Sáng nay Thủ tướng chủ trì hội nghị quan trọng về chứng khoán

Thứ tư, 28/02/2024, 10:11 AM

Sáng nay (28/2), tại Hà Nội, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị triển khai nhiệm vụ phát triển thị trường chứng khoán năm nay.

Cùng dự hội nghị có Phó Thủ tướng Lê Minh Khái, lãnh đạo một số bộ, ban, ngành, đại diện các cơ quan ngoại giao, tổ chức quốc tế, các ngân hàng, hiệp hội, doanh nghiệp niêm yết trên thị trường chứng khoán sẽ có tham luận tại hội nghị.

Khối bộ, ngành có Ngân hàng Nhà nước, Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Cơ quan ngoại giao/ tổ chức quốc tế gồm: Đại sứ quán Hàn Quốc, Ngân hàng Thế giới WB.

Doanh nghiệp niêm yết gồm: Ngân hàng Thương mại Cổ phần Quân đội (MB), Ngân hàng Thương mại cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), Công ty cổ phần FPT, Công ty cổ phần Cơ điện lạnh, Công ty cổ phần Bất động sản Phát Đạt, Công ty cổ phần Nông nghiệp BAF Việt Nam. Công ty quản lý quỹ Dragon Capital Việt Nam, Công ty Chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh (HSC)

Theo chương trình, Chủ tịch Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước Vũ Thị Chân Phương sẽ trình bày báo cáo "Chứng khoán Việt Nam – nỗ lực kiên trì vì sự phát triển bền vững".

Thủ tướng Phạm Minh Chính sẽ có phát biểu chỉ đạo triển khai nhiệm vụ phát triển thị trường chứng khoán năm 2024. (Ảnh: VGP/Nhật Bắc).

Thủ tướng Phạm Minh Chính sẽ có phát biểu chỉ đạo triển khai nhiệm vụ phát triển thị trường chứng khoán năm 2024. (Ảnh: VGP/Nhật Bắc).

Cuối năm 2023, Chính phủ đã phê duyệt Chiến lược phát triển thị trường chứng khoán đến năm 2030. Mục tiêu và định hướng chung là kiến tạo một thị trường phát triển ổn định, an toàn, lành mạnh, hiệu quả, bền vững và hội nhập; nâng cao khả năng chống chịu rủi ro, có cơ cấu hợp lý giữa các cấu phần thị trường, trở thành kênh huy động vốn trung và dài hạn quan trọng, chủ yếu cho nền kinh tế...

Về quy mô thị trường: Đến năm 2025, quy mô vốn hóa thị trường cổ phiếu đạt 100% GDP, dư nợ thị trường trái phiếu đạt tối thiểu 47% GDP (trong đó dư nợ trái phiếu doanh nghiệp đạt tối thiểu 20% GDP) và đến năm 2030 quy mô vốn hóa thị trường cổ phiếu đạt 120% GDP, dư nợ thị trường trái phiếu đạt 58% GDP (trong đó dư nợ trái phiếu doanh nghiệp đạt tối thiểu 25% GDP). Thị trường chứng khoán phái sinh tăng trưởng trung bình khoảng 20% - 30% mỗi năm trong giai đoạn 2021 - 2030.

Về số lượng tài khoản của nhà đầu tư: Số lượng tài khoản giao dịch chứng khoán của nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán đạt 9 triệu tài khoản vào năm 2025 và 11 triệu tài khoản vào năm 2030, trong đó tập trung phát triển nhà đầu tư có tổ chức, nhà đầu tư chuyên nghiệp và thu hút sự tham gia của nhà đầu tư nước ngoài. Tăng tỷ trọng trái phiếu Chính phủ do nhà đầu tư là tổ chức phi ngân hàng nắm giữ lên mức 55% vào năm 2025 và 60% vào năm 2030.

Về nâng cao chất lượng thị trường: Chính phủ đặt ra mục tiêu nâng cao chất lượng quản trị công ty niêm yết trên mức bình quân khu vực Đông Nam Á; áp dụng thông lệ tốt về tiêu chuẩn môi trường, xã hội và quản trị công ty (tiêu chuẩn ESG) tại các Sở giao dịch chứng khoán và Tổng công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam hướng tới yếu tố phát triển bền vững theo thông lệ quốc tế. Đây là một xu hướng và thông lệ phổ biến trong phát triển thị trường chứng khoán các nước trên thế giới hiện nay.

Chiến lược cũng đặt ra mục tiêu hoàn thành việc phân bảng cổ phiếu niêm yết tại Sở giao dịch chứng khoán trong năm 2025 và phấn đấu đến năm 2025 nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam từ thị trường cận biên lên thị trường mới nổi theo tiêu chuẩn phân hạng thị trường chứng khoán của các tổ chức quốc tế nhằm nâng tầm phát triển thị trường chứng khoán Việt Nam và thu hút thêm nguồn vốn đầu tư từ nước ngoài.

Về hội nhập quốc tế: Thị trường chứng khoán Việt Nam tích cực hội nhập vào thị trường tài chính, chứng khoán thế giới, đáp ứng yêu cầu về an ninh tài chính, nâng cao khả năng cạnh tranh, quản trị rủi ro, đưa vào áp dụng các chuẩn mực và thông lệ quốc tế; hướng tới đạt trình độ phát triển của nhóm 4 nước dẫn đầu khu vực ASEAN vào năm 2025.

Theo tienphong.vn