Thị trường chứng khoán: Có một dòng vốn mới đang chọn đổ vào Việt Nam

Thứ tư, 20/06/2018, 14:02 PM

Cùng với việc Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất, TTCK Việt Nam có diễn biến giảm khá mạnh trong thời gian gần đây. Tuy nhiên, chia sẻ mới nhất của Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK) Trần Văn Dũng cho thấy, dòng vốn ngoại tiếp tục vào ròng với những diễn biến mới…

18

Động thái mới của khối ngoại

Nếu như trước đây, khi đối mặt với những tác động bất thuận từ nền kinh tế và TTCK quốc tế, vốn ngoại trên TTCK Việt Nam thường có diễn biến rút ra ròng, nhưng gần đây cùng với động thái rút vốn ở mức hạn chế, có một dòng vốn mới vào thị trường Việt Nam.

Theo đó, nhà đầu tư ngoại bán ròng trên Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HOSE), nhưng lại xuất hiện dòng vốn mới chảy vào tham gia các đợt chào bán cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO) của một số công ty nhà nước cổ phần hóa, cũng như một số công ty tư nhân như các đợt IPO: CTCP Lọc hóa dầu Bình Sơn, CTCP Vinhomes, Techcombank…

“Theo ước tính của chúng tôi, dòng vốn vào của nhà đầu tư nước ngoài từ đầu năm 2018 đến nay có diễn biến tích cực. Ngoại trừ tháng 2/2018, họ rút ròng khoảng 32 triệu USD, còn tháng 1 và tháng 3/2018 khối ngoại lần lượt mua ròng 670 triệu USD, 270 triệu USD. Mức mua ròng gần đây tăng lên: tháng 4 khối ngoại mua ròng 617 triệu USD, trong khi tháng 5/2018 giá trị mua ròng đạt trên 700 triệu USD…”, Chủ tịch UBCK cho hay. Mặc dù Fed tăng lãi suất là chuyện thấy trước, nhưng dòng vốn ngoại vẫn vào ròng TTCK Việt Nam. Nói như vậy nhưng Chủ tịch UBCK cho rằng, chúng ta không thể chủ quan.

Vốn vào đang nằm ở đâu trong bối cảnh thị trường giảm điểm? Theo lý giải của lãnh đạo UBCK, một phần vốn chảy vào thị trường trái phiếu, khi trong tháng 5/2018, khối ngoại mua ròng trên 1.300 tỷ đồng trái phiếu. Một phần khác họ tập trung vào mua cổ phiếu của các doanh nghiệp trước khi lên sàn. Phần vốn nữa họ đang chờ cơ hội, ở dạng số dư tiền mặt của các quỹ tương đối cao...

Giải mã vốn ngoại vào ròng

Vậy nhà đầu tư ngoại đang giữ tiền để chờ cơ hội nào? Theo lý giải của Chủ tịch Trần Văn Dũng, đặt trong mối tương quan với các thị trường lân cận, họ nhìn thấy cơ hội và tiềm năng đầu tư vào Việt Nam đang đa dạng và rộng mở. Chẳng hạn, rót tiền vào Singapore, nhà đầu tư khó có thể tìm kiếm được cơ hội sinh lời tốt khi mà mọi thứ đã phát triển đến mức bão hòa. Dòng vốn từ Thái Lan, Malaysia cũng đang đổ về Việt Nam để đầu tư.

Người đứng đầu ngành chứng khoán cho rằng, Việt Nam có nhiều lợi thế so sánh, tạo nên sức hấp dẫn cho chứng khoán. Đầu tiên là nền kinh tế duy trì được tốc độ tăng trưởng GDP cao từ mức 6,5% trở lên. Trong số nhiều dự báo của các tổ chức quốc tế, ngay cả những dự báo thận trọng nhất cũng không có thông tin nào dự báo GDP của Việt Nam trong 5 năm tới tăng trưởng dưới 6,5%.

Trước đây khi nói đến tăng trưởng GDP, nhiều người nghĩ nền kinh tế Việt Nam phụ thuộc nhiều vào xuất khẩu dầu mỏ, nay tình hình đã khác khi mà các nhân tố tăng trưởng mới xuất hiện. Chẳng hạn, xuất hiện nhiều dự án đầu tư FDI lớn, mang lại hiệu quả cao, trường hợp của Samsung là một điển hình.

“Năm ngoái Samsung xuất khẩu ước đạt 55-56 tỷ USD. Công ty tiếp tục có kế hoạch mở thêm nhà máy tại Việt Nam. Đây là một trong những lý do giải thích cho hiện tượng tại sao trong bối cảnh các quỹ ngoại rút vốn tại nhiều thị trường lân cận, nhưng tại Việt Nam họ lại rút không đáng kể và nhìn chung xu hướng vốn ngoại vào ròng là rõ nét.

Khi Fed, ECB tăng lãi suất, các quỹ rút vốn đầu tư để cố thủ, hoặc chuyển địa bàn đầu tư về Mỹ, châu Âu, nhưng họ không rút toàn bộ vốn, mà vẫn chọn một số thị trường mới nổi và cận biên để duy trì đầu tư”, ông Dũng nhìn nhận.

Ngoài ra, cơ cấu dân số vàng, mức lương trả cho đội ngũ nhân lực vẫn còn sức cạnh tranh, thị trường bất động sản nhiều tiềm năng…, là những yếu tố mang lại lợi thế so sánh cho Việt Nam trong hút dòng vốn ngoại.

Để thu hút dòng vốn ngoại hiệu quả hơn, một trong những giải pháp được UBCK nỗ lực thực hiện là nâng hạng thị trường từ cận biên lên mới nổi. Trả lời câu hỏi liệu năm nay MSCI có đưa Việt Nam vào danh sách chờ xét nâng hạng, Chủ tịch UCBK cho biết, hiện nền tảng, cũng như độ bền vững của TTCK Việt Nam có sự cải thiện đáng kể. Các chỉ tiêu định lượng Việt Nam đã đạt và vượt xa.

Còn một số chỉ tiêu chúng ta cần cải thiện, nhưng không trọng yếu, chẳng hạn như công bố thông tin bằng tiếng Anh. “Bởi vậy nếu tôi gặp chuyên gia của MSCI, tôi sẽ hỏi họ còn chờ gì nữa mà không đưa Việt Nam vào danh sách xem xét nâng hạng? Tuy nhiên, do chu kỳ xét nâng hạng năm 2018 đã qua, nên UBCK kỳ vọng năm tới, MSCI sẽ đưa Việt Nam vào danh sách xem xét nâng hạng.

Ông Dũng cũng thẳng thắn nhìn nhận, việc nâng hạng do MSCI đánh giá độc lập, khoa học và dựa trên phỏng vấn các quỹ đầu tư ngoại. Có những quỹ nhiều khả năng đánh giá tốt về Việt Nam vì hiệu quả đầu tư tốt, chẳng hạn như trong năm 2017, có những quỹ thấp thì cũng đạt mức lợi tức 24%, có quỹ đạt tới trên 60%, tính trung bình đạt 35-40%.

Bên cạnh đó, có những quỹ vì đầu tư không thành công tại Việt Nam, có thể họ sẽ đưa ra những đánh giá không tích cực, nên sẽ tác động đến quá trình ra quyết định của MSCI.       

Hữu Hòe

Theo baodautu