Phim “remake” không phải hướng đi dài cho điện ảnh Việt Nam
Thị trường điện ảnh Việt Nam liên tục cho ra mắt những bộ phim “remake”, điều này không chỉ làm cho giới chuyên môn, mà cả khán giả cũng hoang mang về hướng đi của các nhà làm phim Việt Nam đang chọn.
Phim “remake” là phim sử dụng kịch bản nước ngoài sau đó viết lại thành kịch bản thuần Việt đang là cách mà nhiều nhà sản xuất đang thực hiện tại Việt Nam hiện nay.
Trào lưu làm phim “remake”
Thời gian gần đây, nhiều bộ phim điện ảnh được Việt hóa từ kịch bản nước ngoài liên tục được cho ra mắt. Điều này khiến khán giả tưởng rằng “remake” là một trào lưu mới của điện ảnh Việt Nam. Trên thực tế, phim “remake” đã xuất hiện từ nhiều năm về trước. Cụ thể từ năm 2006 với một loạt phim truyền hình như “Mùi ngò gai” (Hàn Quốc), “Cô gái xấu xí” (Colombia), “Ngôi nhà hạnh phúc” (Hàn Quốc)…
Năm 2015, bộ phim chiếu rạp “Em là bà nội của anh” (Hàn Quốc) do đạo diễn Phan Gia Nhật Linh chuyển thể đánh dấu một bước ngoặt quan trọng cho điện ảnh Việt Nam với doanh thu đạt trên 100 tỷ đồng. Sau thành công này là sự ra đời hàng loạt của các bộ phim điện ảnh “remake” như “Sắc đẹp ngàn cân” (Hàn Quốc), “Yêu đi đừng sợ” (Hàn Quốc), “Ngày mai Mai cưới” (Indonesia), “Tháng năm rực rỡ” (Hàn Quốc), “Ông ngoại tuổi 30” (Hàn Quốc), “Yêu em bất chấp” (Hàn Quốc)…
Sự trở lại của dòng phim truyền hình “remake” sau một thời gian dài vắng bóng cũng tạo nên cơn sốt trong năm vừa qua với những phim như “Người phán xử” (Israel), “Sống chung với mẹ chồng” (Trung Quốc), “Gia đình là số 1” (Hàn Quốc)…
Làm phim “remake” - dễ hay khó?
Một trong những tiêu chí hàng đầu để các nhà sản xuất Việt Nam lựa chọn kịch bản “remake” là bộ phim đó phải thành công ở quốc gia mà nó được sinh ra và có một số ảnh hưởng nhất định đến các quốc gia khác. Đây cũng là một trong những yếu tố tiên quyết mà nhà sản xuất dùng để thu hút sự quan tâm của khán giả trong nước.
Làm phim “remake” thật sự không quá khó. Bởi lẽ, đạo diễn đã có trong tay một kịch bản “hay”, bộ phận biên kịch cũng không cần “hao tâm tổn sức” suy nghĩ đường dây kịch bản mà chỉ cần dựa vào tinh thần chính của kịch bản gốc rồi chỉnh sửa sao cho phù hợp với tiêu chí và thị hiếu của khán giả Việt Nam.
Tuy nhiên, không quá khó không có nghĩa là không khó. Làm phim “remake” việc quan trọng nhất là phải Việt hóa sao cho kịch bản mới mang tinh thần của điện ảnh Việt Nam, đây được xem là khâu khó nhất khi thực hiện một bộ phim “remake”. Bởi lẽ, bất kỳ một bộ phim điện ảnh nào được làm ra thì kịch bản cũng được viết dựa trên nền tảng văn hóa, xã hội, lối sống, cách suy nghĩ của quốc gia đó nên việc chuyển hẳn sang sao cho phù hợp với Việt Nam là một trong những việc làm rất “cân não” và đòi hỏi người thực hiện phải là người có sự am hiểu rộng.
Nhà sản xuất Trương Ngọc Ánh chia sẻ: “Kịch bản Việt hóa phải thuần Việt mới đủ sức chinh phục khán giả, không thể sao chép y hệt kịch bản nước ngoài vốn xa lạ với văn hóa Việt. Nếu không làm tốt được việc này, khả năng thất bại là rất cao”.
Phim “remake” còn khó ở chỗ là dễ bị so sánh với bản gốc và thường khó mà hấp dẫn bằng bản gốc nếu như người biên kịch không tạo ra được màu sắc riêng biệt cho kịch bản Việt.
Phim “remake” không phải là hướng đi dài
Việc các nhà sản xuất đua nhau làm phim “remake” đang nảy sinh ra nhiều ý kiến trái ngược nhau, có người cho rằng làm phim “remake” là tiện lợi, đỡ mất thời gian trong việc viết kịch bản lại còn nắm tỷ lệ thành công tương đối cao. Nhưng cũng có ý kiến cho rằng, việc làm phim “remake” quá nhiều khiến cho những người viết kịch bản lười sáng tạo và tư duy, làm điện ảnh Việt Nam thụt lùi hơn so với điện ảnh thế giới.
Trên thực tế, điện ảnh là loại hình giải trí thu hút khán giả đông nhất hiện nay nhưng đội ngũ biên kịch lại chưa đáp ứng được nhu cầu của số đông. Kịch bản thuần Việt hay và ấn tượng chỉ đếm trên đầu ngón tay nên việc lựa chọn “remake” được xem là giải pháp giúp duy trì nhịp thở của điện ảnh nước nhà.
Làm phim “remake” không phải là một hướng đi dài bởi nếu thành công thì mọi người cũng chỉ công nhận đó là một bản sao hoàn hảo. Thế cho nên những nhà làm phim cần đầu tư nhiều hơn nữa không chỉ về trang thiết bị quay phim hay các yếu tố bổ trợ mà thứ cần đầu tư nhất chính là kịch bản vì đây là yếu tố quyết định thành công của một bộ phim.
Đức Tiến
-
Kết nối điện ảnh Việt với thế giới
-
Lý do khách du lịch Ấn Độ đến Việt Nam tăng 500%
-
Bài học từ Quả bóng vàng 2024 Rodri
-
Ai chịu trách nhiệm khi bóng đá Việt trượt dốc?
-
Loại cua "quý tộc" của Trung Quốc trở thành món ăn bình dân tại Việt Nam
-
Tuyển Kickboxing Việt Nam giành 11 HCV, TP HCM góp 1 chức vô địch