Rạch Giá khổ vì... chim yến

Thứ hai, 08/04/2019, 15:35 PM

Đường phố Rạch Giá trở nên nhộn nhịp hẳn lên bởi “các tập đoàn” chim yến bay lượn và tiếng loa chiêu dụ yến huyên náo. Cuộc sống của các hộ nuôi yến giờ đây khấm khá, nhưng những người không nuôi yến lại nhức đầu và gặp nhiều phiền toái.

Con đường Nguyễn An Ninh, phường Vĩnh Lạc thật náo nhiệt, ồn ã và nguồn gốc tiếng ồn không từ xe cộ mà lại xuất phát từ những tòa nhà cao tầng. Hàng ngàn con chim yến bay lượn theo tiếng loa dụ chim yến được mở hầu như là 24/24.

Nhiều hộ kinh doanh nhà nghỉ, khách sạn trên đường Nguyễn Quang Bích

Nhiều hộ kinh doanh nhà nghỉ, khách sạn trên đường Nguyễn Quang Bích "khó làm ăn” vì tiếng ồn phát ra 24/24 từ những loa dụ chim yến.

Khóc - cười vì chim yến

Đất lành chim đậu. Cảnh tượng đó nhắc nhở mọi người về miệt sông nước miền Tây chim cá phong phú kéo về.

Không phải tự nhiên mà yến bay về. Nghề nuôi, dụ chim yến lấy tổ đã phát triển một cách tự phát, rầm rộ nhiều năm qua tại phố biển Rạch Giá.

Đi dạo trên đoạn đường dài khoảng 300m, chỉ cần ngước nhìn lên những ngôi nhà cao tầng, bất kể đó là nhà ở hay khách sạn thì cũng dễ dàng phát hiện ra những ô nhỏ cùng thiết bị phát âm thanh để dụ chim yến.

Bà H. - một người dân sống ngay ngã ba Nguyễn An Ninh - Nguyễn Quang Bích cho biết: Nghề nuôi chim yến đã có từ lâu, nhưng nở rộ vài năm trở lại đây. Họ mở loa cả ngày lẫn đêm. Nhà này nuôi, nhà kia nuôi, sát rạt nhau. Để dụ chim yến về “tổ” thì nhà này phải tăng công suất loa hơn nhà kia. Người dân bị “khủng bố” đến nỗi inh tai, nhức óc.

Tiếp lời bà H., chị N. nhân viên một quán cà phê gần đó kể: “Có hôm, khách kêu ra nói quán pha chế mất vệ sinh khi có một bãi phân chim nhỏ trong ly cà phê. Sau khi nghe tiếng loa và thấy chim bay liệng trên đầu, cả khách lẫn nhân viên nhìn nhau cười trừ”.

Còn chuyện giặt đi giặt lại quần áo với người dân ở khu vực này là quá bình thường. “Sáng đem lên sân thượng phơi, trưa lên lấy đồ xuống giặt lại. Tất cả là vì phân chim” - chị Q, kinh doanh nhà nghỉ, trần tình.

Dân địa phương còn khó ở là vậy thì du khách đến Rạch Giá nào kham nổi. “Mới đầu nghe cũng lạ tai, nhưng được một hôm thì tôi chịu hết nổi cảnh bị tra tấn bởi tiếng chim “nhân tạo” nên đành phải chuyển sang khách sạn khác để ở” - một du khách đến từ TP.HCM ngao ngán.

Không khó để bắt gặp những ngôi nhà hay khách sạn nuôi, dụ chim yến như thế này tại Rạch Giá.

Không khó để bắt gặp những ngôi nhà hay khách sạn nuôi, dụ chim yến như thế này tại Rạch Giá.

Lợi nhuận cao - Tiềm ẩn nhiều nguy cơ

Giá bán tổ yến dao động từ 18-20 triệu đồng/kg, mỗi tháng thu về 1-2kg tổ yến, có nhà “trúng” 3-4kg. Vì thế, nhiều hộ dân Rạch Giá đã đổ vốn vào nghề này. Tuy vậy, bà H. nói không phải ai cũng nuôi được.

“Phải có nhà cao tầng, đầu tư thiết bị, âm thanh... nên nghề chỉ người có điều kiện mới theo được. Đa phần thì nhiều hộ cơi nới thêm nhà cao tầng để nuôi, nhưng cá biệt cũng có vài người xây hẳn một ngôi nhà để nuôi chim yến. Họ đa phần là dân kinh doanh hay cán bộ” - bà H. nói.

Theo số liệu thống kê vào giữa năm 2018, tất cả 12 phường, xã ở Rạch Giá đều có hộ nuôi, dụ chim yến với con số gần 500 hộ, chiếm hơn 70% trong tổng số 700 hộ nuôi ở Kiên Giang. Nuôi nhiều nhất là ở các phường gần biển như Vĩnh Lạc, An Hòa, Vĩnh Quang... trong đó, Vĩnh Lạc đứng đầu với 150 hộ.

Chính vì thế, tình trạng ô nhiễm vệ sinh, ô nhiễm tiếng ồn, dịch bệnh... là chuyện hiển nhiên. Dân liên tục đâm đơn cầu cứu lên các cấp chính quyền địa phương. Chính quyền tỉnh Kiên Giang đã có nhiều chỉ đạo nhằm chấn chỉnh lại nghề nuôi yến.

Từ tháng 10/2018, chính quyền cấm xây dựng mới nhà nuôi chim yến ở các phường Rạch Sỏi, An Bình, An Hòa, Vĩnh Lạc, Vĩnh Bảo, Vĩnh Thanh Vân và Vĩnh Thanh.

Với nhà nuôi chim yến đã xây dựng kiên cố thì giữ nguyên hiện trạng. Với nhà nuôi làm bằng vật liệu tạm bợ thì phải nâng cấp để bảo đảm kiến trúc cảnh quan, an toàn...

“Chỉ đỡ hơn phần nào thôi chứ với bấy nhiêu hộ nuôi hiện tại thì người dân chúng tôi cũng quá mệt mỏi rồi! Phải chi tỉnh có kế hoạch quản lý, siết chặt nghề này từ nhiều năm trước thì hay biết mấy!” - Bà H. chia sẻ.

Empty

Các số liệu thống kê mới nhất cho thấy 42/63 tỉnh thành hiện có nuôi yến với 8.304 nhà yến. TP.HCM đứng đầu với khoảng 700 nhà yến, tập trung chủ yếu ở Cần Giờ, Củ Chi và Q.9. Kế đến là Kiên Giang (chủ yếu ở Rạch Giá), Tiền Giang, Bạc Liêu và các tỉnh miền Trung. Tốc độ phát triển đàn yến ở các địa phương này trung bình 22-25%, có nơi lên đến 35%.

Tỷ lệ phát triển đàn yến hiện thời của Việt Nam là 13-15%. Dự kiến đến năm 2020 sẽ đạt 13,2 triệu con và sản lượng tổ yến đạt 250 tấn.

Hiện tỷ lệ nhà yến được cấp phép tại Việt Nam rất thấp!

Theo một nghị định của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam ban hành năm 2013, cường độ âm thanh nhà yến không vượt quá 70dBA trong khoảng thời gian từ 6-21h và không được sử dụng âm thanh trong thời gian từ 21h đến 6h sáng ngày hôm sau.

Về tiêu chuẩn vệ sinh, bộ quy định: Nhà nuôi chim yến phải làm vệ sinh thường xuyên và thực hiện các biện pháp tiêu độc, khử trùng định kỳ ít nhất 1 lần/tuần. Không sử dụng chất khử trùng ảnh hưởng đến chất lượng tổ yến. Trong trường hợp chống dịch, thực hiện vệ sinh tiêu độc khử trùng theo hướng dẫn của cơ quan thú y. Chất thải từ việc nuôi chim yến phải được thu gom, tiêu độc, khử trùng và xử lý bằng một trong các biện pháp ủ, đốt, chôn lấp hoặc phương pháp khác nhằm bảo đảm an toàn trước khi đưa ra môi trường..

 Quốc An - Lý Trường

Theo NTD

largeer