Sản xuất công nghiệp gặp khó

Thứ sáu, 16/06/2023, 15:27 PM

5 tháng đầu năm 2023, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) giảm 2% so với cùng kỳ năm trước.

Tình trạng sụt giảm hoặc tăng trưởng thấp của ngành công nghiệp, nhất là công nghiệp chế biến, chế tạo có thể còn tiếp tục trong thời gian tới, ảnh hưởng không nhỏ tới tăng trưởng của toàn nền kinh tế.

Nguyên nhân khiến chỉ số IIP tăng thấp hoặc giảm ở một số địa phương là do ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, ngành khai khoáng và ngành sản xuất, phân phối điện giảm.

1

Tổng cục Thống kê chỉ ra, tốc độ tăng chỉ số IIP bắt đầu chậm lại từ quý IV/2022 (chỉ tăng 3%) và giảm trong các tháng đầu năm 2023. Đây là hiện tượng hiếm thấy và ngược chiều so với cùng kỳ nhiều năm trước đây (5 tháng năm nay giảm 2%, trong khi cùng kỳ năm 2022 tăng 8,1%).

Đáng chú ý, IIP giảm thấp diễn ra ở 2 ngành chủ yếu là ngành công nghiệp chế biến, chế tạo và ngành khai khoáng. Ngành là sản xuất và phân phối điện tăng nhẹ 0,8%; ngành cung cấp nước và hoạt động xử lý nước thải, rác thải tăng 6,4%. Tuy nhiên, 2 ngành này chiếm tỷ trọng nhỏ.

Sự sụt giảm hoặc tăng thấp của công nghiệp diễn ra ở nhiều tỉnh, thành phố. Cụ thể, 5 tháng đầu năm 2023, Quảng Nam giảm 36,7%; Bắc Ninh giảm 19,1%; Vĩnh Long giảm 16,6%; Sóc Trăng giảm 16,5%; Đà Nẵng giảm 4,8%; Hòa Bình giảm 4,6% so với cùng kỳ năm trước.

Những diễn biến trên đã tác động tiêu cực đến việc thực hiện mục tiêu về giá trị tăng thêm của toàn ngành công nghiệp, đến tỷ trọng của công nghiệp chế biến, chế tạo, đến mục tiêu tăng trưởng GDP của toàn nền kinh tế.

Theo các chuyên gia kinh tế đánh giá, tình trạng này có thể còn tiếp tục trong những tháng tới, do nhiều yếu tố. Trước hết, là chỉ số sử dụng lao động của các doanh nghiệp công nghiệp. Toàn ngành giảm 3,5%; trong đó, công nghiệp chế biến, chế tạo giảm sâu hơn (3,7%). Một số ngành cụ thể còn giảm sâu hơn nữa, như: sản xuất giường, tủ, bàn, ghế; sản xuất kim loại; dệt, may; sản xuất da và các sản phẩm khác có liên quan; sản xuất vật liệu xây dựng…

Cùng với đó, so với cùng kỳ năm ngoái, số doanh nghiệp công nghiệp khởi nghiệp giảm 1,6%; số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động giảm 7,4%; số doanh nghiệp giải thể tăng 6,5%; số doanh nghiệp tạm dừng kinh doanh tăng 20,3%; số doanh nghiệp tạm dừng hoạt động tăng 34,1%. Những doanh nghiệp đang hoạt động gặp rất nhiều khó khăn ở đầu ra.

Về sản xuất, những hạn chế của ngành công nghiệp tuy có cải thiện, nhưng chưa đáng kể. Công nghiệp hỗ trợ còn yếu; tính gia công, lắp ráp còn lớn; tỷ trọng doanh nghiệp công nghiệp chế biến, chế tạo có trình độ kỹ thuật công nghệ cao còn thấp.

Đặc biệt, ở đầu ra, ngành công nghiệp nói chung và công nghiệp chế biến, chế tạo nói riêng vẫn đối mặt với nhiều thách thức. Xuất khẩu một số sản phẩm công nghiệp giảm; trong đó, có một số mặt hàng giảm sâu hơn tốc độ chung hoặc những mặt hàng có kim ngạch lớn, như sợi dệt, sắt thép, gỗ và sản phẩm gỗ, điện tử, máy tính, điện thoại và linh kiện, dệt may, giày dép… Kim ngạch xuất khẩu giảm có phần do lượng sản xuất giảm, có phần do giá xuất khẩu giảm, có phần do địa bàn, do thị trường…

Trước những khó khăn, hiện, hầu hết các doanh nghiệp đã có động thái đối phó tương ứng bằng cách giảm cả sản lượng, việc làm và hoạt động mua hàng. Tuy nhiên, các doanh nghiệp đang kỳ vọng, quá trình hồi phục của ngành sản xuất sẽ diễn ra trong những tháng tới.

TRANG NHI

Theo congly.vn

largeer