Sầu riêng, trái “vua” của Việt Nam đang dần lên ngôi

Thứ ba, 20/08/2019, 09:13 AM

Sầu riêng từng được phong tặng là “vua” của các loại trái cây vùng nhiệt đới. Trước khi ghé thăm hai xã trồng sầu riêng nổi tiếng ở Vĩnh Long, tôi xin giới thiệu một vài nét về lý lịch của cây sầu riêng.

Cách nay 397 năm, ông Cristophoro Borri, tác giả cuốn sách “Xứ đàng trong năm 1621” (Bản dịch do NXB. TP.HCM, 1998) đã mô tả: “Trái ‘durion’ (sầu riêng) là một trong những trái ngon nhất hoàn cầu, không thấy có ở đâu trừ ở Malacca, Borneo và mấy đảo xung quanh... Trái sầu riêng khi mở ra thì xông mùi khó chịu như mùi hành thối, nhưng ở trong thì không có mùi và lại rất thơm ngon...”

Sầu riêng vào mùa ở xã Quới Thiện.

Sầu riêng vào mùa ở xã Quới Thiện.

Trái cây độc đáo vùng nhiệt đới

Sầu riêng là một loại trái có hương vị độc đáo được trồng nhiều ở vùng nhiệt đới, nổi tiếng nhất là Việt Mam, Thái Lan, Malaysia, Singapore... Tuy nhiên, có không ít người lại dị ứng với mùi vị sầu riêng, không ăn được. Thế nhưng mặt hàng xuất khẩu sầu riêng hiện nay đang cạnh tranh quyết liệt giữa các nước như Malaysia, Thái Lan, Singapore. Vào tháng 10/2017, tại thành phố Nam Ninh, Quảng Tây (Trung Quốc) đã diễn ra “Lễ hội Vua sầu riêng” (Durian King Festival) do chính phủ Malaysia tài trợ. Điều đó chứng tỏ rằng sầu riêng là một loại trái ngon được thị trường ưa chuộng.

Tại miền Tây Nam bộ, Vĩnh Long là một trong những cái nôi của cây sầu riêng. Từ trung tâm thành phố Vĩnh Long, chúng tôi dùng xe máy hướng về hai xã Thanh Bình và Quới Thiện nằm dọc theo cù lao Dài, huyện Vũng Liêm (Vĩnh Long) mất khoảng 50 phút. Con đường tuy nhỏ hẹp nhưng thật vô cùng ấn tượng vì hai bên toàn là vườn cây ăn trái sum suê, bạt ngàn, nhiều nhất là sầu riêng và bưởi da xanh.

Tôi từng tham quan nhiều khu vườn trồng sầu riêng ở Đồng bằng sông Cửu Long nhưng chưa thấy nơi nào không khí sản xuất kinh doanh rộn ràng tất bật như ở cù lao Dài. Cù lao Dài là một dải đất phù sa chạy dài trên 20km nằm bên dòng Cổ Chiên, cách trung tâm thành phố Vĩnh Long 30km. Trước kia, nơi đây là vùng đất thấp, ngập nước nên người dân chỉ trồng lúa và trồng lát dệt chiếu. Từ khi có hệ thống đê bao khép kín, có điện lưới quốc gia, cù lao Dài trở thành vùng sản xuất nông nghiệp trù phú gồm hai xã Thanh Bình và Quới Thiện.

Đặc biệt trong quá trình chuyển dịch cơ cấu cây trồng vật nuôi, tái cơ cấu ngành nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, từ nhiều năm qua Đảng bộ và chính quyền địa phương đã mang lại cho cù lao một sức sống đầy khởi sắc, nổi bật là kinh tế nông nghiệp. Hiện nay, hầu như nhà vườn nào cũng trồng cây đặc sản, chủ lực là sầu riêng, bưởi da xanh, xoài, mít.... Ông Đoàn Thanh Hiếu, Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Quới Thiện cho biết hiện xã Thanh Bình và Quới Thiện có trên 1.000ha là sầu riêng. Trong đó, xã Quới Thiện có trên 50% diện tích đất trồng sầu riêng, đa phần là sầu riêng Ri 6 và Monthong. Vào những ngày này đi tới đâu chúng ta cũng gặp sầu riêng, sầu riêng bày bán trước nhà, tại vườn. Trong xóm ấp lúc nào cũng có thương lái tấp nập thu mua sầu riêng, rộn ràng nhất là các xe thồ, xe tải và ghe xuồng ngược xuôi vận chuyển sầu riêng đi khắp nơi.

Cù lao Dài là nơi trồng rất nhiều sầu riêng có giá trị kinh tế.

Cù lao Dài là nơi trồng rất nhiều sầu riêng có giá trị kinh tế.

Loại trái cây không sợ ế

Từ nhiều năm nay, hai xã cù lao Thanh Bình và Quới Thiện ngày càng khởi sắc. Điện, đường, trường, trạm ngày càng hoàn thiện, đời sống nông thôn thay đổi từng ngày, nhiều hộ đã vươn lên tỷ phú, một phần là nhờ phát triển kinh tế nông nghiệp, trong đó cây sầu riêng và cây bưởi da xanh được coi là cây chủ lực. Ông Phạm Văn Sinh (Ba Sinh) ở ấp Thanh Lương, xã Thanh Bình chỉ trồng có 200 gốc sầu riêng mà mỗi năm thu về vài trăm triệu đồng. Ông cho biết sầu riêng tuy dễ trồng nhưng trước tình hình biến đổi khí hậu như hiện nay, người trồng cần phải biết vận dụng khoa học kỹ thuật vào trong sản xuất để hạn chế sự thất thoát.

Giá sầu riêng thường dao động từ 45.000-60.000 đồng/kg, đầu vụ và cuối vụ có thể lên đến 80.000 đồng. Nhiều nông dân có kinh nghiệm thường xử lý cho cây ra trái nghịch vụ để bán được nhiều tiền. Chị Ngọc Mai, một chủ vựa sầu riêng ở xã Quới Thiện cho biết tùy theo yêu cầu của thương lái mà nhà vườn thu hoạch trái sớm hay muộn. Trái sắp già, dân trong nghề gọi là sầu riêng 8 tuổi, trái già là sầu riêng 9 tuổi và trái chín gọi là sầu riêng 10 tuổi. Thường vận chuyển đi xa như Hà Nội, Trung Quốc người ta chọn trái 7, 8 tuổi để khi đến nơi trái vừa chín. Còn như bán tại chỗ người ta chọn sầu riêng 10 tuổi. Hiện nay, đa phần các nhà vườn đều trồng sầu riêng theo quy trình sạch, áp dụng công nghệ tiên tiến, bảo đảm an toàn thực phẩm, nhưng có một số thương lái sau khi thu gom trái, trước khi vận chuyển đi xa đã xử lý hóa chất để kích thích cho sầu riêng chín đồng loạt khiến nhiều khách hàng tỏ ra thận trọng trước khi mua.

Người trồng sầu riêng hiện nay không sợ bị dội hàng hoặc ế ẩm. Tuy nhiên, giá sầu riêng cũng dễ bị dao động do mùa vụ. Thường đầu vụ và cuối vụ có giá cao, đến lúc chính vụ thì xuống hơi thấp nhưng không rớt giá thê thảm như các loại trái cây khác. Như trường hợp năm nay giá đầu vụ từ 45.000-56.000 đồng/kg khiến bà con vô cùng phấn khởi. Nhiều người tự tin cho rằng dù sầu riêng không xuất khẩu được nhiều, nội địa vẫn tiêu thụ mạnh vì đây là một loại trái “vua”, còn măng cụt là “hoàng hậu”, ai ai cũng muốn thưởng thức.

Có thể chế biến nhiều món ăn đầy hương vị

Sầu riêng ngoài ăn tươi, hiện nay nhiều nhà hàng, quán ăn và các bà nội trợ còn chế ra nhiều thứ bánh mang hương vị sầu riêng vô cùng quyến rũ như bánh pía, bánh bao, bánh tiêu, bánh kem, xôi, bánh quai vạt... Ngoài ra nhiều người còn dùng sầu riêng để chế biến thành cà phê sầu riêng mang nhãn hiệu Capuchino, chè sầu riêng, đá bào sầu riêng, gà chiên, khoai tây chiên sầu riêng... có hương thơm nồng nàn, vị ngọt béo hấp dẫn. Chính nhờ vậy mà sầu riêng hiện nay được coi là một trong những mặt hàng trái cây mang lại giá trị kinh tế cao nhất và ổn định nhất của bà con nông dân Nam bộ.

PHÚC LỘC

Theo NTD