Để trở thành người lãnh đạo giỏi, giới tính liệu có quan trọng?

Thứ hai, 11/09/2023, 13:32 PM

Xóa bỏ định kiến về giới vẫn luôn là vấn đề nhức nhối, gây tranh cãi trong xã hội thời gian gần đây. Và liệu rằng chúng ta đã thực sự xóa bỏ định kiến về giới, nam và nữ liệu đã bình đẳng trong công tác xã hội?

Định kiến giới là gì? Đây có thể được định nghĩa là những quan điểm, thái độ, ý thức và sự đánh giá có xu hướng tiêu cực về vấn đề giới tính nam, nữ như: Vị trí, vai trò, tầm quan trọng, năng lực của nam hoặc nữ trong xã hội cụ thể. Định kiến giới thường sẽ không phù hợp và không thể phản ánh được đúng tình hình thực tế về vấn đề giới tính nam nữ. Do đó, khi xã hội ngày càng phát triển thì các phong trào đòi quyền bình đẳng giới, xóa bỏ định kiến giới ngày càng nhiều.

Ngày 10/09 tại TP.HCM diễn ra một buổi tọa đàm “Định kiến giới về vai trò lãnh đạo của phụ nữ trong marketing, báo chí và trường học”.

Buổi tọa đàm có sự tham gia của ông Lê Văn Sơn - Giám đốc Trung tâm nghiên cứu giới, gia đình và phát triển cộng đồng; ông Ân Đặng - Head of HCMC Branch, OMEGA Media Worldwide JSC; bà Nguyễn Nữ Nguyệt Anh - Trưởng khoa Xã hội học, Trường Đại học KHXH&NV, ĐHQG TP.HCM và hơn 35 đại biểu là các sinh viên nòng cốt đến từ các Trường đại học tại TPHCM, các nhóm ngành Marketing và báo chí.

Các diễn giả trong buổi tọa đàm “Định kiến giới về vai trò lãnh đạo của phụ nữ trong marketing, báo chí và trường học”.

Các diễn giả trong buổi tọa đàm “Định kiến giới về vai trò lãnh đạo của phụ nữ trong marketing, báo chí và trường học”.

Đại diện nhóm sinh viên chia sẻ, không đồng tình với câu nói “Phụ nữ giỏi việc nước đảm việc nhà”. Vì theo các bạn, phụ nữ không thể vừa đảm việc nước lại giỏi việc nhà. Và liệu những người phụ nữ hiếm hoi vừa đảm việc nước vừa giỏi việc nhà họ có thực sự hạnh phúc không?

Các bạn sinh viên cũng nêu lên quan điểm, ngày nay đòi hỏi cả hai giới đều phải gánh vác việc bên ngoài và ở nhà. Chúng ta không nên áp nột vai trò cụ thể nào cho phụ nữ. Phải có sự công bằng để cho phụ nữ an tâm làm việc.

Thêm vào đó các bạn cũng nêu lên quan điểm, tại sao báo chí lại quá chú trọng vào diện mạo, trang điểm của lãnh đạo nữ thay vì chú trọng vào năng lực và những thành tựu mà họ đạt được.

Ông Ân Đặng - Head of HCMC Branch, OMEGA Media Worldwide JSC cũng chia sẻ, hiện công ty ông nắm giữ vai trò lãnh đạo là một lãnh đạo nữ. Và nếu được lựa chọn lần nữa thì ông cũng không quan tâm giới tính.

“Giới nào cũng được. Nếu họ có tố chất lãnh đạo thì mình không quan tâm giới tính”, ông Ân nói.

Đối với câu hỏi biểu hiện định kiến về nữ giới hiện nay, trong môi trường giáo dục biểu hiện như thế nào? Bà Nguyễn Nữ Nguyệt Anh - Trưởng khoa Xã hội học, Trường Đại học KHXH&NV, ĐHQG TP.HCM chia sẻ: “Trong môi trường đại học sẽ có sự phấn đấu rất cao. Những giảng viên đại học đều phải có bằng thạc sỹ là ít nhất và phải phấn đấu liên tục. Người làm quản lý chưa chắc là người làm lãnh đạo. Tuy nhiên, đã là người lãnh đạo rồi thì nó không đơn giản tí nào”.

Bà cũng cho biết thêm, vị trí lãnh đạo đa phần sẽ là nam giới vì đàn ông có nhiều thời gian để phấn đấu hơn còn phụ nữ do phải sinh con, sẽ mất nhiều thời gian hơn nam giới. Vai trò Quản lý ở đại học yêu cầu có khả năng hợp tác quốc tế, khả năng quản lý... vì lý do đó nên thường chọn nam giới vì không bị ràng buộc, dễ đi công tác xa hơn, có điều kiện thuận tiện hơn.

“Đặc biệt, ở Việt Nam người ta nói chuyện trên bàn nhậu rất nhiều do đó nam giới sẽ phù hợp hơn. Cho nên bỏ phiếu tín nhiệm ng ta thường làm lãnh đạo”, bà chia sẻ thêm.

Có thể nói, mặc dù xã hội phát triển, vai trò nữ quyền ngày càng được lan rộng ở nhiều quốc gia, tuy nhiên, thay vì đặt vai trò người đàn ông và phụ nữ ở mức độ công bằng thì xã hội lại quá kỳ vọng người phụ nữ. Yêu cầu người phụ nữ vừa có thể làm lãnh đạo vừa có thể chu toàn việc gia đình. Xét theo chức năng sinh học, người phụ nữ sau khi kết hôn phải sinh con thì người phụ nữ luôn ở vạch xuất phát sau nam giới 6 năm.

Nhìn vào số liệu tỷ lệ đại biểu nữ Hội đồng nhân dân cấp tỉnh nhiệm kỳ 2021-2026 chỉ chiếm 29%, tỷ lệ đại biểu nữ Hội đồng nhân dân cấp huyện nhiệm kỳ 2021-2026 chiếm 29,1%, tỷ lệ đại biểu nữ Hội đồng nhân dân cấp xã nhiệm kỳ 2021-2026 chiếm 29%. Điều này phần nào cho thấy, vai trò của phụ nữ vẫn khá là hạn chế.

Có thể nói, định kiến về giới là một vấn đề dài hơi và không thể xóa bỏ trong một sớm một chiều được. Tại các nước Châu Á như Hàn Quốc, Nhật Bản và gần đây nhất là Trung Quốc vai trò nữ quyền ngày càng tăng cao nhằm khẳng định vị thế người phụ nữ và đòi quyền bình đẳng giữa nam và nữ trong xã hội.

Theo CL&CS

largeer