Rộ nạn mạo danh bác sĩ, bệnh viện

Thứ ba, 12/09/2023, 09:52 AM

Sở Y tế TP HCM đề nghị người dân thông tin, tố cáo các cá nhân, tổ chức, trang mạng xã hội mạo danh bệnh viện, bác sĩ đến đường dây nóng 096 777 1010 hoặc 028 3930 7916

Gần đây lại tiếp tục rộ lên tình trạng mạo danh bác sĩ, bệnh viện tung tin giả nhằm lừa đảo, thu lợi bất chính. Mới đây nhất là thông tin việc đăng ký hiến tạng tại Đơn vị Điều phối ghép các bộ phận cơ thể người của Bệnh viện Chợ Rẫy (TP HCM) phải tốn 500.000 đồng mới nhận được thẻ.

Ngày càng nhiều hơn

Khẳng định thông tin trên hoàn toàn sai sự thật, TS-BS chuyên khoa II Nguyễn Tri Thức, Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy, cho biết đây không phải là lần đầu bệnh viện bị mạo danh, lợi dụng. Thời gian qua, rất nhiều lần bệnh viện bị mạo danh quảng cáo thẩm mỹ, khám chữa bệnh, lừa gạt người bệnh, người nhà bệnh nhân, thậm chí cả nhân viên y tế.

Cụ thể gần đây, nhiều người liên hệ hỏi về thông tin tuyển dụng vị trí "Trưởng phòng điều dưỡng" trên trang fanpage có tên "Đa khoa Chợ Rẫy". Trong bài viết của trang này còn cập nhật 1 link ứng tuyển trực tiếp. Qua kiểm tra, cơ quan chức năng xác định trang tuyển dụng trên là giả mạo. Bệnh viện Chợ Rẫy khuyến cáo người dân lưu ý và cẩn thận khi cung cấp thông tin hồ sơ cá nhân cũng như click vào các link trên các trang giả mạo. Bệnh viện Chợ Rẫy khẳng định bệnh viện chỉ có 1 trang fanpage đang hoạt động trên Facebook: https://www.facebook.com/choray.vn/.

BS Nguyễn Phan Tú Dung khẳng định bản thân bị mạo danh trên mạng xã hội Facebook với hàng loạt tài khoản giả

BS Nguyễn Phan Tú Dung khẳng định bản thân bị mạo danh trên mạng xã hội Facebook với hàng loạt tài khoản giả

Đáng lên án nhất là vụ lừa đảo mất nhân tính "con đang cấp cứu ở Bệnh viện Chợ Rẫy". Kẻ gian đóng giả giáo viên, người trong nhà trường thực hiện các cuộc gọi thông báo đến phụ huynh là con của họ bị tai nạn, chấn thương sọ não, đang được mổ gấp và yêu cầu chuyển tiền để đóng viện phí. Vì lo lắng sức khỏe của con, nhiều người sập bẫy, chuyển tiền cho kẻ gian.

Theo nhiều lãnh đạo bệnh viện, mạo danh bệnh viện và bác sĩ trên mạng xã hội không phải tình trạng mới nhưng ngày càng rầm rộ với hình thức tinh vi hơn. Các đối tượng, tổ chức lợi dụng mạng xã hội lập hàng loạt fanpage gắn thương hiệu bệnh viện lớn theo kiểu lập lờ để trục lợi; sử dụng hình ảnh bác sĩ bán thuốc, thực phẩm chức năng…

Mới đây, Bệnh viện Chợ Rẫy ra văn bản thông báo nhắc nhở toàn thể nhân viên, đặc biệt các bác sĩ, điều dưỡng phải tuân thủ các quy định hiện hành về quản lý, dùng thuốc trong quá trình tư vấn, hướng dẫn, chỉ định cho bệnh nhân. Tuyệt đối không được tư vấn, hướng dẫn, chỉ định cho bệnh nhân các thuốc chưa được phép lưu hành tại Việt Nam, thuốc thuộc loại "hàng xách tay", thuốc chưa rõ nguồn gốc. Không được dùng những thông tin y tế làm căn cứ để hướng dẫn, định hướng, lôi kéo, chỉ định cho bệnh nhân dùng thực phẩm chức năng như là thuốc chữa bệnh…

BS chuyên khoa II Phạm Thanh Việt, Trưởng Phòng Kế hoạch Tổng hợp Bệnh viện Chợ Rẫy, cảnh báo trong trường hợp có ai đó gọi điện thoại và thông báo đến người bệnh hoặc thân nhân người bệnh để tư vấn về thực phẩm chức năng và nói rằng đây là chỉ định của bác sĩ Bệnh viện Chợ Rẫy, tốt hơn hết mọi người nên cảnh giác vì đây là những cuộc gọi mang tính chất lừa người bệnh để trục lợi.

Thủ đoạn ngày càng tinh vi

TS-BS Nguyễn Phan Tú Dung, Giám đốc Bệnh viện Thẩm mỹ JW (TP HCM), cho hay ông rất bức xúc khi phát hiện bị mạo danh trên mạng xã hội Facebook với hàng loạt tài khoản giả. Lên mạng xã hội này, gõ từ khóa "Nguyễn Phan Tú Dung" sẽ ra hàng hoạt trang giả với ảnh đại diện giống tài khoản chính chủ. Trước đó, có nhiều cá nhân, tổ chức lập fanpage trên Facebook hoặc tài khoản Zalo, TikTok giả mạo thương hiệu Bệnh viện Thẩm mỹ JW và bác sĩ Tú Dung để lừa đảo khách hàng. Ngoài ra, có người còn mạo danh bác sĩ Tú Dung, trợ lý bác sĩ Tú Dung nhằm lừa gạt khách hàng đến cơ sở của đối tượng giả danh để mổ chui. Thậm chí ảnh đại diện của ông cũng bị mạo danh làm tài khoản cho một bác sĩ ở tận Đài Loan với tên "Zhang Wei".

"Mới đây, một người thân ở Hà Nội gọi điện hỏi có phải tôi đang ở Hà Nội. Hỏi ra mới phát hiện có một tài khoản giả lấy tên "BS Tú Dung - Hà Nội" lên lịch mổ cho bệnh nhân" - BS Tú Dung kể.

Chỉ ra những thủ thuật mạo danh này, BS Tú Dung cho biết trước hết những đối tượng này đặt tên Facebook giống nick chính chủ; sau đó lấy ảnh đại diện giống nick chính chủ để gây nhầm lẫn. Tiếp đó, họ sao chép toàn bộ thông tin trên tài khoản chính chủ như: link bài báo, link liên kết, tài khoản mạng xã hội... Cuối cùng, các đối tượng lấy cắp toàn bộ hình ảnh của chính chủ để đăng tải lại trên Facebook giả mạo và thay đổi lùi thời gian.

"Thủ đoạn giả mạo hết sức tinh vi, mọi người nên cẩn thận và hãy report (báo cáo) những nick giả mạo này. Khi xảy ra chuyện, cả tôi và mọi người đều là nạn nhân" - BS Tú Dung khuyến cáo.

Trước đó, Bệnh viện Bình Dân (TP HCM) đã lên tiếng cảnh báo về một số trang mạng xã hội giới thiệu là Phòng khám Nam khoa Bệnh viện Bình Dân nhưng địa chỉ lại là một phòng khám trên địa bàn quận 5. Theo BS Lê Vũ Tân, Khoa Nam học Bệnh viện Bình Dân, nhiều tài khoản mạng xã hội đã cắt ghép hình ảnh của bác sĩ nam khoa này gắn với quảng cáo cắt bao quy đầu giá 120.000 đồng là giả mạo, trục lợi.

Đại tá Nguyễn Văn Tuấn, Chủ nhiệm chính trị Bệnh viện Quân y 175 (TP HCM), cũng thông tin gần đây nhiều trang cá nhân, phòng khám tư, cơ sở thẩm mỹ mạo danh bệnh viện cũng khá phổ biến với các tên như: "Viện thẩm mỹ 175", "Bệnh viện 175"... để quảng cáo và thu hút bệnh nhân. Những trang fanpage Facebook giả mạo trên đã ngang nhiên sao chép và đăng tải lại các bài đăng, logo, ảnh bìa trang fanpage chính thức của bệnh viện. Thậm chí, một số trang giả mạo còn lợi dụng danh tiếng của bác sĩ Bệnh viện Quân y 175 để gây nhầm lẫn, trục lợi.

"Chúng tôi khẳng định việc mạo danh, giả mạo, lấy tên tuổi các bác sĩ và thương hiệu bệnh viện để trục lợi có thể gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của người dân, thậm chí cả tính mạng người sử dụng dịch vụ, đồng thời làm ảnh hưởng đến uy tín của bệnh viện. Người dân cần cảnh giác, tránh bị các cơ sở thẩm mỹ giả nhái thương hiệu cạnh tranh không lành mạnh nhằm tạo lòng tin để thực hiện phẫu thuật thẩm mỹ không an toàn, gây hậu quả nghiêm trọng" - đại tá Tuấn cảnh báo. 

Thuê khách sạn để bơm, tiêm

ThS-BS Lê Thảo Hiền, Khoa Thẩm mỹ da Bệnh viện Da Liễu TP HCM, chia sẻ vừa cứu cô gái 26 tuổi ở TP HCM nguy kịch sau khi tiêm filler làm đẹp ngực trong khách sạn. Cô gái này được một "nhân viên" trên Facebook ở Hà Nội vào TP HCM tiêm filler với chi phí vài chục triệu đồng nhưng phải nhập viện vì ngực sưng to, cương mủ, đau nhức. Các bác sĩ phải nạo, tháo chỗ áp xe để cứu tính mạng bệnh nhân nhưng hậu quả ngực bị biến dạng thì khó tránh khỏi.

Theo nld.com.vn