Sớm gỡ khó cho vay tiêu dùng
Nghị quyết về giải pháp hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho khách hàng vay phục vụ nhu cầu đời sống, tiêu dùng của Chính phủ được kỳ vọng sẽ "dễ thở" hơn cho cả người vay lẫn ngân hàng thương mại, công ty tài chính…
Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết số 59/NQ-CP về giải pháp tháo gỡ khó khăn cho khách hàng vay phục vụ nhu cầu đời sống, tiêu dùng. Chính phủ yêu cầu Ngân hàng Nhà nước (NHNN) khẩn trương xem xét, quyết định và sớm ban hành thông tư hướng dẫn.
Sắp có quy định hỗ trợ khách vay tiêu dùng
Thị trường tín dụng tiêu dùng đang gặp khủng hoảng khi liên tiếp đối mặt nhiều khó khăn do dịch COVID-19, suy thoái kinh tế toàn cầu, lạm phát khiến lãi suất tăng. Đặc biệt, công nhân, người lao động, người thu nhập thấp vốn là phân khúc khách hàng chính của công ty tài chính bị giảm thu nhập, giảm việc làm hoặc thất nghiệp… ảnh hưởng tới khả năng trả nợ sau khi vay vốn.
Trong khi đó, phân khúc vay mua nhà để ở, lãi suất vay mua nhà tăng nhanh trong thời gian qua cũng khiến nhiều người vay chóng mặt. Lãi suất cho vay mua nhà tăng từ 9%-10%/năm lên tới 14%-15%/năm khiến nhiều người trở tay không kịp trong khi thu nhập bị ảnh hưởng do tác động của suy thoái kinh tế toàn cầu, trong nước kinh tế tăng trưởng chậm hơn kỳ vọng, doanh nghiệp (DN) bị giảm đơn hàng, doanh thu…
Anh Văn Thanh (ngụ TP Thủ Đức, TP HCM) cho biết đang có khoản vay mua căn nhà đầu tiên hơn 2 tỉ đồng tại một NH thương mại với lãi suất trên 13%/năm. "Lãi suất đang trả 10,5%/năm được NH đẩy lên 13%/năm, dù thời điểm giải ngân khoản vay, cán bộ tín dụng nói lãi suất thả nổi sau giai đoạn ưu đãi chỉ 11%/năm. Đến nay, lãi suất huy động giảm mà chưa thấy lãi vay giảm cùng, tôi vẫn đang cố gắng "gồng" duy trì thanh toán đúng hạn mỗi tháng" - anh Thanh kể.
Tại tọa đàm "Tín dụng tiêu dùng: Cho vay và thu hồi nợ đúng pháp luật!" của Báo Người Lao Động mới đây, nhiều ý kiến cho biết nhu cầu vay vốn tiêu dùng rất lớn nhưng đang gặp khó vì lãi suất cao, khả năng trả nợ bị ảnh hưởng do thu nhập suy giảm.
Bà Vũ Thế Vân, Chủ tịch Công đoàn các KCX-KCN TP HCM (Hepza), cũng chia sẻ công nhân, người lao động trong các KCX-KCN đa phần là dân nhập cư, hơn 70% phải ở trọ. Trải qua 2 năm dịch COVID-19, khó khăn chung cả nước, công nhân càng khó. Giai đoạn hiện nay, DN giãn đơn hàng, thu hẹp sản xuất, công nhân càng khó hơn và rất cần các khoản để trang trải cuộc sống.
Hỗ trợ để thị trường phát triển lành mạnh
Theo một số chuyên gia tài chính, việc Chính phủ có nghị quyết về giải pháp hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho khách hàng vay phục vụ nhu cầu đời sống, tiêu dùng không chỉ hỗ trợ khách hàng vay mà cả NH thương mại, nhất là công ty tài chính.
Ông Nguyễn Hoàng Minh, Trưởng đại diện Hiệp hội NH Việt Nam, thông tin hoạt động cho vay và thu hồi nợ quý I/2023 tăng trưởng thấp, có công ty tài chính sụt giảm cả cho vay và thu hồi nợ. Giai đoạn 2016-2022, các công ty tài chính phát triển rất tốt, tăng trưởng 19%-20%, cao hơn tăng trưởng chung nhưng quý đầu năm nay bức tranh rất xám. Không ít khách hàng vay tiêu dùng dưới chuẩn chây ì trả nợ. Khi nhân viên tài chính nhắc, họ còn đe dọa ngược lại khiến xu hướng nhân viên công ty tài chính nghỉ việc gia tăng.
Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, một lãnh đạo cấp cao của NHNN cho biết tình trạng "bùng" nợ đã dẫn đến nợ xấu của một số công ty tài chính lên tới 20%. Thậm chí trong năm 2022 có công ty tài chính thua lỗ hàng ngàn tỉ đồng, nguyên nhân chủ yếu là do cho vay tiêu dùng bằng tiền mặt, tạo điều kiện cho người vay xù nợ.
Một số công ty tài chính đã bán khoản nợ cho các đơn vị mua bán nợ với giá rất thấp so với giá trị của khoản nợ đó. Công ty mua bán nợ lại tiến hành đòi nợ theo hướng vi phạm pháp luật, dẫn đến không ít phiền toái cho những người vay tiền với mục đích tiêu dùng đích thực nhưng do thu nhập sụt giảm hoặc mất việc làm nên chưa trả được nợ. "Trong thời gian tới, NHNN sẽ xem xét và sớm ban hành thông tư mới về cho vay tiêu dùng. Thông tư này cũng tính đến việc bảo đảm không có tình trạng trục lợi hay vi phạm pháp luật trong hoạt động cho vay tiêu dùng" - lãnh đạo NHNN nói.
Hiện ngành NH đang triển khai Thông tư 02/TT-NHNN quy định về việc tổ chức tín dụng, chi nhánh NH nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn, bao gồm cả khách hàng cá nhân, sẽ là một giải pháp thiết thực trong giai đoạn hiện nay.
Ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng Giám đốc NH TMCP Phương Đông (OCB), cho biết để triển khai Thông tư 02, NH đang làm việc và tìm hiểu nhu cầu của khách hàng. Nếu nhìn vào bối cảnh chung nhiều ngành kinh tế và DN đang gặp khó khăn, ngay cả mảng vay mua bất động sản tiêu dùng cũng khó thì nhu cầu được cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ là rất cao.
Phải kiểm soát được vốn vay
Theo tìm hiểu của Báo Người Lao Động, nhiều công ty tài chính, fintech lại mạnh tay cho vay tiền mặt và gần như không kiểm soát được việc sử dụng vốn của khách hàng. Từ đó, không ít cá nhân đã lợi dụng việc này để xù nợ hoặc tiêu xài lãng phí. Hệ quả là bên cho vay phải đòi nợ theo hướng "khủng bố", phản cảm gây nhiều hệ lụy.
Để ứng phó với làn sóng "bùng" nợ, một số công ty tài chính đã phải giảm tốc độ giải ngân, siết thẩm định khách hàng… và nếu xu hướng này tiếp tục sẽ ảnh hưởng cả những người có nhu cầu vay vốn tiêu dùng thật sự và đang gặp khó.
THÁI PHƯƠNG - THY THƠ
-
ADB tăng hạn mức tài trợ thương mại cho Eximbank lên 115 triệu USD
-
Eximbank giới thiệu giải pháp tài chính thông minh khi mua xe ô tô
-
Dòng tiền FDI chuyển hướng sang dự án khu công nghiệp, văn phòng
-
Gửi tiết kiệm kỳ hạn này, lãi cao bất ngờ
-
Eximbank bị kiểm tra, giám sát chặt chẽ hoạt động cấp tín dụng
-
Giá vàng biến động khó lường