Quản lý kinh doanh trái cây: Những chuyển biến tích cực
Sau gần 1 năm triển khai Đề án “Thí điểm quản lý các cửa hàng kinh doanh trái cây trên địa bàn các quận nội thành Hà Nội”, việc kinh doanh mặt hàng này đã chuyển biến tích cực văn minh, an toàn. Qua đó, cũng trang bị kiến thức, kỹ năng và nâng cao ý thức trong mua, bán trái cây an toàn cho cả người bán và người mua.
Thành công bước đầu
Theo Sở Công thương Hà Nội, hiện trên địa bàn 12 quận có 806 cửa hàng kinh doanh trái cây, trong đó có 176 cửa hàng chuyên doanh trái cây, 630 cửa hàng kinh doanh thực phẩm tổng hợp trong đó có trái cây.
Trước khi triển khai Đề án, tỷ lệ cửa hàng kinh doanh trái cây đăng ký kinh doanh, thực hiện các điều kiện về bảo đảm ATTP còn khá thấp. Sau gần một năm triển khai đề án các chỉ tiêu bảo đảm ATTP tăng đáng kể, nhiều chỉ tiêu đạt hơn 90%. Cụ thể trước đây chỉ có 30% cửa hàng đăng ký cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP hoặc cam kết bảo đảm ATTP, nhưng đến tháng 8/2018 tăng lên 99%; Từ 50% cửa hàng có thiết bị giám sát chất lượng trái cây, nay tăng lên 86%; 38% cửa hàng có tem truy xuất nguồn gốc trái cây tăng lên 74%... Đặc biệt đến nay 99,5% cửa hàng có hóa đơn chứng minh nguồn gốc trái cây, trong khi trước đây chỉ là 59%. Đến nay, TP đã cấp biển nhận diện cho 752 cửa hàng đáp ứng các yêu cầu của Đề án bằng 93,3% chỉ tiêu đề ra, đồng thời triển khai thí điểm mỗi quận một tuyến phố không kinh doanh trái cây dưới lòng đường, vỉa hè.
Trước đây, nhiều người tiêu dùng phản ánh, dù mua trái cây tại cửa hàng kinh doanh lớn nhưng vẫn không yên tâm về nguồn gốc, chất lượng sản phẩm. Chỉ sau khi các cửa hàng được TP gắn biển nhận diện trái cây an toàn, người tiêu dùng mới thực sự tin tưởng chất lượng trái cây mình mua được bảo đảm. Theo Phó Giám đốc Sở Công thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan, với những địa chỉ được cấp biển nhận diện trái cây an toàn, người tiêu dùng hoàn toàn yên tâm về nguồn gốc xuất xứ, chất lượng, vệ sinh ATTP. Bên cạnh đó, khi được gắn biển DN, cửa hàng có ý thức hơn trong việc chấp hành các quy định của pháp luật, điều đó cho thấy Đề án đang phục vụ tốt nhu cầu tiêu dùng của Nhân dân.
“Ngành công thương sẽ chủ trì, cùng các sở, ngành liên quan triển khai hiệu quả Đề án với mong muốn người dân Thủ đô được tiêu dùng trái cây sạch, rõ nguồn gốc, bảo đảm chất lượng” - Giám đốc Sở Công thương Hà Nội Lê Hồng Thăng nói.
Giám đốc Điều hành hệ thống cửa hàng hoa quả “Luôn tươi sạch” Bùi Thế Dũng cho biết: Để đáp ứng các yêu cầu, tiêu chí của Đề án, DN đã cử cán bộ quản lý, nhân viên đi tập huấn các nội dung, tiêu chí mà đề án quy định; làm việc với các DN cung cấp để bảo đảm đầy đủ giấy tờ chứng nhận nguồn gốc xuất xứ, vệ sinh ATTP. Việc gắn biển nhận diện đã khẳng định cam kết của DN trong việc chấp hành tốt quy định pháp luật về ATTP, qua đó phục vụ người tiêu dùng tốt nhất. Cũng nhờ được gắn biển, đã giúp người tiêu dùng biết đến các sản phẩm của DN nhiều hơn, doanh thu của cửa hàng vì thế đã tăng từ 20 - 50% so với trước khi được cấp biển nhận diện.
Để Đề án đi vào cuộc sống
Thực tế cho thấy trong quá trình triển khai Đề án các cơ quan chức năng còn gặp không ít khó khăn như một số văn bản quy phạm pháp luật còn chưa cụ thể, rõ ràng, gây khó khăn trong công tác xử lý vi phạm, kiểm soát chất lượng ATTP, truy xuất nguồn gốc trái cây. Nhận thức của một số hộ kinh doanh trái cây nhỏ lẻ về đề án còn hạn chế, nên chưa phối hợp kịp thời với lực lượng chức năng trong việc hoàn thiện các thủ tục. Người tiêu dùng vẫn có thói quen tiện đâu mua đấy, không chú trọng đến nguồn gốc xuất xứ, chất lượng sản phẩm trái cây. Chính thói quen nay đã tạo điều kiện cho hàng trái cây bán rong tồn tại.
Hà Nội đặt mục tiêu đến hết năm 2018, toàn bộ người kinh doanh được đào tạo, tập huấn ATTP, 100% cửa hàng bán hoa, quả và người kinh doanh trên địa bàn các quận nội thành phải đăng ký kinh doanh theo quy định; có biển hiệu và đầy đủ trang thiết bị, phương tiện bảo quản trái cây; sản phẩm bán phải truy xuất được nguồn gốc, xuất xứ... Để đạt được mục tiêu này, Sở Công Thương Hà Nội đang đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền về đề án bằng nhiều hình thức. Phối hợp với các quận tổ chức tập huấn các cửa hàng kinh doanh trái cây về các điều kiện được cấp biển nhận diện; quy định pháp luật trong hoạt động kinh doanh trái cây; Nội dung kiểm tra, xử lý vi phạm trong lĩnh vực kinh doanh trái cây. Bên cạnh đó, Sở Công Thương cũng phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng thanh, kiểm tra xử lý vi phạm trong hoạt động kinh doanh trái cây, trong đó chú trọng xử lý kinh doanh trái cây lấn chiếm lòng đường, vỉa hè; kiểm soát quá trình lưu thông, vận chuyển trái cây vào TP Hà Nội. Đồng thời đề nghị UBND các quận rà soát quỹ đất còn trống để giới thiệu, bố trí các hộ kinh doanh trên lòng đường, vỉa hè vào kinh doanh theo đúng quy định.
Theo Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Lê Hồng Thăng, Sở Công Thương đang phối hợp với Sở NN&PTNT đẩy mạnh công tác kiểm nghiệm nhanh các sản phẩm trái cây, tập trung kiểm soát chất lượng, truy xuất nguồn gốc trái cây.
Lê Nam
-
Tạm giữ 35 tấn đường kính không hóa đơn chứng từ hợp pháp kèm theo
-
Đình chỉ lưu hành, thu hồi 3 loại mỹ phẩm không đảm bảo chất lượng
-
Tạm giữ trên 25 tấn vải may mặc do Trung Quốc sản xuất
-
Tiền Giang: Xử phạt cơ sở kinh doanh thực phẩm giả tại huyện Gò Công Tây
-
Thu giữ hàng trăm áo phao không rõ nguồn gốc
-
Truy quét hàng giả cuối năm