Phát hiện gì qua thanh tra điều kiện làm việc của lao động tại Samsung Việt Nam?

Thứ hai, 27/11/2017, 16:38 PM

Thời gian vừa qua, khá nhiều thông tin liên quan đến việc một tổ chức phi chính phủ của Thụy Điển IPEN phối hợp với Trung tâm Nghiên cứu giới, gia đình và môi trường trong phát triển (CGFED) vừa đưa ra một báo cáo cho rằng sức khỏe của lao động nữ tại các nhà máy của Samsung Việt Nam với nhiều vi phạm trong sử dụng lao động.

Công nhân làm việc tại Công ty Samsung.

Công nhân làm việc tại Công ty Samsung.

Theo báo cáo này, IPEN và CGFED đã phỏng vấn 45 lao động nữ làm việc tại 2 nhà máy điện tử lớn của Samsung ở tỉnh Bắc Ninh và Thái Nguyên. Báo cáo cho biết lao động nữ thông báo tình trạng làm việc kiệt quệ bao gồm làm xen ca cả ngày lẫn đêm trong thời gian lên tới 4 ngày; đứng liên tục trong suốt 8-12 giờ làm việc; làm việc trong môi trường tiếng ồn vượt quá giới hạn luật lao động cho phép. Lao động có thai cũng phải đứng trong suốt thời gian làm việc nhưng được nghỉ giải lao.

Đặc biệt, theo báo cáo trên, lao động nữ gặp một loạt những ảnh hưởng về sức khỏe khi đều cảm thấy chóng mặt và ngất xỉu tại nơi làm việc; sẩy thai hay những biểu hiện khác như giảm thị lực, chảy máu mũi, đau bụng, xương và khớp.

Kết quả nghiên cứu cũng cho thấy, Việt Nam đã chú trọng các tiêu chuẩn với sản phẩm nhưng chưa có quy định cụ thể về an toàn nơi làm việc, bảo vệ sức khỏe người lao động. Khoảng 80% lao động tại Samsung là nữ, và làm ở những vị trí thấp nhất trong dây chuyền sản xuất.

Người lao động làm việc cho Samsung được ký hợp đồng lao động, nhưng họ không được công ty cho giữ bản hợp đồng nào, điều này trái quy định pháp luật Việt Nam. Họ phải làm thêm giờ, tăng ca thường xuyên, bất kể ngày hay đêm, kể cả cuối tuần. Với thời gian làm liên tục lên tới 4 ngày, đứng suốt từ 8 tới 12 tiếng đồng hồ.

Theo ông Nguyễn Tiến Tùng, Chánh Thanh tra Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, vừa qua Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã tổ chức thanh tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về an toàn lao động, BHXH tại hai Công ty Samsung điện tử Việt Nam ở Thái Nguyên và Bắc Ninh.

Theo kết luận thanh tra tại Công ty Samsung điện tử Việt Nam Thái Nguyên (SEVT), thời điểm thanh tra(tháng 7/2017), DN này có 71.530 lao động và có thành lập tổ chức Công đoàn. SEVT đã ký hợp đồng lao động với 71.528/71.528 lao động; tham gia bảo hiểm bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp cho 67.468/67.468 lao động; tham gia BHYT cho 67.560/67.560 lao động thuộc đối tượng phải tham gia.

SEVT đã thực hiện đúng các quy định về thời gian nghỉ ngơi; nghỉ lễ, Tết và nghỉ việc; số giờ làm thêm hàng ngày, hàng tuần, hàng năm. Công ty trả lương không thấp hơn lương tối thiểu vùng; khám sức khỏe định kỳ một lần/năm cho lao động thuộc diện phải khám sức khỏe định kỳ và 2 lần/năm đối với lao động làm công việc nguy hiểm, là người cao tuổi…

Kết luận thanh tra cũng khẳng định SEVT đã thực hiện các quy định riêng đối với lao động nữ như: Không sử dụng lao động nữ có thai từ tháng thứ 7 trở lên, nuôi con nhỏ dưới 12 tháng tuổi làm việc ban đêm, làm thêm giờ và đi công tác xa. Lao động nữ trong thời gian có kinh nguyệt được nghỉ thêm 30 phút, nuôi con nhỏ dưới 12 tháng tuổi được nghỉ thêm 60 phút mà vẫn hưởng nguyên lương.

Còn tại Công ty Samsung điện tử Việt Nam Bắc Ninh (SEV), kết quả thanh tra cho thấy vào thời điểm thanh tra (tháng 9/2017), SEV có 43.227 lao động, đã thành lập tổ chức Công đoàn cơ sở. DN đã ký hợp đồng lao động với 43.227 người.

SEV đã phân loại số lao động làm các công việc có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn, vệ sinh lao động cho 730 người; xây dựng phương án xử lý sự cố kỹ thuật gây mất an toàn, vệ sinh lao động nghiêm trọng, ứng cứu khẩn cấp. Công ty đã kiểm định kỹ thuật an toàn 442/442 máy, thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn, vệ sinh lao động; tổ chức quan trắc môi trường. Đã thực hiện các quy định đối với lao động nữ, lao động là người cao tuổi; khám sức khỏe cho 44.673 lượt lao động.

Tuy nhiên, theo ông Tùng, cả 2 nhà máy của Samsung đều vi phạm quy định về thời gian làm việc. Cụ thể, Samsung chia thời gian làm việc thành 2 ca, ca ngày từ 8h đến 20h, ca đêm từ 20h đến 8h sáng hôm sau và đưa vào nội quy lao động, luân phiên làm việc 4 ngày liên tục sẽ được nghỉ 2 ngày. Quy định này, theo Thanh tra Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, là trái với Bộ luật Lao động 2012. Do đó, Thanh tra Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đã yêu cầu SEV không bố trí người lao động làm thêm giờ quá số giờ quy định tại điều 106 Bộ luật Lao động 2012.

Theo Xuân Thảo - Báo Hải quan

largeer