Oằn mình đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây
Không chỉ chủ đầu tư mà lãnh đạo tỉnh Đồng Nai cũng lên tiếng "kêu cứu" thay cho đường cao tốc TP HCM - Long Thành - Dầu Giây khi tuyến đường này đang quá tải từng ngày
Chiều 9/4, Công ty CP Dịch vụ Kỹ thuật đường cao tốc Việt Nam (VEC E; đơn vị quản lý đường cao tốc TP HCM - Long Thành - Dầu Giây) đã phát đi thông báo khuyến cáo các phương tiện chọn lộ trình di chuyển hợp lý do tuyến cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây thường bị ùn ứ vào giờ cao điểm và các ngày lễ, Tết.
"Cao tốc" mà... rùa bò!
VEC E đưa thông số trong 3 tháng đầu năm 2019 đã xảy ra 22 vụ ùn ứ giao thông, trong đó có 16 vụ xảy ra trên đoạn thuộc hướng Long Thành - TP HCM. Theo VEC E, hiện tượng này ngày càng có xu hướng nghiêm trọng, trong đó khu vực cầu Long Thành luôn là điểm nóng của tình trạng ùn ứ. Ngoài ra, trong các ngày cuối các dịp lễ, Tết, dịp hè và các ngày cuối tuần thì tình trạng ùn ứ thường xảy ra ở đoạn nút giao Quốc lộ 51 hướng đi về TP HCM.
Cũng theo thống kê của VEC E, vào giờ cao điểm có khi ùn ứ kéo dài khoảng 6 giờ, chiều dài đoạn bị ùn ứ thường khoảng 4-5 km, có trường hợp còn nghiêm trọng hơn. Vì vậy, VEC E khuyến cáo lựa chọn các lộ trình thích hợp để di chuyển trong những khung giờ cao điểm, đặc biệt vào các ngày cuối tuần và dịp lễ, Tết, nhằm giảm tải cho đường cao tốc. Cũng theo VEC E, từ khi đưa vào khai thác đến nay, lưu lượng phương tiện chọn tuyến này làm lộ trình đang tăng lên từng ngày. Năm 2015, VEC E đã phục vụ gần 10 triệu lượt phương tiện, trong năm 2018 lưu lượng phương tiện là gần 15 triệu lượt, tăng 50% so với năm 2015. Riêng trong quý I/2019, đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây đã phục vụ hơn 4 triệu lượt xe, tăng hơn khoảng 14% so cùng kỳ năm 2018 (3,5 triệu lượt xe). Lý do được VEC E đưa ra là trong 3 tháng đầu năm 2019, có đến khoảng 4 triệu lượt xe lưu thông trên tuyến cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây, tăng gần 16% so cùng kỳ. Mỗi ngày trung bình có đến 75.000 lượt xe tham gia giao thông trên tuyến này, trong khi thiết kế chỉ dành cho 59.000 lượt phương tiện/ngày.
Không chỉ vào các giờ cao điểm, theo ghi nhận, vào những giờ thấp điểm, tình trạng ùn tắc hiện vẫn cứ xảy ra trên đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây. 10 giờ ngày 9/4, ghi nhận từ khu vực đấu nối các đường dẫn hướng đi TP HCM đến đoạn giữa tuyến, 2 đầu cầu Long Thành và khu vực trạm thu phí Long Phước, chúng tôi nhận thấy xe kéo hàng dài, bò như rùa. Đặc biệt, đoạn giao với Quốc lộ 51, một phần do cộng hưởng quá tải từ quốc lộ này khiến nhiều lúc các loại phương tiện chỉ còn biết… đứng yên! "Mua vé, nộp phí sử dụng dịch vụ đường cao tốc mà chỉ được hưởng chất lượng bình thường, thậm chí chất lượng kém như thế này là không ổn. Cứ để tình trạng này diễn ra thì đường cao tốc đâu còn là cao tốc. Cần xét lại trách nhiệm của nhà cung cấp dịch vụ nhưng phần khác, đó là trách nhiệm của địa phương và các cơ quan quản lý chuyên ngành" - anh Nguyễn Văn Lanh, tài xế bị "chôn chân" trên đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây, bức xúc.
Tai nạn, sự cố liên tục
Đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây hiện "nổi như cồn" sau nhiều sự cố liên tục xảy ra. Ngoài vụ cướp hàng tỉ đồng do các bị can là thành viên nội bộ gây ra, tình trạng quá tải và những bất cập trong quản lý khiến nhiều tài xế ta thán. Từ cuối năm 2018 đến đầu 2019, trên tuyến này đã xảy ra nhiều vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng. Hình ảnh hàng loạt xe tông vào nhau vỡ nát trên đường cao tốc, nhiều người thương vong trở thành nỗi ám ảnh. Gần đây nhất, lúc 17 giờ ngày 10-2, trên tuyến này liên tiếp xảy ra 2 vụ va chạm khiến cả ngàn phương tiện bị ùn ứ kéo dài, buộc VEC E phải đóng cửa nhánh A trên Quốc lộ 51 không cho xe cộ lưu thông.
Ngoài tai nạn, trên đường cao tốc này thường xuyên xảy ra các sự cố gián tiếp khiến tình trạng giao thông trở nên mất kiểm soát. Cụ thể, lúc 14 giờ 50 phút ngày 10-2, tại Km14 (đoạn qua địa bàn huyện Long Thành) đã xảy ra vụ cháy đám sậy trong hành lang an toàn của tuyến này, gây khói mù mịt, ảnh hưởng tầm nhìn khiến các phương tiện giao thông phải ùn ứ kéo dài.
Chỉ còn cách mở rộng
Theo VEC E, trên tuyến đường này luôn có lực lượng tuần tra cũng như bố trí các phương tiện cứu hộ tại các vị trí trọng điểm nhằm xử lý sự cố nhanh nhất. Trong trường hợp lượng xe tăng cao và có nguy cơ xảy ra ùn ứ, VEC E sẽ tăng cường lực lượng phối hợp với CSGT điều tiết và phân luồng. Đối với đoạn giao Quốc lộ 51, đơn vị đã cho cải tạo và mở rộng đầu nhánh vào đường cao tốc; đồng thời mở thêm làn đường lưu thông qua vòng xoay của nút giao này để hạn chế xung đột giao thông. Tuy nhiên, VEC E cũng thừa nhận đến nay vẫn chưa giải quyết được triệt để tình trạng ùn tắc giao thông tại khu vực vào giờ cao điểm ngoài việc mở rộng đường cao tốc này.
Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, ông Trịnh Tuấn Liêm, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải (GTVT) tỉnh Đồng Nai, nói rằng đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây đã thực sự quá tải, cần sớm có giải pháp khắc phục, trong đó cách hay nhất là mở rộng. "Hiện tỉnh Đồng Nai vừa kiến nghị Bộ GTVT xem xét, có chủ trương cho mở rộng tuyến cao tốc này từ 4 làn xe lên 10-12 làn xe, trong khi kế hoạch trước đó chỉ mở rộng lên 6-8 làn xe" - ông Liêm thông tin.
Cũng theo ông Trịnh Tuấn Liêm, việc sớm mở rộng tuyến cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây cũng chính là kế hoạch cần thực hiện song song cùng nhiều dự án giao thông khác để phục vụ kết nối sân bay Long Thành cả trong giai đoạn thực hiện dự án và khi đi vào khai thác. Do vậy, giải pháp sớm xử lý tình trạng quá tải tại đây là rất quan trọng và cấp thiết.
Đẩy nhanh các dự án kết nối
Cùng với đề xuất mở rộng đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây, tỉnh Đồng Nai cũng báo cáo Bộ GTVT việc cần đẩy nhanh tiến độ các dự án kết nối khác tại khu vực này.
Cụ thể, đẩy nhanh các thủ tục pháp lý cần thiết cho dự án đường Vành đai 3 bởi dự án hiện vẫn ở giai đoạn thủ tục dù có kế hoạch thực hiện từ lâu. Theo kế hoạch, tuyến đường Vành đai 3 đoạn Nhơn Trạch - TP HCM dài hơn 30 km giai đoạn 1 sẽ xây dựng từ ngã tư quận Thủ Đức (TP HCM) đến đường 25B tại trung tâm huyện Nhơn Trạch với chiều dài khoảng 17 km. Dự kiến trong quý II/2019 sẽ khởi công trước đoạn 1A từ đường cao tốc TP HCM - Long Thành - Dầu Giây đến đường 25B, dài gần 9 km, trong đó 2 km nằm trên địa phận TP HCM, còn lại nằm trên địa bàn huyện Nhơn Trạch.
Ngoài ra, tỉnh Đồng Nai cũng đang lên kế hoạch cho triển khai xây dựng xong tuyến đường 25C do tỉnh quản lý dài 14,5 km (song song đường 25B) đoạn từ Hương lộ 19 (huyện Nhơn Trạch) đến Quốc lộ 51 và đoạn từ các KCN Nhơn Trạch đến đường Vành đai 3 (TP HCM), hiện tuyến này đã làm được một phân đoạn nhưng đoạn còn lại từ lâu vẫn chưa xong.
Trong cuộc họp gần đây, tỉnh Đồng Nai và Bộ GTVT còn bàn đến một số phương án kết nối sân bay Long Thành trong bối cảnh sân bay này sắp được xây dựng, trong đó có việc có thể xây dựng tuyến đường sắt nhẹ từ Thủ Thiêm (quận 2, TP HCM) đi sân bay Long Thành hoặc kết nối cả với đường sắt đô thị của TP HCM nối liền tuyến từ sân bay Long Thành đi sân bay Tân Sơn Nhất. Bên cạnh đó, cầu Cát Lái sẽ là một trong những công trình quan trọng để kết nối TP HCM - Đồng Nai (từ quận 2, TP HCM thông qua đường 25C, 25B của huyện Nhơn Trạch, về sân bay Long Thành).
XUÂN HOÀNG
-
Bão Yinxing giật cấp 17 đi vào Biển Đông, trở thành cơn bão số 7
-
Thời tiết TP HCM hôm nay, 5-11: Oi bức cả ngày, đến đêm mới có mưa rào
-
Thời tiết TP HCM hôm nay, 1-11: Ngày nắng, đêm mưa kèm gió giật mạnh
-
Thời tiết TP HCM hôm nay, 31-10: Ngày nắng, chỉ số UV cao
-
Chính thức trình Thủ tướng lịch nghỉ Tết 2025
-
Điều chỉnh cách tính lương hưu của khu vực Nhà nước từ năm 2025