cần 1 khách trong ngày chấm số sao thấp thì tài xế không đạt chỉ tiêu. "Vấn đề này cũng là một áp lực nên tôi phải cân nhắc có cần hủy chuyến hay không, dù là những cuốc xe vào thời điểm đêm khuya hoặc khu vực hay xảy ra cướp giật, các tuyến đường ở vùng ven vắng người" - anh Chiến, một tài xế GrabBike cho biết.
Trong khi đó, theo đại diện Grab Việt Nam, tài xế khi đăng ký hoạt động, ngoài việc được tập huấn về lái xe an toàn; sẽ qua các lớp đào tạo kỹ năng tự vệ cơ bản, những cách nhận diện rủi ro, thực hành ứng phó với các tình huống nguy hiểm. Đồng thời, Grab cũng có các đội phản ứng nhanh nhằm phối hợp hỗ trợ hoặc thông báo cho các cơ quan chức năng xử lý nhanh khi tài xế gặp nạn trên đường. Grab cũng cho biết trên ứng dụng có sẵn phím S.O.S, giúp tài xế hoặc hành khách có thể thông báo ngay cho lực lượng chức năng hoặc đến những số điện thoại của người thường xuyên liên lạc đã đăng ký trước đó để hỗ trợ xử lý nếu có sự cố.
Cũng theo đại diện Grab, đơn vị đã mua bảo hiểm tai nạn và rủi ro của công ty bảo hiểm Liberty cho tất cả các đối tác là tài xế của đơn vị này. Trong suốt hành trình của một chuyến xe thông qua ứng dụng của Grab, các tài xế đều được hưởng gói bảo hiểm này nếu bị sự cố, gặp nạn trên đường. Bảo hiểm này sẽ tùy theo mức độ của các sự cố, trong đó mức cao nhất đối với GrabBike là 200 triệu đồng và Grab Car là 800 triệu đồng.
Liên quan đến trường hợp tài xế GrabBike Lê Nhật Hào bị sát hại ngày 19/10 tại huyện Bình Chánh (TP.HCM), đại diện Grab Việt Nam cho biết ưu tiên hỗ trợ chi phí giúp gia đình tài xế Hào lo hậu sự, đồng thời làm thủ tục với công ty bảo hiểm Liberty, có thể sẽ ở mức cao nhất là 200 triệu đồng.
GIA MINH
-
Quy định về thông báo thực hiện hoạt động khuyến mại từ ngày 01/12/2024
-
Thông tư của Bộ Y tế quy định về sản phẩm sữa, thực phẩm chức năng cho trẻ dưới 6 tuổi phải kê khai giá
-
Bộ TT&TT đẩy mạnh định danh cuộc gọi để ngăn ngừa lừa đảo trên không gian mạng
-
Xử phạt Công ty Cổ phần ShopeePay 25 triệu đồng
-
Vì sao ngành chăm sóc sắc đẹp thu hút học sinh?
-
Giá vàng hôm nay, 12-11: Tiếp tục “bốc hơi” dữ dội