Ô tô nhập khẩu vắng mặt trong Top 5 dòng xe bán chạy nhất tháng 6
Trong danh sách 5 dòng xe bán chạy nhất trong tháng 6/2018, không có dòng xe nhập khẩu nào được xướng tên.
Báo cáo bán hàng mới nhất của Hiệp hội các Nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA) cho thấy doanh số bán hàng của toàn thị trường trong tháng 6/2018 đạt 21.913 xe, giảm 5% so với tháng 5/2018 và tăng 10% so với tháng 6/2017.
Số xe này bao gồm 15.185 xe du lịch, 6.281 xe thương mại và 447 xe chuyên dụng. Trong đó, doanh số xe du lịch giảm 1%, xe thương mại giảm 8% và xe chuyên dụng giảm 42% so với tháng trước.
Đáng chú ý, sản lượng của xe lắp ráp trong nước đạt 19.194 xe, giảm 1% và số lượng xe nhập khẩu nguyên chiếc là 2.719 xe, giảm 24% so với tháng trước.
Một số dòng xe bán chạy nhất trong tháng qua theo thông tin từ VAMA cũng như các hãng xe phải kể đến dòng xe Grand i10 của Huyndai Thành Công với 2.156 xe được bán ra; Toyota Vios với sản lượng 2.049 chiếc, đây là dòng xe giá rẻ đang được bán chạy nhất của hãng này; Hyundai Accent với sản lượng 1.365 chiếc; Toyota Innova với 1.291 chiếc được bán ra và dòng Mazda 3 với sản lượng 1.220 chiếc.
Tinh đến hết tháng 6/2018, tổng doanh số bán hàng của toàn thị trường giảm 6% so với cùng kì năm ngoái: Trong đó, sản lượng xe ô tô du lịch tăng 6%, xe thương mại giảm 21% và xe chuyên dụng giảm 40%.
Trong sáu tháng đầu năm, doanh số bán hàng của xe ô tô lắp ráp trong nước tăng 10% trong khi xe nhập khẩu giảm 49% so với cùng kì năm ngoái.
Điều này cũng không quá khó hiểu bởi lẽ từ khi Nghị định 116 được ban hành và có hiệu lực từ đầu năm nay, các doanh nghiệp kinh doanh dòng xe ô tô nhập hoàn toàn bó tay nhìn lượng xe nhập trong kho dần cạn kiệt cho đến đầu tháng 3/2018, khi Thông tư 03 hướng dẫn thực hiện các quy định trong Nghị định 116 có hiệu lực.
Tuy nhiên, những quy định trong Nghị định 116 về giấy chứng nhận chất lượng kiểu loại (VTA) cũng như quy định về đường thử vẫn tiếp tục làm khó doanh nghiệp. Đến nay, số lượng ô tô nhập khẩu về Việt Nam, đặc biệt là ô tô miễn thuế từ các nước ASEAN, đã có dấu hiệu tăng dần lên trong một vài tháng gần đây, song so với năm ngoái vẫn còn quá thấp.
Cụ thể, số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan cho thấy trong nửa đầu năm nay, tổng lượng xe ô tô nguyên chiếc các loại được đăng ký nhập khẩu trên địa bàn cả nước đạt 12,38 nghìn chiếc, trị giá đạt 329 triệu USD, giảm mạnh 75,7% về lượng và giảm mạnh 68,3% về trị giá so với cùng thời gian năm 2017.
Báo cáo của VAMA cho thấy những ông lớn chiếm lĩnh thị trường trong nửa đầu năm nay vẫn tiếp tục là Trường Hải (Thaco) với thị phần 41%, Toyota chiếm 20,9%, tiếp theo sau là Honda với thị phần 9,1%.
Một điều đáng chú ý là so với cùng kỳ năm ngoái, doanh số bán hàng của Toyota giảm mạnh 13%, trong khi đó Thaco ghi nhận mức tăng trưởng 5%. Trong bối cảnh thị trường ô tô Việt Nam có nhiều biến động trong nửa năm qua, số liệu từ VAMA cho thấy Thaco là một trong số ít doanh nghiệp có sản lượng xe bán ra tăng lên so với cùng kỳ năm ngoái.
Đối với Toyota trong 6 tháng đầu năm nay, doanh số của hãng này gần như nhờ vào các dòng xe được lắp ráp trong nước khi không có chiếc ô tô nào được nhập khẩu về Việt Nam từ đầu năm.
Tuy nhiên, nguồn tin mới đây cho biết Toyota đã nhập khẩu thành công lô 200 ô tô miễn thuế đầu tiên về khu vực cảng TP. HCM nhưng cũng phải đến tháng 8 năm nay số xe này mới đến được tay người dùng.
Quỳnh Chi
-
Nghịch lý giá ô tô nhập khẩu
-
Thị trường ô tô tăng trưởng mạnh
-
Chiếc ô tô huyền thoại của Toyota chỉ có giá hơn 700 triệu đồng, người Việt thèm muốn
-
Những mẫu xe mạnh nhất phân khúc SUV hạng C: Góp mặt toàn tên tuổi gạo cội, xe 'made in Việt Nam' vượt trội
-
ADB nhận định: Ngành công nghiệp sáng tạo số sẽ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế Châu Á, Thái Bình Dương
-
Nhà mạng có tốc độ internet di động nhanh nhất Việt Nam