Sáp nhập với Ricons bất thành, cổ phiếu Coteccons giảm giá không phanh

Thứ tư, 12/06/2019, 09:36 AM

Cổ đông lớn phản đối sáp nhập Ricons vào Coteccons khiến giới đầu tư bi quan về khả năng tăng trưởng của nhà thầu số một Việt Nam. Cổ phiếu Coteccons bị bán tháo, lao dốc không phanh lùi về mức giá của 4 năm trước đó. Tình trạng này có thể kéo dài trong nhiều năm khi ban lãnh đạo và cổ đông lớn không cùng chung tiếng nói.

Các thành viên HĐQT Coteccons không cùng chung tiếng nói.

Các thành viên HĐQT Coteccons không cùng chung tiếng nói.

Thị trường bão hòa, cần phải M&A

Trước sức ép của cổ đông, các doanh nghiệp phải luôn tạo doanh thu, lợi nhuận tăng trưởng đều đặn mỗi năm đã khiến thị trường mua bán, sáp nhập (M&A) trở nên sôi động hơn bao giờ hết. Các thương vụ M&A diễn ra ngày càng dồn dập, đặc biệt ở những ngành rơi vào trạng thái bão hòa. Bà Mai Kiều Liên, Tổng Giám đốc CTCP Sữa Việt Nam (Vinamilk) chia sẻ, việc M&A không chỉ để cạnh tranh trong nước mà còn để tạo thành “bó đũa” khó có thể bẻ gãy bởi bất kỳ đối thủ trong và ngoài nước.

Đối với CTCP Xây dựng Coteccons, câu chuyện M&A không phải là điều mới mẻ vì năm 2015, doanh nghiệp này đã sáp nhập thành công CTCP Đầu tư Xây dựng Uy Nam (Unicons) giúp doanh thu, lợi nhuận, thị phần, giá cổ phiếu tăng mạnh trong nhiều năm liền.

Một năm trở lại đây, thị trường xây dựng nhà ở đã có dấu hiệu xuống dốc nên tỷ suất lãi gộp của Coteccons giảm mạnh từ 8,7% (năm 2016) xuống còn 6,4% (quý 1/2019). Những khách hàng trọng điểm chiếm tỷ trọng khá lớn gia tăng ưu thế đàm phán khiến công ty khó có thể có được các hợp đồng mới với những điều khoản tốt hơn.

Chính vì vậy, tại Đại hội đồng cổ đông thường niên 2019 của Coteccons, công ty đã trình đại hội việc sáp nhập CTCP Đầu tư Xây dựng Ricons. Nếu 2 đơn vị này sáp nhập trong năm 2018, Ricons sẽ giúp Coteccons tăng thêm 32,6% doanh thu và 28,5% lợi nhuận.

Ông Nguyễn Bá Dương, Chủ tịch HĐQT Coteccons, nhấn mạnh: “Nếu sáp nhập, chúng ta sẽ có 3 công ty trong top 5 công ty xây dựng lớn nhất Việt Nam”. Đó là Coteccons, Ricons và Unicons. Việc sở hữu Ricons sẽ giúp Coteccons tạo lợi thế cạnh tranh về quy mô, tăng năng lực triển khai các dự án lớn và đặc biệt lớn, thúc đẩy việc tăng doanh thu và lợi nhuận công ty.

Đại diện đơn vị tư vấn PwC, ông Johnathan Ooi, Phó Tổng Giám đốc PwC cho biết: “Ricons là công ty xây dựng thuộc top 10 Việt Nam, do đó nếu sáp nhập sẽ giúp Coteccons củng cố vị thế của mình tại thị trường trong nước”. Hiện, Ricons khác Coteccons là tham gia xây dựng tại những phân khúc vừa và nhỏ, do đó sáp nhập sẽ giúp Cotecconsm mở rộng được thị trường hoạt động, gia tăng giá trị tại những thị trường ngách chưa có thế mạnh. PwC khẳng định, việc sáp nhập Ricons sẽ giúp Coteccons đa dạng phân khúc hoạt động từ đó phát triển mạnh mẽ hơn.

Biểu đồ doanh thu, lợi nhuận giai đoạn 2014-2018, kế hoạch 2019 của Coteccons và Ricons. (ĐVT: Tỷ đồng).

Biểu đồ doanh thu, lợi nhuận giai đoạn 2014-2018, kế hoạch 2019 của Coteccons và Ricons. (ĐVT: Tỷ đồng).

Vấp phải sự phản đối từ cổ đông lớn

Là một trong những cổ đông sáng lập và điều hành Coteccons từ năm 2002 đến nay, ông Nguyễn Bá Dương rất kỳ vọng thương vụ M&A này diễn ra để duy trì đà tăng trưởng của nhà thầu số một Việt Nam. Nếu hoàn tất sáp nhập Ricons, Coteccons sẽ lên kế hoạch M&A thêm một đơn vị xây lắp khác. Tuy nhiên, sự kỳ vọng của ông Nguyễn Bá Dương vấp phải sự phản đối kịch liệt từ thành viên HĐQT Talgat Turumbayev, đại diện cho cổ đông lớn Kustocem đã gắn bó với Coteccons từ năm 2012 đến nay.

Nhóm cổ đông Kustocem đại diện ít nhất 35% quyền biểu quyết tại Coteccons cho rằng: “Thương vụ M&A với Ricons sẽ không mang lại bất cứ lợi ích và giá trị nào có liên quan tới hoạt động vận hành của Coteccons hiện tại”. Tuy nhiên, vấn đề thật sự của thương vụ M&A này là tỷ lệ sở hữu của Coteccons tại Ricons quá thấp chỉ 14,87% so với 48,8% tại Unicons và nhóm cổ đông Kustocem không sở hữu bất kỳ cổ phiếu nào của Ricons.

Nếu tỷ lệ hoán đổi cổ phiếu được thực hiện theo giá trị sổ sách như thương vụ M&A tại Unicons thì tỷ lệ sở hữu của nhóm cổ đông Kustocem giảm rõ rệt từ 35% chỉ còn 29%. Đồng thời, tỷ lệ sở hữu của ban lãnh đạo Coteccons sẽ tăng lên vì thực chất Ricons chỉ là “sân sau” của những cá nhân này.

Cổ phiếu Coteccons sẽ còn rơi nữa?

Đáp lại sự gay gắt của nhóm cổ đông Kustocem, ông Nguyễn Bá Dương quyết định dừng lại thương vụ sáp nhập Ricons và nhấn mạnh không muốn nhắc đến việc M&A bất kỳ công ty nào nữa. M&A Ricons bất thành khiến nhà đầu tư thiếu niềm tin vào sự tăng trưởng của Coteccons trong thời gian tới đã làm cổ phiếu CTD của Coteccons giảm 24% trong gần 2 tháng qua. Tính từ khi đạt đỉnh vào cuối năm 2017, CTD mất 54% giá trị.

Mâu thuẫn giữa các thành viên HĐQT sẽ khiến định hướng hoạt động của công ty gặp nhiều khó khăn. Điều này khiến nhiệt huyết của một số thành viên ban lãnh đạo Coteccons giảm xuống và họ dồn sức cho “sân sau” Ricons làm cho việc cạnh tranh trên thị trường xây dựng trở nên khốc liệt hơn nữa.

Năm nay, Nguyễn Bá Dương đã 60 tuổi và chưa bàn đến chuyện nghỉ hưu. Tuy nhiên, những xung đột trong định hướng chiến lược phát triển của nhà thầu số một Việt Nam sẽ khiến ông mệt mỏi, căng thẳng và có thể rút lui khỏi công ty khi hết nhiệm kỳ HĐQT 2017-2022. Coteccons sẽ hoạt động ra sao khi mất đi linh hồn, người thuyền trưởng tài ba.

Ngoài việc mâu thuẫn giữa cổ đông lớn và ban lãnh đạo, Coteccons còn đối mặt với việc khó khăn của thị trường nhà ở, đặc biệt là phân khúc cao cấp sẽ kéo dài. Điều này có thể khiến cổ phiếu CTD tiếp tục giảm sâu trong thời gian tới và cổ đông tiếp tục sống trong chuỗi ngày lo âu khi đồng vốn tiếp tục “đội nón ra đi”.

Trí Nguyễn

Theo NTD

largeer