Quá nhiều bất cập trong tuyển sinh đại học

Thứ tư, 29/09/2021, 10:38 AM

Thầy giáo Trần Phương cho rằng không ở đâu có thí sinh đạt điểm tuyệt đối vẫn trượt đại học, đề thi chỉ là trắc nghiệm chọn đáp án như ở Việt Nam.

Thầy Trần Phương, giáo viên Toán, chỉ ra những bất cập của kỳ thi tốt nghiệp THPT và xét tuyển đại học dựa vào kết quả kỳ thi này.

Trong 50 năm tuyển sinh đại học (1970-2021), Việt Nam đã 4 lần thay đổi cách thi. Ở giai đoạn 1 (1970-1990), Bộ Giáo dục và Đào tạo ra đề thi chung cho các đại học. Giai đoạn 2 (1991-2001), các trường tự chủ tuyển sinh, trong đó 90% ra đề theo bộ đề thi tuyển sinh đại học do Bộ phát hành và 10% tự ra đề thi riêng.

Giai đoạn 3 (2002-2014), Bộ tạo ra đề thi tuyển sinh đại học theo quy tắc "3 chung" - chung đề, chung đợt thi và sử dụng chung kết quả thi. Giai đoạn 4 (2015-2021), Bộ hợp nhất hai kỳ thi tốt nghiệp THPT với tuyển sinh đại học bằng một kỳ thi chung và dần chuyển hết đề thi sang trắc nghiệm chọn đáp án.

Ở từng giai đoạn, nhiều tiêu cực xảy ra mà Bộ Giáo dục và Đào tạo có thể chưa lường trước. Chẳng hạn ở giai đoạn 2, Bộ phát hành bộ đề thi tuyển sinh đại học và khuyến khích các trường ra đề thi theo nội dung bộ đề. Việc 90% trường ra đề theo bộ đề này tạo ra hiệu ứng hàng nghìn trung tâm dạy học sinh ôn thi theo bộ đề. Học sinh miệt mài học thêm để giành suất vào đại học.

Ở giai đoạn 4 (2015-2021), khi phân quyền cho các tỉnh, thành phố tự tổ chức kỳ thi mang tên "THPT quốc gia" (hai năm gần đây là "tốt nghiệp THPT), tỉnh Hà Giang, Hòa Bình, Sơn La đã xảy ra gian lận điểm thi quy mô lớn.

Thí sinh dự thi tốt nghiệp 2021 tại trường THCS Tôn Thất Tùng (quận Tân Phú, TP HCM). Ảnh: Quỳnh Trần

Thí sinh dự thi tốt nghiệp 2021 tại trường THCS Tôn Thất Tùng (quận Tân Phú, TP HCM). Ảnh: Quỳnh Trần

Từ năm 2015 chuyển sang kỳ thi "hai trong một", bên cạnh những mặt tích cực như giảm áp lực thi cử cho thí sinh, tốn kém cho xã hội, việc xét tuyển đại học bằng kết quả kỳ thi này cũng bộc lộ nhiều bất cập. Đầu tiên, trong 50 năm tổ chức thi tuyển sinh đại học và 4 giai đoạn cùng các hình thái thi nhưng thang điểm tối đa của một môn thi vẫn là 10/10 và tổng điểm tối đa ba môn thi vẫn giữ nguyên 30/30. Đây là điều bất biến rất "kỳ cục".

Thứ hai, điểm thi trắc nghiệm rất "lập dị". Trước năm 2015, các bài thi tự luận tuyển sinh đại học ở các môn đều không quá 10 câu hỏi và chấm theo thang điểm 10. Từ năm 2015, bài thi đã thay đổi định dạng sang trắc nghiệm với 40-50 câu hỏi nhưng thang điểm vẫn giữ nguyên 10, tức mỗi câu hỏi chiếm 0,2-0,25 điểm.

Điều này khác biệt với phân phối điểm các đề thi tuyển sinh đại học gaokao của Trung Quốc, CSAT của Hàn Quốc, SAT của Mỹ hay đề thi đại học của Anh. Ở những đề thi này, nhiều định dạng trắc nghiệm được đưa ra; điểm thành phần và tổng điểm luôn là một số nguyên như 100, 150, 800.

Thứ ba, đề thi đại học chia thang điểm cào bằng cho mọi câu khó dễ là như nhau. Điều này khác biệt với cấu trúc phổ điểm ở đề thi đại học các nước được chia theo nhiều phân khúc: Trắc nghiệm chọn đáp án, viết đáp số, trình bày tự luận.

Thứ tư, đề thi chưa phân hóa tốt. Nếu như trong 20 năm, từ 1970 đến 1990, chỉ có một học sinh đạt điểm tuyệt đối 30/30 thì trong 30 năm sau (1991-2021) đã có hàng nghìn học sinh đạt điểm 29,5-30. Nhưng nhiều em đạt điểm tuyệt đối 30/30 vẫn trượt đại học do có nhiều học sinh được cộng điểm ưu tiên nên điểm trúng tuyển lớn hơn 30. Đây là điều kỳ quặc nhất.

Nếu biết Trung Quốc trong 38 năm đổi mới tuyển sinh đại học với gần 400 triệu học sinh thi gaokao nhưng chưa có thí sinh nào đạt điểm tuyệt đối, mọi người sẽ thấy sự mất cân đối và dễ dãi trong cấu trúc nội dung của đề thi ở Việt Nam.

Theo dõi nội dung đề thi trắc nghiệm môn Toán ở Việt Nam từ năm 2015 đến nay, tôi thấy phần nội dung nhận biết và thông hiểu chiếm 60% số câu và tổng điểm của đề. Đối với học sinh khá, giỏi, phần này hoàn thành rất nhanh và chính xác. Những em này thi đấu với nhau ở 40% phần vận dụng và vận dụng cao, tức chỉ thi đấu trên thang điểm 4/10.

Với học sinh giỏi, không khó khăn để hóa giải câu hỏi vận dụng. Khi đó, để vào các đại học top đầu hay ngành "hot", học sinh giỏi chỉ cần đấu với nhau trên một khoảng hẹp gồm 4-6 câu hỏi vận dụng cao, chiếm khoảng 1-1,5 điểm.

Với đề thi trắc nghiệm 4 phương án lựa chọn, nếu được huấn luyện một số kỹ năng, thí sinh có thể điền ăn may để đạt 0,5-0,75 trong gói 1-1,5 điểm. Như thế, sự so kè giữa các học sinh giỏi thi vào đại học top đầu chủ yếu chỉ diễn ra ở 1/10 điểm ở môn Toán. Đây chính là bất cập rất lớn với yêu cầu tuyển sinh đại học.

Để làm rõ hơn sự hạn chế của đề thi Toán tuyển sinh đại học Việt Nam, hãy xem bảng so sánh cấu trúc đề thi và bảng điểm đại học dưới đây:

Bang-so-sanh-1302-1632801507

Để thay đổi việc thi tuyển sinh đại học ở Việt Nam, tôi kiến nghị hai phương án. Một là tách riêng hai kỳ thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh đại học. Trong đó, thi tốt nghiệp THPT gồm 6 môn, dưới dạng trắc nghiệm và thi trong hai ngày vào tháng 5, do Sở Giáo dục và Đào tạo phụ trách. Những học sinh được từ 36 điểm trở lên (điểm tuyệt đối mỗi môn là 10) được đăng ký thi đại học công lập.

Kỳ thi đại học công lập sẽ do Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp với các đại học và UBND tỉnh, thành phố tổ chức một đợt chung với 3 môn thi trong một ngày. Đề thi sẽ gồm 3 phần theo định dạng chuẩn quốc tế: Trắc nghiệm chọn phương án, viết đáp số và tự luận với điểm mỗi câu là một số tự nhiên.

Phương án hai là thi chung như hiện nay nhưng áp dụng thay đổi cấu trúc đề thi đủ 3 phần: Trắc nghiệm chọn phương án, viết đáp số và tự luận với điểm mỗi câu là một số tự nhiên. Phần trắc nghiệm chọn phương án có nội dung đáp ứng yêu cầu thi tốt nghiệp.

Chúng ta rất nhiều lần khẳng định đổi mới giáo dục là nền tảng để phát triển kinh tế xã hội. Để một Việt Nam ngày càng cường thịnh, hội nhập quốc tế sâu rộng cần phải có một cuộc cách mạng đổi mới giáo dục toàn diện với một tầm nhìn rộng lớn. Nhưng ngay từ bây giờ, Bộ Giáo dục và Đào tạo có thể bắt đầu từ việc nhỏ bé là thay đổi luôn và ngay cách thi tuyển sinh đại học để không tạo ra nghịch cảnh 29,5-30 điểm vẫn trượt đại học.

Trần Phương

Theo Vnexpress.net