Giải tán hàng trăm du khách trải nghiệm 'cà phê đường tàu'
Trong quá trình làm nhiệm vụ, cảnh sát phải mời cả trăm người dân, du khách ra khỏi khu vực "phố cà phê đường tàu" đoạn Trần Phú - Phùng Hưng để bảo đảm an toàn.
hoặc
Vui lòng nhập thông tin cá nhân
hoặc
Vui lòng nhập thông tin cá nhân
Nhập email của bạn để lấy lại mật khẩu
Phố cà phê đường tàu được du khách quốc tế ca ngợi là “điểm nhất định phải đến khi tới Hà Nội”. Một số chủ quán ủng hộ việc biến phố đường tàu thành điểm du lịch an toàn, thu hút du khách. Tuy nhiên, chuyên gia cho biết, điều này chỉ khả thi nếu có giải pháp đảm bảo an toàn tuyệt đối.
Sau đợt kiểm tra ngày 24/3, phố đường tàu Hà Nội trở nên vắng lặng. Hầu hết quán xá đóng cửa, chỉ còn lác đác vài quán mở nhưng không một bóng khách.
Bà Nguyễn Mai Anh, chủ quán cà phê đường tàu ở phường Điện Biên (Hà Nội), không giấu được sự tiếc nuối khi không còn cảnh khách du lịch tấp nập như trước. “Những ngày gần đây, quán hầu như không có khách. Thỉnh thoảng có vài người ghé uống cà phê, chúng tôi chỉ dám bố trí cho họ ngồi trong nhà”, bà chia sẻ.
Bà Mai Anh cho biết thêm, trước đây, khu phố này nhếch nhác và đầy rẫy tệ nạn. Nhưng từ khi các quán cà phê xuất hiện, diện mạo nơi đây đã thay đổi, trở thành điểm check-in nổi tiếng của du khách quốc tế khi đến Hà Nội.
Những ngày đông khách, quán của bà đón 4-5 đoàn khách nước ngoài, mỗi đoàn khoảng 15 người, chưa kể khách lẻ. Phố đường tàu lúc nào cũng tấp nập, không chỉ khi tàu chạy mà cả những thời điểm khác trong ngày. Tuy nhiên, sau các biện pháp kiểm soát chặt chẽ, khu phố giờ đây vắng bóng người.
Cũng như bà Mai Anh, bà Nguyễn Thị Dung, một trong những người đầu tiên mở quán cà phê cạnh đường tàu, cũng bày tỏ mong muốn được tiếp tục kinh doanh.
“Hơn nửa số khách đến phố đường tàu là người nước ngoài. Nhiều du khách chia sẻ rằng họ đến Hà Nội chính để tận mắt chứng kiến khoảnh khắc đoàn tàu lướt qua khu dân cư. Với họ, đây là một “điểm nhất định phải đến khi tới Hà Nội”, bà cho biết.
Bản thân bà Dung và nhiều hộ dân nơi đây từng là nhân viên của Tổng công ty Đường sắt Việt Nam, được phân về khu tập thể đường sắt từ thời chiến tranh để đảm bảo hoạt động đường sắt thông suốt. Theo thời gian, người dân bám trụ, sinh con đẻ cái và mưu sinh ngay sát hành lang đường tàu.
“Nhà tôi là một trong những quán đầu tiên, ban đầu chỉ bán chén nước cho bà con trong khu. Sau đó, thấy khách du lịch ghé thăm, dần dần, phố đường tàu phát triển thành điểm cà phê nổi tiếng. Người dân cũng tự bỏ tiền, cùng nhau dọn dẹp để nơi đây sạch sẽ, khang trang hơn”, bà chia sẻ.
Bà cho biết, nếu chính quyền có phương án xử lý triệt để, người dân sẵn sàng ủng hộ, thậm chí di dời để ổn định cuộc sống. “Chúng tôi mong có hướng đi rõ ràng, chứ cứ cấm rồi lại cho làm, đầu tư xong lại bị dừng thì dân không thể đảm bảo cuộc sống”, bà bày tỏ.
Nhiều du khách nước ngoài cũng tỏ ra tiếc nuối khi không được trải nghiệm phố cà phê đường tàu. Du khách James (32 tuổi, quốc tịch Anh) chia sẻ: "Thực sự tôi rất tiếc khi nghe tin này. Tôi đã đến Hà Nội nhiều lần và phố cà phê đường tàu luôn là điểm tôi yêu thích nhất. Cảm giác ngồi nhâm nhi một tách cà phê, nhìn tàu lướt qua thật sự là một trải nghiệm độc đáo mà tôi chưa bao giờ gặp ở bất kỳ nơi nào khác. Đó là một phần không thể thiếu trong hành trình khám phá Hà Nội của tôi".
Là hướng dẫn viên du lịch, Linh Đan (28 tuổi, Hải Phòng) cho biết, hầu hết du khách nước ngoài khi đến Hà Nội đều muốn ghé thăm phố đường tàu. Dù khu phố bị kiểm soát, một số người vẫn tìm cách đến vào buổi tối hoặc ít nhất chụp ảnh từ bên ngoài hàng rào. “Những toa tàu cũ chạy sát nhà dân mang lại cảm giác vừa mạo hiểm vừa thích thú. Hơn nữa, nơi đây có nhiều quán cà phê ngay sát đường ray, mang đến trải nghiệm độc đáo, hiếm có trên thế giới”, Linh Đan chia sẻ.
Bà Phương Nguyễn, giám đốc công ty du lịch Travelivez cho rằng, phố cà phê đường tàu là một điểm đến đặc biệt, mang đậm dấu ấn Hà Nội, kết hợp giữa sự sôi động đô thị và vẻ đẹp hoài niệm của đường sắt.
Dưới góc nhìn của một chuyên gia du lịch, bà cho rằng thay vì cấm đoán, Hà Nội cần khai thác giá trị độc đáo của phố này một cách có trách nhiệm, vừa giữ được sức hút vừa đảm bảo an toàn cho du khách.
Theo bà, nhu cầu của du khách quốc tế không chỉ là tham quan mà còn là trải nghiệm văn hóa địa phương, tìm kiếm những khoảnh khắc đáng nhớ. Phố cà phê đường tàu chính là một điểm đến như vậy.
Bà Phương dẫn chứng việc các quốc gia đã quản lý hiệu quả các điểm du lịch "mạo hiểm" mà vẫn giữ được sức hấp dẫn. Chẳng hạn, tại chợ đường ray Maeklong ở Thái Lan, tàu chạy qua chợ một cách an toàn nhờ hệ thống cảnh báo và giám sát chặt chẽ.
Với phố cà phê đường tàu, bà Phương cho rằng nếu được quản lý bài bản, nơi đây hoàn toàn có thể trở thành một sản phẩm du lịch độc đáo. Bà nhấn mạnh việc quy hoạch chi tiết, lắp đặt biện pháp an toàn như rào chắn và biển cảnh báo, cùng với sự hợp tác của các hộ kinh doanh là chìa khóa để nâng cao trải nghiệm và đảm bảo an toàn cho du khách.
Liên quan đến vấn đề phố cà phê đường tàu, ông Nguyễn Hoàng Anh, Phó Chủ tịch UBND phường Hàng Bông (Hoàn Kiếm, Hà Nội) cho biết, khu vực từ Trần Phú đến Phùng Hưng, thuộc phường Hàng Bông và phường Điện Biên.
Ông thừa nhận, các quán cà phê đường tàu vi phạm quy định pháp luật và an toàn hành lang đường sắt, nhưng việc xử lý rất khó khăn do nhiều yếu tố. Hiện tại, các hộ kinh doanh đều không có giấy phép, và lực lượng chức năng thường xuyên ra quân xử lý. Tuy nhiên, khi lực lượng chức năng vắng mặt, du khách lại tiếp tục tràn ra. Ông cho biết, trong thời gian tới, phường Hàng Bông sẽ tăng cường kiểm tra, cử nhân sự để kiểm soát và tuyên truyền cho các hộ kinh doanh và du khách về an toàn đường sắt.
Khi được hỏi về việc giữ hay bỏ phố cà phê đường tàu, ông Hoàng Anh cho rằng đây là một địa điểm thú vị đối với du khách quốc tế. Dù vậy, nếu giữ và phát triển, cần phải có sự cam kết từ các cửa hàng và quản lý chặt chẽ hơn, với sự phối hợp của lực lượng chức năng giữa các phường. Ông cũng cho rằng, tuyến phố ẩm thực Tống Duy Tân gần đó và phố cà phê đường tàu có thể hỗ trợ phát triển kinh tế địa phương, nếu được quản lý hiệu quả.