Truy xuất nguồn gốc thực phẩm: Đảm bảo quyền của người tiêu dùng được tiêu dùng thực phẩm an toàn
Thành phố Đà Nẵng đang triển khai dự án truy xuất nguồn gốc thực phẩm, hướng đến mọi sản phẩm thực phẩm được bán ra đều có người chịu trách nhiệm.
Theo Ban quản lý An toàn thực phẩm thành phố Đà Nẵng, hiện nay, nguồn thực phẩm rau, quả và thịt, cá cung cấp cho người tiêu dùng thành phố chủ yếu nhập từ địa phương khác với số lượng rất lớn.
Hàng năm TP. Đà Nẵng tiêu thụ khoảng 140.000 tấn rau củ quả, trong đó sản xuất trên địa bàn cung cấp khoảng 9.000-10.000 tấn (chiếm khoảng 6-8% sản lượng cung cấp toàn thành phố), nhập từ các tỉnh và nhập khẩu khoảng 131.000 tấn (chiếm 92-94%), gồm 55.000 tấn rau và 76.000 tấn quả từ các tỉnh: Gia Lai, Đà Lạt, Quảng Nam, Tiền Giang, Bến Tre, TP. Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Đắk Lắk... Một số rau, củ quả, trái cây nhập khẩu từ các nước như Trung Quốc, Thái Lan, Lào, Mỹ...
Đối với thịt heo, nguồn cung tại chỗ khoảng 10-12%, còn lại nhập ngoại tỉnh và nhập khẩu chiếm gần 88-90%.
Theo ThS. Nguyễn Thị Thu Nga – Ban Quản lý An toàn thực phẩm TP. Đà Nẵng, do nguồn thực phẩm tươi sống chủ yếu nhập ở ngoài thành phố, và qua nhiều công đoạn, vì vậy, việc kiểm soát an toàn thực phẩm đối với sản phẩm thịt, rau, củ quả gặp nhiều khó khăn.
Để đảm bảo an toàn thực phẩm cho người dân, thành phố đã xây dựng dự án truy xuất nguồn gốc thực phẩm là một hợp phần quan trọng trong Đề án xây dựng thành phố thông minh, giai đoạn 2021 – 2025, định hướng đến năm 2030. Mục tiêu của dự án là (về lâu dài) hướng đến mọi sản phẩm thực phẩm được bán ra trên địa bàn thành phố đều có người chịu trách nhiệm; mọi người dân đều có quyền tham gia đánh giá sản phẩm, dịch vụ về thực phẩm; phát triển hệ thống thông tin hỗ trợ kiểm soát chất lượng, an toàn thực phẩm trên cơ sở ngăn ngừa các mối nguy. “Việc thực hiện truy xuất nguồn gốc thực phẩm sẽ làm tăng niềm tin của người tiêu dùng, minh bạch thông tin về sản phẩm và đảm bảo an toàn thực phẩm, đảm bảo quyền lợi của người tiêu dùng”, bà Nga nói.
Trong thông tin truy xuất nguồn gốc gồm các nội dung chính: Thông tin đơn vị (tên đơn vị sản xuất, chế biến kèm địa chỉ, số điện thoại, email); thông tin sản phẩm (mã sản phẩm, mô tả về sản phẩm); thông tin truy xuất nguồn gốc thực phẩm (quy trình đưa sản phẩm từ nơi sản xuất, chế biến đến tay người tiêu dùng).
Đến thời điểm hiện tại, dự án đã triển khai truy xuất nguồn gốc đối với chuỗi cung ứng thịt heo của 8 doanh nghiệp và 1 chuỗi cung ứng thịt bò nhập khẩu.
Bên cạnh đó, triển khai truy xuất nguồn gốc thực phẩm đối với 3.500 cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống trên địa bàn các quận, huyện. Các cơ sở kinh doanh này được gắn mã QR Code định danh và định vị trên bản đồ thực phẩm để người tiêu dùng, khách du lịch được biết và lựa chọn.
Người tiêu dùng có thể kiểm tra nguồn gốc thực phẩm và tham gia đánh giá thực phẩm khi dử dụng sản phẩm/dịch vụ tại các cơ sở thực phẩm bằng cách tải app "TXNG thực phẩm Đà Nẵng" trên CHPlay hoặc AppStore. Khi sử dụng sản phẩm, dịch vụ của các đơn vị kinh doanh thực phẩm, người tiêu dùng sẽ quét mã QR Code của cơ sở kinh doanh trên điện thoại để đánh giá, phản hồi.
Đại diện Ban quản lý An toàn thực phẩm TP. Đà Nẵng cho hay, việc sử dụng App truy xuất nguồn gốc thực phẩm Đà Nẵng sẽ giúp đảm bảo quyền lợi người tiêu dùng trong tiêu dùng thực phẩm. Người tiêu dùng sẽ “biết được mình ăn gì, đến từ đâu”; xem trước thông tin về sản phẩm, nhà hàng, cơ sở kinh doanh (các cơ sở DVAU được xếp hạng sao, các chợ được công nhận ĐĐK ATTP….); Bình luận về cơ sở và sản phẩm thực phẩm; đánh giá cơ sở, sản phẩm thực phẩm theo mức từ 1 sao đến 5 sao; báo cáo kịp thời sự cố về an toàn thực phẩm.
Theo ông Nguyễn Văn Trừ - Phó Giám đốc Sở Công Thương thành phố Đà Nẵng, Chủ tịch Hội bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng thành phố, trong thời gian qua, Hội đã tư vấn hỗ trợ, hòa giải thành công gần 90% vụ việc phản ánh của người tiêu dùng. Cụ thể, đã tiếp nhận và giải quyết gần 500 vụ khiếu nại, liên quan nhiều đến số lượng, chất lượng hàng hóa, chế độ bảo hành, giải quyết khiếu nại khi sản phẩm gặp lỗi), có một số vụ việc có giá trị hàng hóa khiếu nại ngày càng lớn, có tính chất phức tạp, ảnh hưởng đến nhiều người sử dụng; đồng thời, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát về an toàn thực phẩm, hàng giả, hàng nhái, nhập lậu, không rõ nguồn gốc… qua đó, đã góp phần nâng cao nhận thức của người dân trên địa bàn thành phố về quyền và nghĩa vụ của người tiêu dùng, cũng như ý thức trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh đối với việc bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng.
Về vấn đề tiêu dùng thực phẩm an toàn và đảm bảo quyền của người tiêu dùng được tiêu dùng thực phẩm đảm bảo an toàn, Chủ tịch Hội bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng TP. Đà Nẵng đây là vấn đề được hội rất quan tâm. "Vì vậy, ngoài hoạt động tuyên truyền, năm nay, Hưởng ứng ngày Quyền của người tiêu dùng (15/3), chúng tôi phối hợp với Ban quản lý an toàn thực phẩm thành phố tổ chức buổi thông tin về truy xuất nguồn gốc thực phẩm, qua đó góp phần đảm bảo quyền của người tiêu dùng được thực thi hiệu quả nhất”, Chủ tịch Hội bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng TP. Đà Nẵng nói và cho biết, trong thời gian tới, Sở Công Thương thành phố và Hội bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng thành phố sẽ phối hợp đẩy mạnh công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường, theo dõi sát diễn biến thị trường, cung - cầu hàng hóa, kiểm tra đánh giá chất lượng hàng hóa, dịch vụ tiêu dùng, đặc biệt là trong các lĩnh vực an toàn thực phẩm, y tế, tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng, sản phẩm hàng hóa, dịch vụ tiêu dùng.
Vũ Lê
-
Tạm giữ 35 tấn đường kính không hóa đơn chứng từ hợp pháp kèm theo
-
Đình chỉ lưu hành, thu hồi 3 loại mỹ phẩm không đảm bảo chất lượng
-
Tạm giữ trên 25 tấn vải may mặc do Trung Quốc sản xuất
-
Tiền Giang: Xử phạt cơ sở kinh doanh thực phẩm giả tại huyện Gò Công Tây
-
Thu giữ hàng trăm áo phao không rõ nguồn gốc
-
Truy quét hàng giả cuối năm