Sếp NBB từng có mặt trong Top 60 người giàu nhất

Thứ hai, 26/03/2018, 13:23 PM

Với khối tài sản đạt hơn 200 tỷ đồng, ông Đoàn Tường Triệu, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Đầu tư Năm Bảy Bảy (NBB), chủ đầu tư của Carina Plaza, chung cư cháy khiến 13 người tử vong, từng có mặt trong Top 60 người giàu nhất sàn chứng khoán Việt Nam.

Lợi nhuận song hành cùng Carina Plaza

Carina Plaza, chung cư cháy khiến 13 người tử vong, đang được dư luận dõi theo. Không chỉ những nạn nhân, cộng đồng mạng vô cùng bất bình trước sự thờ ơ đến nhẫn tâm của NBB, chủ đầu tư của Carina Plaza.

Chủ đầu tư NBB bị tố vì lợi nhuận mà thờ ơ, không quan tâm tới bảo vệ quyền lợi của cư dân. Trong đó, đáng chú ý nhất là thờ ơ phòng cháy chữa cháy. Trước khi thảm kịch cháy xảy ra, người dân đã có ý kiến cảnh báo nhưng NBB phớt lờ. Tệ hại hơn, sau thảm kịch, NBB bị cho là không có phản ứng kịp thời và vô cảm với người dân.

Có một nghịch lý đang diễn ra. Trong khi cư dân của chung cư Carina Plaza bị “bỏ quên” những quyền lợi thiết yếu nhất, những ông chủ của NBB lại đang nắm giữ khối tài sản khổng lồ. Thậm chí, năm 2010, sếp lớn nhất tại NBB đã lọt vào Top 200 người giàu nhất sàn chứng khoán Việt Nam.

Cổ phiếu NBB niêm yết trên thị trường chứng khoán từ năm 2009 nhưng với kết quả kinh doanh kém lạc quan, NBB ít được nhà đầu tư quan tâm và ì ạch ở giá chào sàn trong suốt thời gian dài. Tuy nhiên, sau khi công bố triển khai nhiều dự án, trong đó đáng chú ý là Carina Plaza, cổ phiếu NBB bứt phá mạnh.

Cụ thể, Carina Plaza được triển khai thi công vào tháng 5/2009 trên khu đất rộng 19.318,40 m2. Dự án có diện tích 91.743,70 m2 dành riêng cho 736 căn hộ. Quy mô dân số của Carina Plaza được tính toán khoảng 2.944 người (trung bình 4 người/căn hộ). 

Ngay khi chưa hình thành, dự án này đã có công cải thiện lợi nhuận của NBB. Nếu năm 2005, lợi nhuận của NBB chỉ là 2,5 tỷ đồng thì tới các năm tiếp theo, đặc biệt là 2009 - thời điểm Carina Plaza được triển khai xây dựng, lợi nhuận của NBB tăng lên 91,2 tỷ đồng. 

Tới năm 2010, Carina Plaza được truyền thông rộng rãi, lợi nhuận của NBB tăng 30,4 tỷ đồng, tương ứng 33,3% so với năm 2009 và tăng 68,3 tỷ đồng, tương ứng 120% so với năm 2008, thời điểm chưa có dự án Carina Plaza.

Dù chưa thể khẳng định được 100% lợi nhuận của NBB phụ thuộc Carina Plaza nhưng có thể thấy, lợi nhuận công ty này song hành cùng sự có mặt của Carina Plaza. 

Ông chủ giàu có 

Đồng hành cùng sự xuất hiện của Carina Plaza là lợi nhuận của NBB cũng như tài sản của các ông chủ tăng vọt. Trong danh sách các ông chủ NBB, nổi lên nhất là ông Đoàn Tường Triệu.  

Ông Triệu không phải cổ đông lớn nhất tại NBB nhưng ông lại sở hữu lượng cổ phiếu NBB rất lớn. Và quan trọng hơn, ông Triệu nắm giữ hai chức vụ quan trọng nhất tại NBB. Đó là Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc công ty. Ông nắm giữ hai chức vụ này từ năm 2005 nên ông có vai trò rất lớn trong việc phát triển dự án Carina Plaza. 

Là cổ đông lớn có tỷ lệ vốn lớn tại NBB nên tài sản của ông Triệu thăng trầm theo cổ phiếu NBB. Năm 2010, khi Carina Plaza góp phần không nhỏ gia tăng lợi nhuận cho NBB, cổ phiếu NBB đạt “đỉnh” giúp ông Triệu có mặt trong danh sách những người giàu nhất sàn chứng khoán Việt Nam. 

Cụ thể, đóng cửa phiên giao dịch ngày 16/4/2010, NBB tăng 3.000 đồng/ cổ phiếu và dừng ở mức 103.000 đồng/cổ phiếu - mức cao nhất trong lịch sử NBB. Quy đổi sau khi cổ phiếu NBB được phát hành thêm, giá NBB tại thời điểm đó đạt 39.400 đồng/cổ phiếu. 

Ở mức giá này, tài sản trên thị trường chứng khoán của ông Triệu đã đạt 278,1 tỷ đồng. Nếu cổ phiếu NBB giữ vững được phong độ, ông Triệu hoàn toàn có cơ hội lọt vào Top 60 người giàu nhất sàn chứng khoán Việt Nam.  

Thế nhưng, ngay sau khi đạt đỉnh, NBB giảm sâu nên đóng cửa thị trường năm 2010, ông Triệu đã rời xa Top 60. Tới nay, ông Triệu thậm chí còn không góp mặt trong Top 200. Đóng cửa phiên giao dịch 23/3, ngày thảm kịch Carina Plaza xảy ra, cổ phiếu NBB giảm sàn, giảm 1.750 đồng/cổ phiếu xuống còn 23.750 đồng/cổ phiếu. NBB khiến tài sản của ông Triệu giảm 5,25 tỷ đồng xuống còn 71,3 tỷ đồng.  

Tài sản trên thị trường chứng khoán của bà Nguyễn Mậu Uyên Thao, vợ ông Triệu cũng giảm sút. Giá trị cổ phiếu NBB thuộc sở hữu của bà Thao giảm 1,75 tỷ đồng xuống còn 23,8 tỷ đồng. Hiện tại, tổng giá trị tài sản trên thị trường chứng khoán của ông Triệu đạt khoảng 95,1 tỷ đồng.

Bảo Linh

Theo NTD

largeer