Phó thống đốc: 'Chênh lệch lãi suất cho vay và huy động khoảng 2-2,5%'
Mức chênh lệch lãi suất bình quân cho vay và huy động khoảng 2-2,5%, thấp hơn so với trước nhưng vẫn có dư địa giảm thêm tuỳ thuộc từng ngân hàng.
Thông tin này được Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú chia sẻ bên lề họp báo ngày 12/10.
Lãi suất tiết kiệm từng kỳ hạn có sự khác biệt nhưng tính bình quân, mức lãi suất này hiện khoảng 5-5,5% một năm. Lãi suất tiết kiệm giảm mạnh khiến tốc độ tăng huy động thấp hơn so với tốc độ tăng trưởng tín dụng. Do đó, theo Phó thống đốc không thể đặt ra bài toán giảm thêm lãi suất đầu vào để giảm lãi suất cho vay. Với mức lạm phát giả định 3%, ông Tú cho biết cần duy trì mức lãi suất tiết kiệm ít nhất như hiện nay để đảm bảo lợi ích của người gửi tiền.
"Mức độ chênh lệch lãi suất cho vay và tiết kiệm tuỳ từng ngân hàng khác nhau, nhưng bình quân đang ở mức 2-2,5% một năm là con số hợp lý", Phó thống đốc nói.
Dư địa để giảm thêm lãi suất cho vay, theo ông Tú phụ thuộc vào khả năng tiết giảm chi phí hoặc cắt giảm lợi nhuận của từng nhà băng.
Với 16 ngân hàng thương mại (chiếm 75% tổng dư nợ nền kinh tế) cam kết với Hiệp hội ngân hàng, tới nay, tổng số tiền lãi mà các nhà băng này đã giảm lũy kế từ 15/7 đến cuối tháng 9 là hơn 11.800 tỷ đồng, đạt 57% so với cam kết.
Phó thống đốc nói rằng, kết quả giảm lãi suất cũng cho thấy có những ngân hàng tích cực "hy sinh cả nghìn tỷ lợi nhuận", có nhà băng chậm trễ hơn. Tuy nhiên, theo ông Tú, "quan điểm của ngành ngân hàng là không cào bằng, người vay khó khăn nhiều giảm nhiều, người khó khăn ít giảm ít".
Trước một số đề xuất nới điều kiện tín dụng cho doanh nghiệp lâm vào thế khó vì tác động Covid-19, Phó thống đốc chia sẻ, "nếu hôm nay dễ dãi thì tương lai sẽ phải trả giá đắt". Ông khẳng định quan điểm của Ngân hàng Nhà nước là hết sức thận trọng, đảm bảo điều kiện mở rộng tín dụng đáp ứng nhu cầu vốn nhưng "nới điều kiện tín dụng thì không làm được".
Cho biết thêm, Phó thống đốc nói tốc độ tăng nợ xấu đang khá nhanh. Tỷ lệ nợ xấu và nợ tiềm ẩn hiện nay chiếm khoảng 8% dư nợ, trong đó tỷ lệ nợ xấu nội bảng là 2%. Do đó, các ngân hàng cũng phải đẩy mạnh trích lập dự phòng rủi ro theo hướng "ai khoẻ trích một lần, anh yếu trích dần đều trong 3 năm".
Theo ông, doanh nghiệp và ngân hàng là cộng sinh. Vì thế ngân hàng cũng vào thế khó khi phải tìm cách cho vay đồng vốn huy động, nhưng việc cho vay chủ quan sẽ dẫn đến hệ luỵ về pháp lý sau này, không đơn thuần chỉ là vấn đề mất vốn. Việc hỗ trợ người dân và doanh nghiệp, theo ông, có những vấn đề nằm ngoài khả năng của ngành ngân hàng và cần tới bài toán tổng thể từ Chính phủ.
Quỳnh Trang
-
ADB tăng hạn mức tài trợ thương mại cho Eximbank lên 115 triệu USD
-
Eximbank giới thiệu giải pháp tài chính thông minh khi mua xe ô tô
-
Dòng tiền FDI chuyển hướng sang dự án khu công nghiệp, văn phòng
-
Gửi tiết kiệm kỳ hạn này, lãi cao bất ngờ
-
Eximbank bị kiểm tra, giám sát chặt chẽ hoạt động cấp tín dụng
-
Giá vàng biến động khó lường