Sớm mua gạo, giải cứu giá lúa
Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài chính chỉ đạo mua đủ lượng gạo và lúa dự trữ theo kế hoạch Nhà nước đã giao; phải mua sớm, bao gồm 200.000 tấn gạo và 80.000 tấn lúa
Chiều 19-2, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc làm việc với lãnh đạo một số bộ, ngành về tình hình giá gạo giảm so với cùng kỳ năm 2018.
Giảm cả lượng và giá trị
Tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) Nguyễn Xuân Cường cho biết năm 2018 cả nước xuất khẩu 6,1 triệu tấn gạo, doanh số 3 tỉ USD.
Thường thị trường thế giới mỗi năm có nhu cầu từ 38-45 triệu tấn gạo nhưng năm nay chỉ 38-40 triệu tấn, do nhiều nước đẩy nhanh tự chủ lương thực. Hai thị trường quan trọng khác là châu Âu và Mỹ năm nay thời tiết lạnh hơn nên được mùa lúa mì. Trong khi đó, Việt Nam đã xây dựng kế hoạch sản xuất lương thực với diện tích 7,5 triệu ha (giảm 200.000 ha so năm 2018). Song, do áp dụng tiến bộ kỹ thuật, khả năng vẫn đạt sản lượng 43,5 triệu tấn, đủ nhu cầu trong nước và có thể xuất khẩu 6-7 triệu tấn gạo. Gạo xuất khẩu chủ yếu từ ĐBSCL và hiện vùng này đã thu hoạch khoảng 20%.
Đáng chú ý, ông Cường thông tin từ cuối năm 2018, giá lúa tươi (IR50404) tại ruộng có dấu hiệu sụt giảm. Đầu tháng 2-2018 sụt xuống ở mức 4.200-4.400 đồng/kg; loại thóc hạt dài (OM 504) giảm còn 4.500 đồng/kg. Như vậy, giá lúa năm nay không cao bằng năm 2018 và gạo xuất khẩu tháng 1-2019 giảm cả về lượng và giá trị. Nguyên nhân được đánh giá là do một số thị trường vẫn còn lượng gạo dư của 2018 nên chưa có nhu cầu nhập khẩu trong đầu năm mới. Sau Tết Kỷ Hợi, các doanh nghiệp đã giao hàng vào tháng 12-2018 chưa chủ động giao hàng theo các hợp đồng, hệ thống thương lái chưa vào cuộc mạnh mẽ. Thị trường lớn nhất xuất khẩu gạo của Việt Nam là Trung Quốc đã xuất hiện thách thức mới. Có thực tế là các giao dịch của doanh nghiệp với người dân ít. Tình hình này dẫn đến những tỉnh như Đồng Tháp, An Giang lúa đã chín nhưng không gặt đúng tiến độ được, vì không có giao dịch.
Trước việc lãnh đạo Tổng Công ty Lương thực Miền Bắc cho rằng các doanh nghiệp đang khó khăn trong tiếp cận vốn vì lãi suất cao từ 7%-8%/năm, nếu mua tạm trữ sẽ gặp khó khăn, đại diện Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết đã rà soát việc cho vay lĩnh vực ưu tiên là nông nghiệp và nông thôn, với lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa 6,5%/năm.
Bộ NN-PTNT đề nghị Bộ Tài chính tập trung tăng mua, đưa vào dự trữ quốc gia năm 2019 80.000 tấn lúa và 200.000 tấn gạo; phối hợp Bộ NN-PTNT sẵn sàng mua 100.000 tấn tiếp theo để thực hiện theo Nghị định 75/2015 về cơ chế chính sách bảo vệ và phát triển rừng gắn với chính sách giảm nghèo nhanh, bền vững và hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số giai đoạn 2015-2020 và các chính sách hỗ trợ của nhà nước theo quy định hiện hành.
Khẩn trương xuất khẩu
Kết luận, Thủ tướng nhất trí với kiến nghị của Bộ NN-PTNT và các bộ, ngành liên quan và yêu cầu Bộ Tài chính chỉ đạo mua đủ lượng gạo và lúa dự trữ mà kế hoạch nhà nước đã giao, phải mua sớm, bao gồm 200.000 tấn gạo và 80.000 tấn lúa. Các tổng công ty lương thực nhà nước thực hiện đúng Nghị định 157, mua dự trữ 5% theo quy định; khẩn trương thực hiện sớm các kế hoạch xuất khẩu gạo.
Thủ tướng cũng đề nghị Bộ NN-PTNT làm việc với Bộ Tài chính thống nhất chủ trương, biện pháp để mua gạo hỗ trợ phát triển trồng rừng, nhất là các tỉnh miền núi. Báo cáo Thủ tướng sớm có chủ trương để dự trữ, có một cơ số cần thiết giải quyết việc trồng rừng trong mùa xuân này; NHNN có trách nhiệm xem xét tăng hạn mức tín dụng cho các doanh nghiệp và coi đây là chủ trương của Chính phủ nhằm bảo đảm vốn cho việc mua trong thời kỳ đang rộ mùa. Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và 2 tổng công ty lương thực có chủ trương cụ thể bằng các nguồn lực khác nhau chỉ đạo mua kịp thời, sớm nhất lúa gạo cho người dân…
NHNN cũng vừa có văn bản chỉ đạo các ngân hàng thương mại khẩn trương chỉ đạo chi nhánh cân đối nguồn vốn, tập trung cho vay đáp ứng nhu cầu vốn của doanh nghiệp thu mua lúa, gạo. Các ngân hàng cần làm việc trực tiếp với doanh nghiệp thu mua lúa, gạo có nhu cầu vay vốn để xem xét tăng hạn mức vay vốn, đẩy nhanh tiến độ giải ngân nhằm tạo điều kiện cho doanh nghiệp thu mua lúa, gạo cho người dân. NHNN chi nhánh các tỉnh, thành phố khu vực ĐBSCL cần chỉ đạo tổ chức tín dụng trên địa bàn cân đối nguồn vốn nhằm đáp ứng nhu cầu vay vốn của doanh nghiệp thu mua lúa, gạo; đồng thời tăng cường kết nối ngân hàng và doanh nghiệp để kịp thời nắm bắt khó khăn, vướng mắc và có giải pháp tháo gỡ, tăng khả năng tiếp cận vốn của doanh nghiệp…
Có thể áp lực từ nguồn cung
Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), thị trường gạo vẫn trầm lắng có thể đến từ áp lực nguồn cung Việt Nam với thu hoạch vụ đông xuân và vụ 2 của Thái Lan. Giá chào gạo 5% tấm của Việt Nam đang ở mức 340-345 USD/tấn, giảm 105 USD/tấn so với năm 2018. Giá gạo xuất khẩu giảm mạnh khiến giá lúa trong nước giảm theo, trong khi khu vực ĐBSCL đang vào thu hoạch rộ lúa đông xuân. Giá lúa Đài Thơm 8 ở Đồng Tháp 4.700 đồng/kg, giảm khoảng 1.000 đồng/kg so với cùng kỳ năm 2018.
Được biết, Tổng Công ty Lương thực Miền Nam (Vinafood 2) vừa trúng thầu 50.000 tấn gạo bán sang Malaysia, giao hàng trong tháng tới. Đây là lô hàng trong gói thầu 125.000 tấn gạo do Malaysia tổ chức đấu thầu nhưng chỉ mới trúng được 100.000 tấn, trong đó có Vinafood 2 và một công ty nước ngoài.
Ng.Hải
Nên hỗ trợ trực tiếp cho dân
Vụ đông xuân này, Đồng Tháp xuống giống 205.000 ha. Dự kiến thu hoạch rộ đầu tháng 3, với sản lượng toàn vụ ước đạt 1,4 triệu tấn. Trước tình hình giá lúa giảm, thị trường tiêu thụ khó khăn, UBND tỉnh Đồng Tháp đã họp khẩn cấp tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn cho nông dân. Hiệp hội Lúa gạo tỉnh Đồng Tháp cũng đề nghị UBND tỉnh Đồng Tháp kiến nghị Chính phủ thống nhất thực hiện thu mua tạm trữ, mở rộng chính sách tín chấp, tăng cường hạn mức tín dụng để doanh nghiệp có nguồn lực mua lúa của nông dân trong thời gian ngắn nhất; đẩy mạnh liên kết giữa người dân, doanh nghiệp, HTX trong việc thu mua lúa của nông dân.
Theo GS-TS Võ Tòng Xuân, Hiệu trưởng Trường ĐH Nam Cần Thơ, Chính phủ không nên chấp thuận theo ý kiến về việc hỗ trợ các doanh nghiệp thu mua tạm trữ lúa như trước đây vì không giúp ích gì cho nông dân. Thực tế cho thấy những lần thu mua tạm trữ đều làm lợi cho các doanh nghiệp khi giá lúa lên cao trở lại. Do đó, Chính phủ nên chỉ đạo hỗ trợ trực tiếp cho nông dân để họ có tiền trả nợ ngân hàng hay đại lý vật tư nông nghiệp khi chưa bán được lúa do giá thấp.
Thốt Nốt - Nha Mân - Ca Linh
Thế Dũng - Thái Phương
-
Quy định về thông báo thực hiện hoạt động khuyến mại từ ngày 01/12/2024
-
Thông tư của Bộ Y tế quy định về sản phẩm sữa, thực phẩm chức năng cho trẻ dưới 6 tuổi phải kê khai giá
-
Bộ TT&TT đẩy mạnh định danh cuộc gọi để ngăn ngừa lừa đảo trên không gian mạng
-
Xử phạt Công ty Cổ phần ShopeePay 25 triệu đồng
-
Vì sao ngành chăm sóc sắc đẹp thu hút học sinh?
-
Giá vàng hôm nay, 12-11: Tiếp tục “bốc hơi” dữ dội