Vì sao Chính phủ không có gói giảm lãi suất cho doanh nghiệp?
Đánh giá gói hỗ trợ năm 2009 không hiệu quả, Chính phủ không đề xuất dùng ngân sách hỗ trợ giảm lãi suất cho doanh nghiệp mà chỉ giảm các loại thuế, phí.
Ngày 16/9, tại cuộc họp của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ đưa ra loạt đề xuất giảm thuế, phí trị giá 21.300 tỷ đồng cho doanh nghiệp chịu ảnh hưởng vì Covid-19, như giảm 30% thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2021; giảm 30% thuế VAT, miễn các loại thuế với hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh năm 2021 ay miễn tiền phạt chậm nộp thuế...
Đồng ý với các đề xuất này song nhiều thành viên Thường vụ Quốc hội đặt vấn đề "vì sao không hỗ trợ giảm lãi suất trực tiếp cho doanh nghiệp".
Ông Vũ Hồng Thanh, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội, nói rằng nhiều doanh nghiệp khó khăn về dòng tiền và theo một tính toán, chỉ cần hỗ trợ giảm lãi suất khoảng 2.400 tỷ đồng, có thể huy động hơn 60.000 tỷ đồng cho nền kinh tế.
Đồng tình, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nói, Chính phủ cần xem xét, bổ sung hỗ trợ lãi suất cho doanh nghiệp. Ông nhìn nhận thời gian qua ngành ngân hàng đã hỗ trợ, chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp thông qua giãn, hoãn lãi vay... nhưng vẫn nên hỗ trợ lãi suất với một số ngành, lĩnh vực bị tác động lớn.
"Hỗ trợ lãi suất bằng tín dụng là chính sách tài khóa chứ không phải là chính sách về tín dụng. Tức là chi bằng nguồn của ngân sách, chi bằng một khoản tiền rất ít nhưng kích hoạt được một khoản mấy chục nghìn tỷ đồng. Số này không thấm vào đâu so với dư nợ nền kinh tế 10 triệu tỷ, nhưng rất ý nghĩa với một nhóm doanh nghiệp đang cực kỳ khó khăn", ông phân tích.
Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cũng đề nghị Chính phủ nêu lý do rõ hơn chính sách hỗ trợ lãi suất năm 2009 vì sao không hiệu quả.
"Do chính sách chưa hiệu quả hay thực hiện không tốt, ví dụ ngân sách không hỗ trợ bù lãi suất kịp thời nên các ngân hàng không mặn mà", ông Tùng gợi ý.
Giải thích với Thường vụ Quốc hội, Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc, người thay mặt Chính phủ trình bày về gói đề xuất, cho biết đã bàn bạc với Ngân hàng Nhà nước về gói hỗ trợ lãi suất. Nhưng từ kinh nghiệm triển khai gói kích cầu năm 2009 không hiệu quả, khó quản lý, Ngân hàng Nhà nước đã đề nghị không triển khai.
"Hiện Ngân hàng Nhà nước cũng có chương trình giảm lãi suất cho vay với doanh nghiệp, với cam kết của các ngân hàng khoảng 24.500 tỷ đồng", ông Phớc nói.
Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú bổ sung thêm, hỗ trợ lãi suất cần được cân nhắc vì thực thi khó. Ông thông tin, gói hỗ trợ năm 2009 là hơn 16.000 tỷ đồng, thực hiện được 14.000 tỷ và đến nay chưa quyết toán xong vì nhiều lý do.
Nghe giải trình của lãnh đạo ngành tài chính, ngân hàng nhưng Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ vẫn giữ quan điểm, yêu cầu tiếp tục nghiên cứu về gói lãi suất vì lúc này "dòng tiền sẽ quyết định sự tồn tại hay không tồn tại của doanh nghiệp". Việc giảm lãi suất cho doanh nghiệp, theo ông, chỉ áp dụng cho một số đối tượng, lĩnh vực chịu tác động lớn, chứ không phải tràn lan.
Kết luận, Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải nói, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất đề xuất của Chính phủ. Song, Bộ Tài chính cần báo cáo Chính phủ rà soát, bổ sung thêm chính sách hỗ trợ lãi suất cho doanh nghiệp.
Dự thảo nghị quyết sẽ được gửi lại để từng thành viên Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến và Chủ tịch Quốc hội ký ban hành trước ngày 1/10/2021.
Anh Minh
-
Khuyến nông gắn với du lịch nông nghiệp, tăng trưởng xanh và phát triển bền vững
-
Những con số ấn tượng về hành trình VinFast VF 8 chinh phục Tây Tạng
-
Eximbank ra mắt dịch vụ thanh toán Garmin Pay qua thẻ Eximbank Mastercard: Bước đột phá cho lối sống năng động
-
Eversolar hợp tác kinh doanh trạm sạc nhượng quyền V-Green
-
Vinfast hợp tác FGF hỗ trợ khách hàng thu cũ xe xăng, đổi mới ô tô điện
-
Kỳ tích phục hồi ngoạn mục của bệnh nhân 60 tuổi liệt tứ chi, từng sống nhờ máy thở