Phân tích hiện tượng chứng khoán "đỏ sàn": Không thể có nguyên nhân từ Luật An ninh mạng
Gần đây một số trang mạng xã hội đang rộ lên thông tin Luật An ninh mạng là một trong những nguyên nhân chủ đạo khiến thị trường lao dốc trong thời gian qua.
Thế nhưng trao đổi với Lao Động, nhiều chuyên gia khẳng định đây là nhận định không đúng. Luật An ninh mạng được Quốc hội thông qua là cần thiết và không thể là nguyên nhân khiến chứng khoán giảm điểm. Thậm chí, có ý kiến khẳng định “Nhiều người lợi dụng việc thông qua Luật An ninh mạng để trục lợi trên thị trường chứng khoán”.
Một số nhà đầu tư nước ngoài (NĐTNN) bán ròng khá mạnh trong tháng 5. Tính đến ngày 23.5, giá trị bán ròng của NĐTNN đạt 4.229 tỉ đồng trên cả hai sàn.
Trao đổi với PV Báo Lao Động, ông Lê Đức Khánh - Giám đốc Chiến lược thị trường Công ty Cổ phần Chứng khoán Dầu khí - cho biết: “Với góc nhìn chuyên gia chứng khoán, vấn đề an ninh mạng có thể là yếu tố ảnh hưởng nhưng rất nhỏ đến việc chứng khoán giảm điểm. Tôi cho rằng nhiều người đang có xu hướng phóng đại các nguyên nhân về Luật An ninh mạng”.
Ông Lê Đức Khánh cho biết, dưới góc độ chuyên gia phân tích chứng khoán, có 3 yếu tố khiến thị trường giảm điểm.
Thứ nhất là do biến động kinh tế vĩ mô thế giới và Việt Nam. Những lo ngại chiến tranh thương mại Mỹ và Trung Quốc, Fed tăng lãi suất, những lo ngại biến động về lãi suất sẽ liên quan tới trái phiếu. Khi kỳ hạn tăng lên thì khiến thị trường chứng khoán giảm điểm. Động thái địa chính trị kinh tế vĩ mô thế giới sẽ tác động đến thị trường. Ngoài ra câu chuyện tỉ giá, tăng lãi suất thì đồng USD mạnh có thể tác động trực tiếp lên nền kinh tế.
Khi ngân hàng trung ương trên thế giới có động thái thắt chặt chính sách tiền tệ, tăng lãi suất thì các nhà đầu tư lại lo ngại câu chuyện lạm phát.
Thứ hai, câu chuyện về khối ngoại bán ra. Từ tháng 4 thì khối ngoại bán mạnh trên cả 2 sàn, chủ yếu là HOSE. Việc FED tăng lãi suất có thể làm dịch chuyển dòng tiền của khối ngoại.
Các quỹ đầu tư ngoại đang cơ cấu danh mục đầu tư. Trong khi họ đang nắm trong tay khoảng 14-16 cổ phiếu lớn, mỗi khi cơ cấu lại thì họ bán ra lượng cổ phiếu lớn làm ảnh hưởng tới thị trường.
Nguyên nhân cuối cùng là do tâm lý nhà đầu tư, khi không có thông tin vĩ mô hỗ trợ. Các tháng hè, nhà đầu tư thường ít giao dịch. Thị trường có tâm lý nghỉ ngơi “Sell in May and Go Away”. Tháng 5 thường có giao dịch kém sôi động nhất trong các tháng khác trong năm. Câu chuyện thời điểm không thuận lợi.
“Trong tuần cuối tháng 5, thị trường đã giảm rất sâu ngưỡng 920 điểm và đẩy lên. Diễn biến trong 2 tuần gần đây thì thị trường hồi phục trở lại, phiên ngày 19.6 chạm 940 điểm đã bật nảy trở lại. Như vậy có thể thấy thị trường khó giảm sâu dưới ngưỡng 900 điểm nữa mà đã tạo đáy để đi lên rồi. Từ nay đến cuối thangs 6 sẽ hồi phục để đi lên. Thị trường có thể ảnh hưởng bởi các thông tin ngắn hạn nhưng sẽ khó giảm sâu.
Trao đổi với báo chí về nguyên nhân thị trường chứng khoán giảm điểm, ông Trần Văn Dũng - Chủ tịch UBCKNN - cho biết “Trước hết sự biến động điều chỉnh của thị trường chứng khoán Việt Nam diễn ra trong bối cảnh TTCK thế giới điều chỉnh giảm trước tác động của tình hình kinh tế, chính trị thế giới.
Căng thẳng thương mại Mỹ-Trung có giảm song chưa xóa bỏ được lo ngại của giới đầu tư về việc hai nền kinh tế lớn nhất thế giới này vẫn có thể mắc vào một cuộc chiến tranh thương mại, Cục dự trữ Liên bang Mỹ sẽ tăng lãi suất trong tháng 6 và khả năng Ngân hàng Trung ương Châu Âu cũng tăng lãi suất sớm hơn dự kiến.
NĐTNN bắt đầu có xu hướng rút tiền khỏi các thị trường mới nổi, trong đó có khu vực Đông Nam Á. Thị trường chứng khoán thế giới từ Mỹ, Châu Âu, Châu Á đều đã điều chỉnh giảm từ tháng 1.2018, mức giảm phổ biến từ 7 - 10%”.
“Tuy nhiên, với kinh tế vĩ mô tăng trưởng tốt; thị trường tài chính - tiền tệ, ngoại hối ổn định, mặt bằng lãi suất cho vay (bằng VNĐ) có xu hướng giảm; khối ngoại vẫn tiếp tục vào ròng, chưa có dấu hiệu rút vốn khỏi TTCK; tình hình sản xuất kinh doanh, lợi nhuận của các doanh nghiệp niêm yết vẫn ổn định, về dài hạn, TTCK Việt Nam vẫn còn có nhiều cơ hội diễn biến thuận lợi trong thời gian tới” - ông Trần Văn Dũng - Chủ tịch UBCKNN cho biết.
Kết thúc phiên giao dịch ngày 20.6, sau khi bị bán mạnh tại phiên giao dịch trước, thị trường đã có một phiên tăng điểm hồi phục. Nhóm cổ phiếu kéo chỉ số tăng điểm nhiều nhất bao gồm GAS (+3.09 điểm); VCB (+1.86 điểm); VIC (+1.70 điểm); VJC (+1.45 điểm); BID (+1.32 điểm).
Dòng tiền tập trung tại các nhóm cổ phiếu trụ (Ngân hàng, Bất động sản) giúp duy trì đà tăng của chỉ số. Giá trị khớp lệnh của VN-Index trong phiên hôm nay đạt 3,210 tỉ đồng. Biên độ dao động trong phiên là 25.34 điểm. Thị trường có 217 mã tăng và 71 mã giảm. Kết thúc phiên giao dịch ngày 20.6, VN-Index tăng 18.79 điểm, đóng cửa tại 980.95 điểm. Đồng thời, HNX-Index tăng 1.53 điểm lên 112.11 điểm.
Nhận định thị trường sau hai phiên giao dịch bị bán mạnh, chỉ số VN-Index đã có một phiên hồi phục. Dù trải qua ít rung lắc vào đầu phiên giao dịch sáng, mức tăng điểm của hàng loạt các nhóm cổ phiếu lớn duy trì đà tăng của thị trường trong thời gian giao dịch còn lại. Khối ngoại tiếp tục bán ròng nhưng với giá trị không quá lớn.
Lan Hương
-
ADB tăng hạn mức tài trợ thương mại cho Eximbank lên 115 triệu USD
-
Eximbank giới thiệu giải pháp tài chính thông minh khi mua xe ô tô
-
Dòng tiền FDI chuyển hướng sang dự án khu công nghiệp, văn phòng
-
Gửi tiết kiệm kỳ hạn này, lãi cao bất ngờ
-
Eximbank bị kiểm tra, giám sát chặt chẽ hoạt động cấp tín dụng
-
Giá vàng biến động khó lường